Nữ tỷ phú Trương Mỹ Lan khai trước tòa rằng việc bà phát hành trái phiếu là cho mượn danh nghĩa tập đoàn Vạn Thịnh Phát để lấy tiền giúp SCB vượt qua khó khăn và hứa sẽ tìm mọi cách để bồi thường cho các nạn nhân, theo tường thuật của báo chí trong nước.
Bà Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kể từ ngày 19/9 trong giai đoạn hai của đại án Trương Mỹ Lan-Vạn Thịnh Phát-SCB. Trong phiên tòa này, bà Lan, một tiểu thương ở chợ An Đông trở thành tỷ phú bất động sản, bị xử về hành vi phát hành trái phiếu để chiếm đoạt tiền của người dân thông quan ngân hàng SCB.
Cụ thể, theo cáo trạng, bà Lan được cho là đã phát hành 25 gói trái phiếu cho 4 công ty con của Vạn Thịnh Phát với tổng trị giá hơn 30.869 tỉ đồng, tương đương 1,2 tỷ USD. Đã có hơn 35.000 nạn nhân trên khắp cả nước bị SCB ‘dẫn dụ’ mua những trái phiếu khống này mà công ty phát hành không có tài sản đảm bảo, không được đánh giá tín nhiệm và hiện mất khả năng thanh toán.
Với hành vi này, bà Lan bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, cũng trong giai đoạn 2, bà Lan còn bị truy tố thêm hai tội là “Rửa tiền” với tổng số tiền hơn 445.000 tỉ đồng, tức khoảng 19 tỷ USD, và “Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới” tổng số tiền hơn 106.000 tỉ, tức 4,5 tỉ USD.
‘Muốn giúp SCB’
Khi được Tòa xét hỏi tại phiên xử hôm 23/9, bà Lan khai rằng bà “không nắm, không biết” gì về việc phát hành trái phiếu và “cũng không có nhu cầu phát hành trái phiếu”. Bà nói bà chỉ cho SCB “mượn” danh nghĩa 4 công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là An Đông, Sunny Word, Quang Thuận và Setra để phát hành trái phiếu lấy tiền “giúp” cho SCB.
“Bị cáo cho mượn [các công ty con] để giúp SCB vượt qua khó khăn,” bà Lan được Tuổi Trẻ dẫn lời khai trước Tòa, và nói rằng sở dĩ bà có quyết định này là do bà bị các lãnh đạo SCB là ông Đinh Văn Thành, cựu chủ tịch, và bà Nguyễn Phương Hồng, phó tổng giám đốc, nhờ vả, tác động.
“Phương Hồng nói 'Chị ơi ngân hàng bị thanh tra liên tục không có tiền trả cho người dân’ nên nói đề nghị mượn các công ty của Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu,” bà Lan nói trong lời khai được VnExpress dẫn lại và cho biết bà đồng ý với đề nghị này vì bà “đã đưa bao nhiêu tài sản vào SCB và không muốn SCB sụp đổ.”
Sau đó, bà Lan đã đứng ra tổ chức buổi ăn trưa tại trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với các lãnh đạo của Tập đoàn, SCB và Công ty chứng khoán Tân Việt để bàn bạc, thống nhất về việc phát hành trái phiếu, cũng theo lời khai của bà Lan.
“Bị cáo biết gì mà ra chủ trương? Bị cáo chỉ đồng ý cho mượn công ty, còn việc phát hành là của ngân hàng,” bà Lan được dẫn lời biện hộ trước Tòa.
Cũng theo tường thuật của VnExpress, bà Lan khẳng định rằng số tiền huy động được từ trái phiếu “không sử dụng cho Vạn Thịnh Phát và bản thân bà” mà là “sử dụng cho SCB”. Tuy nhiên, cáo trạng cho rằng số tiền này được Vạn Thịnh Phát dùng để trả trả nợ vay ngân hàng, trả gốc và lãi trái phiếu, chi cho dự án, chuyển tiền ra nước ngoài và các mục đích cá nhân khác của bà Lan.
Bà Hồng đã đột ngột qua đời không lâu sau khi vụ án bị khởi tố còn ông Thành hiện đang trốn truy nã.
Cam kết đền bù
Mặc dù cho rằng mình đã bị SCB lợi dụng để phát hành trái phiếu, nhưng bà Lan cam kết bồi thường cho các nạn nhân “bằng mọi giá”.
“Các trái chủ, có nhiều ông bà cụ già nhưng vì tin tưởng SCB cũng như uy tín của Trương Mỹ Lan nên mới mua trái phiếu để giúp SCB, nên bị cáo bằng mọi giá sẽ chịu trách nhiệm với các trái chủ, dù trong hoàn cảnh nào, bị cáo cũng sẽ cố gắng hết sức bồi thường,” bà Lan được Tuổi Trẻ dẫn lời trần tình trước Tòa.
Còn VnExpress tường thuật rằng bà Lan “vừa khóc vừa nói” rằng bà “một lòng một dạ muốn khắc phục thiệt hại cho người dân” nhưng hiện đang bị giam giữ nên không thể làm gì.
Tuổi Trẻ cho biết bà Lan đã xin Tòa tạo điều kiện để khắc phục hậu quả.
Vẫn theo tờ báo này, bà Lan nói từ trong trại giam rằng bà đã có đơn gửi Tòa trình bày về phương án đền bù cho các nạn nhân. Số tiền mà bà sẽ lấy ra trả cho dân sẽ bao gồm 21.000 tỷ đồng mà Tòa đã tuyên các cá nhân, tổ chức phải trả lại cho bà sau khi kết thúc giai đoạn 1 của vụ án, 17.320 tỉ đồng số tiền huy động từ trái phiếu mà nhiều ngân hàng đã nhận nên bà đề nghị Tòa thu hồi giúp.
Ngoài ra, bà Lan nói bà “sẵn sàng dùng toàn bộ tài sản của gia đình để khắc phục thiệt hại”, trong đó có dự án 6A ở khu Trung Sơn, thành phố Hồ Chí Minh, mà SCB đang mượn với giá trị theo bà là lên đến 20.000 tỷ đồng.
“Nếu không đủ, bị cáo còn có một dự án ở khu trung tâm quận 1 có giá trị gấp 3 lần Times Square là tài sản chưa bị kê biên,” bà Lan được VnExpress dẫn lời nói và cho biết bà còn 65 tài sản có thể dùng để khắc phục cùng với hơn 386 tỉ đồng mà gia đình bà đã nộp cho cơ quan điều tra.
SCB có dụ người dân?
Về vai trò của SCB trong vụ lừa đảo trái phiếu này, ông Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc SCB, hôm 20/9 đã khóc và thừa nhận trước Tòa rằng ông đã “chỉ đạo, đào tạo nhân viên tư vấn, bán trái phiếu khống” cho các khách hàng của SCB, theo tường thuật của VnExpress.
Kết luận của cơ quan điều tra được tờ báo này trích dẫn xác định rằng để triển khai chào bán trái phiếu, ông Văn đã chỉ đạo triển khai tổ chức bán hàng, đào tạo sản phẩm mới cho giám đốc và nhân viên tại các chi nhánh và phòng giao dịch của SCB, đưa ra chính sách hoa hồng và chương trình thi đua để các nhân viên đẩy mạnh bán trái phiếu cho người dân.
Nhiều nạn nhân trái phiếu SCB nói với VOA rằng họ đến ngân hàng SCB là để gửi tiết kiệm và được nhân viên tư vấn về “gói tiết kiệm linh hoạt có lãi suất cao” và vì tin tưởng ngân hàng mà họ đã mua mà không biết đó là trái phiếu của tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Tuy nhiên, theo VnExpress, ông Văn khai trước Tòa rằng SCB “không đánh tráo khái niệm” khi tư vấn cho các nạn nhân.
Trong giai đoạn 1 của vụ án xét xử về hành vi rút ruột ngân hàng SCB, bà Lan đã bị Tòa tuyên án tử hình hôm 11/4 – mức án tổng hợp cho ba tội danh là “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Đưa hối lộ” và “Tham ô tài sản”.
Ngoài bản án tử hình, bà Lan và các đồng phạm có trách nhiệm hình sự phải bồi thường 498.000 tỷ đồng, tức gần 20 tỷ đô la cho ngân hàng SCB.