Cách đây mười mấy năm, có một người Úc được mời phát biểu trong một buổi lễ mừng tết trung thu do cộng đồng người Việt tổ chức tại Melbourne. Ông nghe nói là, dưới mắt người Việt, trên mặt trăng có hình ảnh một bóng cây; và liên quan đến bóng cây ấy, người Việt có một câu chuyện cổ tích hay lắm. Ông muốn nhắc lại câu chuyện ấy để chứng tỏ sự am hiểu, đồng cảm và ngưỡng mộ của một người Úc đối với nền văn hoá dân gian Việt Nam. Ông nhờ tôi tóm tắt câu chuyện.
Nghe tôi kể xong, ông nói ngay: “Sao ghê quá vậy? Truyện như vậy làm sao kể cho trẻ em nghe được?”
Bạn có nhớ câu chuyện cổ tích thằng Cuội ngồi gốc cây đa không?
Truyện đại khái như thế này:
Ngày xưa có một người tiều phu tên Cuội. Một hôm, vào rừng đốn củi, Cuội thấy bốn con cọp con đang đùa giỡn với nhau. Cuội bèn vung rìu lên, nhắm thẳng đầu các con cọp con ấy, bổ xuống. Cả bốn con cọp con đều bị vỡ sọ, chết tốt. Lúc ấy, cọp mẹ về tới, Cuội vội leo lên cây nấp. Nhìn đàn con chết thảm, cọp mẹ gầm lên đau đớn. Một lát sau, nó đến gốc cây gần đó, đớp lấy ít lá, nhai, rồi nhả vào miệng mấy con cọp con. Lạ thay, vài phút sau, các con cọp con hồi tỉnh, ngồi dậy, vẫy đuôi và nhảy tung tăng, như không có chuyện gì xảy ra cả.
Chờ đến lúc bầy cọp đi xa, Cuội tụt xuống, đào gốc cây mang về nhà. Giữa đường, gặp một ông lão ăn mày nằm chết, Cuội bứt vài lá nhai rồi mớm vào miệng ông lão. Lát sau, ông sống dậy. Ông mừng rỡ báo cho Cuội biết cái cây ấy chính là cây cải tử hoàn sinh. Ông dặn Cuội nên trồng trong nhà để cứu nhân độ thế. Rồi dặn dò thêm: Nhớ đừng bao giờ tưới nước bẩn vào gốc nó. Gặp nước bẩn, nó sẽ bay lên trời!
Về nhà, Cuội trồng cây ở góc phía đông trong vườn. Hàng ngày dùng nước giếng tưới. Cây lớn nhanh như thổi.
Một lần, lội qua sông, Cuội gặp một con chó chết trôi. Cuội vớt xác nó lên rồi dùng lá cây cứu sống nó. Từ đó, con chó quấn quít bên Cuội như một người bạn thân thiết.
Một lần khác, Cuội cứu sống con gái một phú hộ trong làng. Cảm kích, ông phú hộ gả cô cho Cuội. Một số người ghen ghét Cuội, thừa lúc Cuội đi vắng, giết vợ Cuội rồi moi ruột vất xuống sông. Về nhà, thấy vợ chết, Cuội khóc ngất. Bao nhiêu lá cây cải tử hoàn sinh cũng đều vô hiệu.
Lúc ấy, con chó xin hiến bộ ruột của nó cho chủ. Nhét bộ ruột chó vào bụng vợ, Cuội dùng lá cây đắp lên. Người vợ sống lại.
Tuy nhiên, sau đó, tính nết vợ Cuội thay đổi hẳn. Cô đâm lơ đễnh, dặn gì cũng quên. Cuội phải dặn dò vợ liên tục là “Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên đông, cây dông lên trời!”. Vậy mà vợ Cuội cũng không nhớ. Một buổi chiều, lúc Cuội vào rừng kiếm củi, vợ Cuội ra ngồi tiểu ngay dưới gốc cây. Gặp nước tiểu, cây rung rinh rồi bật gốc và từ từ bay lên cao. Lúc ấy, Cuội cũng vừa về tới nhà. Hoảng hốt, Cuội chạy nhào đến, ôm ngay gốc cây, dùng hết sức bình sinh để níu lại. Nhưng cây vẫn bay lên, càng lúc càng cao. Cuội vẫn khư khư ôm chặt lấy gốc cây. Cho đến khi cây bay lên tuốt…mặt trăng.
Từ đó, trên mặt trăng mới có hình ảnh chú Cuội ngồi gốc cây đa…
Bạn nghĩ xem, truyện như vậy làm sao kể cho trẻ em nghe được chứ? Dùng rìu đập chết một lần cả bốn con cọp con đã ghê. Cảnh những kẻ thù của Cuội giết vợ Cuội rồi mổ bụng, móc hết ruột gan phèo phổi vất xuống sông càng ghê hơn nữa.
Nhưng nghĩ cho cùng, câu chuyện ấy vẫn chưa ghê bằng truyện Tấm Cám, một câu chuyện quen thuộc hơn, được nhiều người kể tới kể lui nhiều lần hơn, thậm chí, được đưa vào chương trình giáo dục để giảng dạy cho trẻ em nữa.
Cấu trúc câu chuyện cổ tích ấy được xây dựng trên hai trục chính: đố kỵ và thù hận. Bà mẹ ghẻ và Cám thì đố kỵ. Còn Tấm thì thù hận. Nhưng cả ba đều có một đặc điểm giống nhau: ác. Bà mẹ ghẻ và Cám thì nhờ Tấm leo lên cây cau rồi đốn gốc cây cho Tấm ngã chết. Tấm hoá thành chim vàng anh, bà và Cám liền bắt làm thịt; Tấm hoá thành cây xoan, bà và Cám liền đốn cây.
Tấm cũng không vừa gì. Để trả thù, Tấm lừa Cám tụt xuống hố sâu rồi sai lính dội nước sôi xuống. Dĩ nhiên là Cám chết. Nhưng cũng chưa hết. Tấm còn lấy xác Cám làm mắm rồi gửi biếu bà dì ghẻ - mẹ ruột của Cám. Bà tưởng là mắm thật, ăn ngon lành. Đến lúc gần hết, nhìn xuống đáy vại mắm, mới thấy cái đầu lâu của con gái mình!
Truyện cổ tích là một phần, thậm chí, là phần quan trọng của văn hoá dân gian. Chúng phản ánh một số đặc điểm trong tính cách và triết lý sống của dân tộc. Dù hay hay dở, chúng cũng đã tồn tại với dân tộc cả hàng ngàn năm.
Nhưng ở đây có hai điều.
Thứ nhất, những truyện ấy có nên kể với trẻ em không? Liệu có nên gieo rắc trong tâm hồn non nớt và trong sáng của các em thứ văn hoá dựa trên sự đố kỵ và thù hằn đến dã man như vậy không? Theo Hoàng Ngọc Hiến, nhà thơ Hoàng Cầm có lần nhận xét: “Cần xem lại việc giảng dạy truyện Tấm Cám ở nhà trường, phần kết thúc truyện không thể nào chấp nhận được, mọi người lại cứ xem hành động ‘trả thù’ như Tấm là đương nhiên.” Hoàng Ngọc Hiến cũng đồng ý: “Tư tưởng ‘trả thù’ trong truyện Tấm Cám chưa thoát khỏi tinh thần của thời dã man.” (Văn học và Học Văn, nxb Văn Học, Hà Nội, 1999, tr. 217-8.)
Từ vấn đề thứ nhất ấy, nảy ra vấn đề thứ hai: liệu chúng ta có nên viết lại, ít nhất, một số nào đó, các câu chuyện cổ tích của Việt Nam hay không?
Viết lại cho nhân đạo hơn. Và thực sự có ý nghĩa giáo dục hơn.
Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.