Trong bài “Văn hoá chiến tranh” vừa rồi, tôi có nêu lên một định nghĩa về văn hoá được các giới nghiên cứu ngành văn hoá học và nhân học (anthropology) đồng ý: văn hoá là hệ thống ý nghĩa được một cộng đồng sáng tạo và chia sẻ, để dựa theo đó, các thành viên trong cộng đồng, về phương diện nhận thức, có thể diễn dịch và đánh giá các hoạt động và các sự kiện khác nhau, có thể phân biệt được cái đúng và cái sai, cái tốt và cái xấu, cái đạo đức và cái vô luân, cái có thể và cái không thể chấp nhận được; về phương diện thẩm mỹ, phân biệt cái đẹp và cái xấu, cái hay và cái dở, cái đáng yêu và cái đáng ghét, v.v... Tôi cũng phân biệt văn hoá và văn hoá chiến tranh: Nếu văn hoá là một hệ thống ý nghĩa, văn hoá chiến tranh có thể được định nghĩa là một hệ thống ý nghĩa làm nền tảng cho cách suy nghĩ của cả xã hội khi đối diện với chiến tranh và những hậu quả của nó. Văn hoá chiến tranh bao gồm những quy ước và quy phạm đặc thù giúp người ta phân biệt bạn và thù, chính nghĩa và phi nghĩa, điều gì nên làm và điều gì không nên làm.
Tôi cũng nêu lên hai đặc điểm đầu tiên của văn hoá chiến tranh: phi nhân hoá (dehumanization) kẻ thù và đề cao loại mỹ học bạo động (aesthetics of violence).
Xin nói thêm một chút về mỹ học bạo động: Với loại mỹ học bạo động ấy, có những điều bình thường vốn bị xem là ác hay ghê tởm bỗng trở thành những cái đẹp.
Có điều, tôi không muốn đánh giá thứ mỹ học này từ góc độ đạo đức.
Chỉ giới hạn trong phạm vi thẩm mỹ, cách nhìn như thế rõ ràng là đã làm thay đổi tận gốc rễ các quan điểm mỹ học truyền thống của Việt Nam, một dân tộc, gắn liền với nền kinh tế nông nghiệp, vốn yêu chuộng những vẻ đẹp dịu dàng và kín đáo, thích trăng hơn thích mặt trời, thích hồ ao hơn sông biển, thích những màu sắc nhàn nhạt đơn sơ hơn những gì chói chang rực rỡ, thích nói về tình yêu hơn sự căm thù.
Dĩ nhiên, sự thay đổi này không có gì đáng nói. Cái gọi là “mỹ học truyền thống” cũng không có lý do gì để tồn tại vĩnh viễn. Sự thay đổi không diễn ra dưới hình thức này thì cũng diễn ra dưới hình thức khác. Chỉ có điều là, với sự thay đổi như thế, cái bị thiệt thòi đầu tiên chính là văn học: thật khó tưởng tượng những kẻ yêu hầm chông hơn hoa hồng có thể thực tâm yêu được văn học như một nghệ thuật thuần tuý của ngôn ngữ. Ưu thế của hầm chông đối với hoa hồng chắc chắn cũng chính là ưu thế của cuộc sống trên nghệ thuật, của tinh thần thực dụng trên tinh thần thẩm mỹ, của cái có ích trên cái đẹp. Những ưu thế này ít nhiều mang tính phi-văn học, nếu không muốn nói là phản-văn học, nơi, nói theo Roman Jakobson, ngôn ngữ được sử dụng mà không cần phải gắn liền với bất cứ mục đích nào khác hơn chính nó (1). Không phải ngẫu nhiên mà Tố Hữu viết: “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ / Hơn nghìn trang giấy luận văn chương.”
Với cách nhìn như thế, vai trò của người cầm bút thay đổi: hắn thấp hơn người cầm súng, thấp hơn những người trực tiếp chiến đấu hoặc trên mặt trận quân sự hoặc trên mặt trận chính trị. Trong bài “Câu chuyện với người bạn cũ”, sáng tác năm 1972, Nguyễn Đình Thi viết: “Anh hơn tôi anh là người chiến sĩ / Luôn luôn đối mặt với quân thù.”
Mà có lẽ không phải chỉ có Nguyễn Đình Thi. Tâm lý thấy mình thấp bé hay thừa thãi khá phổ biến thời kháng chiến chống Pháp cũng như thời chiến tranh Nam Bắc, 1954-75. Người cầm bút mất hẳn niềm tự tin, từ niềm tự tin của một công dân đến niềm tự tin của một văn nghệ sĩ: cuối cùng, hắn hoàn toàn mất ý niệm về vấn đề bản sắc; hắn hoàn toàn hài lòng với các bộ đồng phục hắn mặc.
Nên lưu ý là, khác với văn hoá thời bình, văn hoá chiến tranh, như Paul Fussell ghi nhận, bao giờ cũng là một nền văn hoá vâng phục, ở đó, tập thể bao giờ cũng được đề cao hơn cá nhân, sự hợp nhất bao giờ cũng được khuyến khích hơn sự phân rẽ, cái chung bao giờ cũng được ca ngợi hơn là cái riêng (2). Trong mọi trường hợp, cái bị thiệt thòi đầu tiên vẫn là bản thân văn học: chắc không có gì đáng ngạc nhiên khi, suốt cả mấy chục năm, không ngớt đổ máu ở chiến trường và đổ mồ hôi trên trang giấy, người ta vẫn không tạo được những tác phẩm nào thực sự có ý nghĩa về phương diện nghệ thuật?
Ngoài mỹ học bạo động, còn điểm này đáng lưu ý nữa: Chiến tranh Việt Nam là thứ chiến tranh du kích.
Không có lực lượng du kích nào đủ sức để có thể ngang nhiên dàn trận ra đánh nhau với đối phương cả. Thế mạnh duy nhất của du kích chỉ nằm ở chỗ: bất ngờ. Một trong những cách tốt nhất để tận dụng yếu tố bất ngờ là sẵn sàng chà đạp lên bất cứ mọi quy ước và quy luật thông thường của chiến tranh. Vừa mới tuyên bố đình chiến là nổ súng ngay: bất ngờ. Ở ngay khu dân cư, nơi không ai nghĩ là có thể xảy ra chiến trận, nổ súng: bất ngờ. Ðồng nhất chiến thuật khủng bố và chiến tranh: bất ngờ. Vân vân.
Nhờ phá vỡ những quy ước và quy luật của chiến tranh như thế, miền Bắc đã nhiều lần thắng trận. Nhưng cái giá miền Bắc phải trả không phải nhỏ: những con người được đào tạo trong văn hoá chiến tranh xem việc phá vỡ quy ước như một sức mạnh như thế, sau hoà bình, đã trở thành những công dân phi quy ước (unconventional), những kẻ từ chối mọi quy ước cần thiết trong một xã hội dân sự, thậm chí, còn xem việc phá vỡ những quy ước ấy là một hành động khôn ngoan, một điều kiện để thành công.
Nói cách khác, trong xã hội Việt Nam ngày nay, hầu như mọi người, trong mọi cấp và mọi lãnh vực, từ chính trị đến kinh tế, giáo dục, văn học, nghệ thuật, v.v... đều hành xử như những tên du kích: ai cũng thích len lách theo những ngõ tắt và tìm cách qua mặt tất cả những luật lệ hiện có.
Theo tôi, đây chính là một trong những thử thách lớn nhất mà dân tộc Việt Nam đang phải đối diện: không thể xây dựng một đất nước giàu mạnh và dân chủ khi chưa có một xã hội dân sự, nhưng không thể có xã hội dân sự khi hầu như mọi người, từ giới lãnh đạo đến thường dân, từ giới trí thức đến giới vô học, đều không có ý thức tôn trọng, thậm chí, không thừa nhận, các quy ước chung. Khi người ta xem việc lấn đường, đi ngược chiều và vượt qua đèn đỏ mà không bị công an bắt phạt là những chiến tích đáng tự hào thì, không phải xã hội dân sự mà ngay cả các loại văn hoá chuyên ngành như văn hoá doanh nghiệp, văn hoá chính trị, văn hoá thể thao, văn hoá văn chương, v.v... cũng khó mà hình thành được bởi vì điều kiện đầu tiên của mọi thứ văn hoá bao giờ cũng là sự đồng thuận về một số quy ước chung và hành xử theo các quy ước ấy.
Những biểu hiện và những biến chứng này của văn hoá chiến tranh vô cùng đa dạng nếu chúng ta nhìn vào các tác phẩm văn học được xuất bản trong suốt chiến tranh cũng như sau đó. Tuy nhiên, có lẽ đó sẽ là đề tài cho một bài viết khác, sau này.
Chú thích:
1. Roman Jacobson (1987), Language in Literature (Krystyna Pomorska & Stephen Rudy biên tập), Cambridge: The Belknap Press of Havard University Press, tr. 62-94.
2. Paul Fussell (1996), “The culture of war”, Society, Sep-Oct 1996; reproduced at Expanded Academic ASAP: http://0-web1.infotrac.galegroup.com.library.vu.edu.au/itw/infomark/619/185/44345726w1/purl=rc1_EAIM_0_A18688805anddyn=8!xrn_55_0_A18688805?sw_aep=vut_main.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.