Trung Quốc hôm 21/6 đe dọa sẽ áp dụng án tử hình đối với với những kẻ cực đoan ngoan cố theo chủ nghĩa ly khai và độc lập Đài Loan, làm gia tăng áp lực bất chấp việc tòa án Trung Quốc không có quyền xét xử đối với hòn đảo được quản trị dân chủ này.
Trung Quốc, vốn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình, không giấu giếm thái độ không ưa Tổng thống Lại Thanh Đức, người mới nhậm chức vào tháng trước, nói rằng ông là một "kẻ ly khai" và đã tổ chức các cuộc tập trận ngay sau lễ nhậm chức của ông.
Đài Loan đã phàn nàn về xu hướng gia tăng áp lực của Trung Quốc kể từ khi ông Lại đắc cử tổng thống vào tháng 1, bao gồm các hành động quân sự đang diễn ra, các lệnh trừng phạt thương mại và tuần tra của lực lượng hải cảnh xung quanh các đảo do Đài Loan kiểm soát cạnh Trung Quốc.
Các hướng dẫn mới nói rằng các tòa án, công tố viên, công chúng và các cơ quan an ninh nhà nước của Trung Quốc nên “trừng phạt nghiêm khắc những kẻ ngoan cố đòi độc lập cho Đài Loan vì tội chia rẽ đất nước và kích động tội ác ly khai theo luật pháp, đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”, theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã.
Tân Hoa Xã cho biết các hướng dẫn này được ban hành phù hợp với các luật đã có, bao gồm cả luật chống kế vị năm 2005.
Luật đó mang lại cho Trung Quốc cơ sở pháp lý để hành động quân sự chống lại Đài Loan nếu nước này ly khai hoặc có vẻ sắp ly khai.
Bà Sun Ping, một quan chức của Bộ Công an Trung Quốc, nói với các phóng viên ở Bắc Kinh rằng hình phạt tối đa cho "tội ly khai" là án tử hình.
“Thanh gươm pháp lý sắc bén sẽ luôn treo cao,” bà nói.
Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan hôm 21/6 đã chỉ trích động thái của Bắc Kinh, kêu gọi người dân nước này không sợ đe doạ của Trung Quốc.
“Chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn không có thẩm quyền đối với Đài Loan, và cái gọi là luật pháp và chuẩn mực của Cộng sản Trung Quốc không có hiệu lực ràng buộc đối với người dân của chúng tôi. Chính phủ kêu gọi người dân trong nước cứ thoải mái và không bị đe dọa hay bị hăm dọa bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc,” hội đồng này nói trong một tuyên bố.
Các hướng dẫn nêu chi tiết những gì được coi là tội đáng bị trừng phạt, bao gồm việc thúc đẩy Đài Loan gia nhập các tổ chức quốc tế như là một quốc gia, "trao đổi quan hệ chính thức" và "đàn áp" các phe nhóm, đảng phái và cá nhân thúc đẩy cho "việc thống nhất".
Các hướng dẫn này bổ sung thêm một điều khoản vào những gì có thể được coi là tội phạm – “các hành vi khác nhằm tách Đài Loan khỏi Trung Quốc” – có nghĩa là các quy tắc có thể được suy diễn rất rộng.
Ông Lại đã nhiều lần đề nghị tổ chức đàm phán với Trung Quốc nhưng đều bị từ chối. Ông nói chỉ có người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của mình.
Trung Quốc trước đây đã thực hiện các biện pháp pháp lý chống lại các quan chức Đài Loan, bao gồm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bà Tiêu Mỹ Cầm, cựu đại sứ Đài Loan trên thực tế tại Hoa Kỳ và hiện là phó tổng thống của hòn đảo này.
Những hình phạt như vậy có ít tác dụng thực tế vì các tòa án Trung Quốc không có quyền xét xử đối với Đài Loan, nơi chính phủ bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.
Các quan chức cấp cao của Đài Loan, bao gồm cả tổng thống nước này, cũng không đến thăm Trung Quốc.