Đường dẫn truy cập

Tiếng Việt: Cái và Con


Đọc bài ca dao “Con cò mà đi ăn đêm”, tôi cứ hay bị khựng lại ở chữ “con” trong “con cò”. Ừ, thì con cò. Cũng giống như con bò, con trâu, con mèo, con chó. Ngỡ như không có gì đặc biệt. Thế nhưng tôi lại không thể không nhớ đến những bài ca dao khác trong đó, cò lại được gọi là “cái”, “cái cò”. Tại sao lúc thì “con”, lúc thì “cái”? Mà số lượng “cái cò” không phải ít. Có người còn làm thống kê được, trong kho tàng ca dao còn lại đến nay, có đến 19 bài bắt đầu bằng “cái cò” trong khi chỉ có 14 bài bắt đầu bằng “con cò”. Tần số xuất hiện của từ “cái cò” cao hơn hẳn (1). Tại sao?

Hiện nay, hầu như tất cả các nhà ngữ pháp đều cho “con” và “cái” là danh từ chỉ loại, do đó, thỉnh thoảng còn được gọi là loại từ (classifier), với hai chức năng chính là nhằm chỉ đơn vị tự nhiên của sự vật và nhằm cá thể hoá sự vật ấy. Với chức năng thứ nhất, “cái” đứng trước những danh từ chỉ vật vô sinh như cái bàn, cái ghế, cái nhà, cái xe, v.v...; trong khi chữ “con” lại đứng trước những danh từ chỉ vật hữu sinh như con mèo, con chó, con gà, con vịt, v.v... Với chức năng thứ hai, “cái” hay “con” có tác dụng làm cho ý nghĩa của sự vật phía sau trở thành cụ thể (2).

Ở chức năng thứ nhất, có hai ngoại lệ: một, thỉnh thoảng trước một số danh từ chỉ vật vô sinh nhưng chứa đựng ý niệm vận động, người ta cũng dùng chữ “con” như con mắt, con tim, con đường, con sông, con dao, v.v...; hai, thỉnh thoảng trước một số động vật như cò, vạc, nông, bống, tôm, trai và kiến, người ta cũng có thể dùng chữ “cái”, như trong các câu ca dao:

Cái cò, cái vạc, cái nông
Sao mày ăn lúa nhà ông, hỡi cò?
- Không, không, tôi đứng trên bờ
Mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi!

hay:

Cái bống đi chợ Cầu Canh
Cái tôm đi trước củ hành đi sau.

Có thể nói ngoại lệ thứ nhất, từ vô sinh biến thành hữu sinh, là những trường hợp thăng cấp; ngược lại, ngoại lệ thứ hai, từ hữu sinh mà biến thành vô sinh, rõ ràng là một sự giáng cấp. Thế nhưng tại sao lại có sự giáng cấp như thế? Tại sao chỉ có một số loài vật bị giáng cấp, còn những loài vật khác thì không? Con cò, con vạc, con nông, con bống, con tôm, con trai, con ve và con kiến... có tội tình mà bị truất phế ra khỏi thế giới hữu sinh? (3)

Theo tôi, những giống vật ấy là những nạn nhân ngẫu nhiên của một cuộc đảo chánh âm thầm trong lãnh vực ngôn ngữ.

Hình như chưa ai nói đến một cuộc đảo chánh như thế thì phải.

*

Trước hết là “đảo chánh” về từ loại. Nên nhớ là chữ “cái” và “con” với tư cách là một loại từ chỉ là một hiện tượng khá mới mẻ trong lịch sử tiếng Việt. Ngay trong Truyện Kiều, được Nguyễn Du sáng tác vào đầu thế kỷ 19, tần số xuất hiện của chữ “con” với tư cách là loại từ rất hiếm, chỉ có khoảng hơn 20 lần trong tổng số 3254 câu thơ. Chữ “cái” lại càng hiếm, chỉ có mỗi một lần trong câu “Con ong cái kiến kêu gì được oan” (4).

Nếu đi ngược thời gian, đọc lại thơ Nôm của Nguyễn Trãi vào đầu thế kỷ 15, chúng ta sẽ thấy cách dùng chữ “cái” và chữ “con” còn rất lộn xộn và tuỳ tiện. Nhà thơ Xuân Diệu có lần khen ngợi nức nở cách dùng chữ “cái” trong hai câu thơ của Nguyễn Trãi:

Tuổi cao, tóc bạc, cái râu bạc
Nhà ngặt, đèn xanh, con mắt xanh.

Theo ông, cách nói “cái râu bạc” của Nguyễn Trãi rất lạ. Nó thể hiện hết cái tinh thần cứng cỏi, ngang ngạnh, uy vũ bất năng khuất của Nguyễn Trãi (5). Tuy nhiên, theo tôi, hình như Xuân Diệu tán hơi quá. Sự thực, vào thế kỷ 15, Nguyễn Trãi chưa hề có sự phân biệt rõ ràng giữa “con” và “cái” như chúng ta hiện nay. Lúc ấy, ông gọi đứa đầy tớ là “con đòi”, nhưng lại gọi con ngựa là “bà ngựa” như trong câu:

Con đòi trốn, dường ai quyến
Bà ngựa gầy, thiếu kẻ chăn.

(“Thủ vĩ ngâm”)

Bây giờ chúng ta gọi là “cái lều”, thời ấy Nguyễn Trãi gọi là “con lều”:

Con lều mòn mọn cách hồng trần
Vướng vất tư mùa những bạn thân.

(“Mạn thuật 2”)

Ông gọi cái am để ở là “con am”:

Bẻ cái trúc, hòng phân suối
Quét con am để chứa mây.

(“Mạn thuật 6”)

hay:

Thiêu hương, đọc sách, quét con am
Chẳng bụt, chẳng tiên, ắt chẳng phàm.

(“Tự thán, 27”)

Trong khi đó, con chim đỗ quyên thì lại được gọi là “cái đỗ quyên”:

Vì ai cho cái đỗ quyên kêu
Tay ngọc dùng dằng chỉ biếng thêu.

(“Cảnh hè”)

Thành ra, chữ “cái” và “con” với tư cách loại từ chỉ là một sản phẩm khá mới mẻ.

Nguyên thuỷ, ngày xưa, “cái” và “con” vốn là danh từ. Ý nghĩa cổ nhất của “cái” có lẽ là mẹ. Vào thế kỷ thứ 9, khi nhà anh hùng Phùng Hưng qua đời, dân chúng suy tôn ông là “Bố Cái đại vương”. Chữ “cái” ấy có nghĩa là mẹ. “Cái” với nghĩa là mẹ còn xuất hiện trong câu tục ngữ “con dại cái mang” và có lẽ, cả trong câu ca dao “Nàng về nuôi cái cùng con / Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.”

“Cái” là mẹ. Mà mẹ, ở Việt Nam, vốn là nơi dấu vết mẫu hệ còn khá đậm, rất được kính trọng. Chính vì thế, từ “cái” có thêm một số nghĩa phái sinh khác, chỉ những gì lớn lao, to tát và chính yếu, như trong các từ: sông cái, đường cái, cột cái, ngón tay cái, đũa cái, rễ cái, sổ cái, v.v... Từ đó, nó lại nảy sinh ý nghĩa là làm chủ, người quán xuyến, chịu trách nhiệm điều hành và quản lý, như trong chữ “cầm cái”, “nhà cái”, “bắt cái” hay “hốt cái” mà những người đánh bạc và đánh bài thường dùng. Rồi nó lại chuyển nghĩa sang phần chính, phần đặc, phần ngon nhất trong thức ăn, như tục ngữ có câu “khôn ăn cái, dại ăn nước”.

Tất cả những sự chuyển nghĩa trên đều là những sự chuyển nghĩa theo hướng tích cực, dưới ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ. Nhưng bên cạnh đó, trong chữ “cái” còn có một hướng chuyển nghĩa khác tiêu cực hơn và cũng triệt để hơn mà tôi muốn xem như một cuộc “đảo chánh” trong lãnh vực ngôn ngữ. Cuộc “đảo chánh” này, tôi đoán, có lẽ diễn ra cùng lúc với việc bành trướng của Nho giáo, trong đó có cả tư tưởng trọng nam khinh nữ với những câu nói tiêu biểu như “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”, hay “một trăm đứa con gái không bằng hòn dái đứa con trai”. Trong tinh thần như vậy, người ta không còn nhìn chữ “cái” như một cái gì lớn lao nữa mà chỉ còn như một phái tính. “Cái” khác với “đực”. Thế thôi.

Trong ý nghĩa chỉ giống (sex), “cái” chỉ có ý nghĩa thuần sinh học, do đó, không còn xứng hợp với con người vốn không phải chỉ là một sinh vật mà còn là một sinh vật có văn hoá. Vì thế, người ta chỉ dùng chữ “cái” để chỉ một phái tính chung chung. Còn với người, người ta gọi lệch chữ “cái” đi một chút thành chữ “gái”; với loài chim, loài cá, hay gia cầm, chữ “cái” lại được gọi lệch là “mái”; với heo, một loại gia súc phổ biến và là nguồn lợi nhuận chính của các gia đình Việt Nam thì “cái” lại thành ra “nái”. Còn lại, tất cả các giống vật khác, ít thân thuộc hơn, thì vẫn được giữ nguyên là “cái”. Như vậy, giữa chữ “cái” và những biến âm của nó, như “nái”, “mái” hay “gái” đã có sự phân biệt. Tuy đồng nghĩa, nhưng chúng không hoàn toàn bình đẳng với nhau.

Hơn nữa, trong tương quan với giống đực, “cái” là giống yếu. Do đó, dần dần có một sự giáng cấp trong ý nghĩa của chữ “cái”. Xưa, “cái” là mẹ; sau, “cái” là con (trong “con cái”); sau nữa, là con gái (con Hoa, con Lựu... còn được gọi là cái Hoa, cái Lựu...). Xưa, “cái” là lớn, là chính; sau, “cái” là nhỏ, là phụ. Xưa, sông cái là sông chính, sông lớn; sau, vào chinh phục miền Nam, người ta lại gọi những con rạch hoặc những nhánh sông nhỏ là “cái”: Cái Bè, Cái Mơn, Cái Thia, Cái Sắn, Cái Trôm, Cái Tre, Cái Cùng, Cái Cạn, v.v... (6)

*

Một hậu quả khác của cuộc đảo chính trong ý nghĩa của từ “cái” là sự xuất hiện của từ “cái” như một từ chỉ xuất với ý nghĩa cảm thán hay chê trách, xỉa xói, bới móc, kiểu “cái thằng cha nọ” hay “cái con mẹ kia”. Có thể nói, từ tư cách danh từ chuyển qua tư cách loại từ, “cái” là một kẻ bị truất phế; từ tư cách loại từ chuyển qua tư cách một từ chỉ xuất, “cái” trở thành một thứ vũ khí để truất phế một người hay một sự vật nào đó. Nói “Nhà thơ mà anh gặp sáng nay...” khác hẳn với cách nói “Cái ông nhà thơ mà anh gặp sáng nay...” Khác, chủ yếu ở tình cảm của người nói: ở cách trước, có chút gì như tôn kính; ở cách sau, có chút gì như rẻ rúng. Các nhà thơ đã sớm biết tận dụng giá trị biểu cảm mới mẻ này. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du dùng đến bảy lần chữ “cái” với ý nghĩa than oán, chẳng hạn trong câu:

Rằng: hồng nhan tự thuở xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?

hay:

Chém cha cái số hoa đào
Gỡ ra, rồi lại buộc vào như chơi.

Để ý đến tính chất cảm thán ấy của chữ “cái”, chúng ta dễ nắm bắt tâm trạng uất hận, đau đớn, day dứt, dằn vặt của Hồ Xuân Hương trong hai câu thơ nổi tiếng này:

Canh khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non.

“Hồng nhan” là một từ đẹp, nhưng khi đi liền sau chữ “cái”, nó lại biến thành một sự bẽ bàng. Nhất là khi “cái hồng nhan” ấy lại cứ trơ ra giữa trời đất.

May mắn là chữ “cái” không bị đẩy đến tận cùng sự trầm luân. Có lẽ, vào khoảng cuối thế kỷ 19 hay đầu thế kỷ 20, khi tiếp xúc nhiều với văn hoá Tây phương, một phần do nhu cầu dịch thuật, một phần do nhu cầu tự diễn đạt, người Việt Nam đã phải tìm cách tạo ra những từ mới để chỉ những khái niệm trừu tượng. Biện pháp tạo từ chủ yếu là dùng từ tố “cái” cộng với một tính từ hay danh từ nào đó, ví dụ: cái tài, cái tình, cái thiện, cái ác, cái đẹp, cái xấu, cái cao cả, v.v... Nhưng tại sao người ta lại nghĩ đến việc dùng chữ “cái”? Trước, đành là chữ “cái” đã được dùng rồi, kiểu “Chém cha cái khó / Chém cha cái khó” trong “Hàn nho phong vị phú” của Nguyễn Công Trứ, tuy nhiên, phổ biến hơn vẫn là chữ “chữ”, kiểu như Nguyễn Du viết, trong Truyện Kiều: “Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau”, hay Nguyễn Công Trứ viết, trong một bài hát nói, “Chữ tình là chữ chi chi”. Khi quyết định dành ưu tiên hẳn cho chữ “cái”, hình như người ta chỉ giữ lại mấy từ cũ, chủ yếu là những từ liên quan đến các phạm trù đạo đức ngày xưa: “chữ trinh”, chữ “trung”, “chữ hiếu” và thỉnh thoảng, “chữ hoà”.

Khó, nếu không muốn nói là không thể biết được tại sao người ta quyết định bỏ chữ “chữ” đã khá quen thuộc thời bấy giờ để thế vào đó bằng chữ “cái” và ai là người đầu tiên đi đến quyết định ấy. Dù vậy, bất kể vì lý do gì, sáng kiến dùng chữ “cái” thay cho chữ “chữ” trong những kiểu tạo từ vừa nêu trên cũng đã cứu vớt được chữ “cái”. Trong kết hợp mới mẻ để biểu đạt những khái niệm trừu tượng, chữ “cái” xem chừng có vẻ sang trọng hẳn, chứ không còn cái vẻ yếu ớt, lam lũ, nhếch nhác và buồn thảm như trước.

*

Như vậy, đứng trước một chữ đơn giản như chữ “cái”, cách cảm thụ của người Việt Nam thuộc những thời đại khác nhau sẽ khác hẳn nhau. Ở trên, tôi có viết là Xuân Diệu tán hơi quá khi bình chữ “cái” trong câu thơ “Tuổi cao, tóc bạc, cái râu bạc” của Nguyễn Trãi. Viết thế, tôi không hề có ý chê trách Xuân Diệu. Lỗi đâu phải ở ông. Nếu ông sinh sớm hơn, khi chữ “cái” chưa có cái vẻ ít nhiều sang trọng như hiện nay, nếu ông sinh vào cái thời người Việt Nam ưa dùng chữ “cái” để cực tả những gì nhỏ nhoi và tội nghiệp như lúc cha ông chúng ta dùng chữ “cái” để chỉ con cò, con bống, con tôm, con kiến... biết đâu ông lại thấy trong câu thơ của Nguyễn Trãi có cái gì ngùi ngùi, xót xa, thương cho thân phận già nua và cô thế của mình.

Biết đâu được.

Chú thích:

  1. 1 - Xem Nguyễn Xuân Kính (1992), Thi pháp ca dao, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr. 204.
    2 - Ví dụ, nói “nhà tôi”, người ta có thể hiểu theo hai nghĩa khác nhau, một là vợ hay chồng của tôi; hai là căn nhà do tôi sở hữu; nhưng nếu nói “cái nhà tôi” thì không thể có khả năng gây hiểu lầm, bởi vì, khi thêm chữ “cái” phía trước, cái nhà ấy phải là một căn nhà hay một ngôi nhà cụ thể. Cũng vậy, nói “ông ấy có mèo”, người ta có thể hiểu lầm ý này ý nọ, nhưng nói “ông ấy có con mèo” thì con mèo ấy nhất định phải là con mèo.
  2. 3 - Trường hợp con hạc bị gọi là “cái” trong câu thơ của Tản Đà “Cái hạc bay lên vút tận trời / Trời đất từ đây xa cách mãi” (bài “Tống biệt”) chỉ là một sự “giáng cấp” tạm thời: con hạc không được tả như một loài chim, hơn nữa, một loài chim quý, mà chỉ như một phương tiện chuyên chở đưa Lưu Thần và Nguyễn Triệu từ cõi tiên về lại cõi trần. Trong trường hợp này, thay “cái hạc” thành “con hạc”, người ta dễ ngỡ nó chỉ là một con hạc nào đó tình cờ bay ngang qua mà thôi.
  3. 4 - Xem Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, do Phan Ngọc hiệu đính, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1989.
  4. 5 - Xuân Diệu (1987), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, tập 1, nxb Văn Học, Hà Nội, tr. 61-2.
  5. 6 - Lê Trung Hoa, “Tìm hiểu ý nghĩa và nguồn gốc thành tố chung “Cái” trong địa danh Nam Bộ”, in trong Tiếng Việt và các ngôn ngữ Đông Nam Á, Viện Ngôn Ngữ Học biên soạn, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1988, tr. 68-75

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG