Các bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và Trung Quốc hôm 31/5 đã đối đầu trực tiếp về vấn đề Đài Loan trong cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên sau hai năm, nhưng cả hai bên đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giữ cho việc liên lạc giữa quân đội hai bên được cởi mở.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đã gặp nhau tại Singapore bên lề hội nghị thượng đỉnh quốc phòng hàng đầu châu Á, tức Đối thoại Shangri-La. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có bài phát biểu tại cuộc họp vào cuối ngày, trong đó ông đề cập đến các yêu sách chủ quyền nhạy cảm ở Biển Đông.
Mối quan hệ Mỹ-Trung dự kiến sẽ bao trùm hội nghị, cũng như các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza cùng căng thẳng ở Biển Đông.
Trong cuộc gặp với ông Đổng, ông Austin bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự của Trung Quốc gần Đài Loan, bao gồm cả sau cuộc bầu cử tổng thống của hòn đảo và lễ nhậm chức của Tổng thống Lại Thanh Đức trong tháng này, theo Thiếu tướng Không quân Hoa Kỳ Patrick Ryder cho biết trong một tuyên bố.
“Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về hoạt động khiêu khích gần đây của quân đội Trung Quốc xung quanh eo biển Đài Loan và ông nhắc lại rằng Trung Quốc không nên sử dụng quá trình chuyển đổi chính trị của Đài Loan – một phần của tiến trình dân chủ thông thường – làm cái cớ cho các biện pháp cưỡng chế”, ông Ryder nói sau cuộc họp dài 75 phút.
Trong khi đó theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ngô Khiêm nói với các phóng viên, ông Đổng cảnh báo ông Austin rằng Mỹ không nên can thiệp vào vấn đề của Trung Quốc với Đài Loan.
Người phát ngôn Trung Quốc dẫn lời ông Đổng nói rằng cách tiếp cận của Mỹ đối với Đài Loan là vi phạm các cam kết mà Mỹ đưa ra và gửi tín hiệu sai lầm tới “các lực lượng ly khai” ở Đài Loan. Bắc Kinh gọi ông Lại là “kẻ ly khai”.
Tuy nhiên, cả hai bên đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giữ mối quan hệ quân sự cởi mở. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết cuộc gặp đánh dấu một “bước quan trọng” trong việc mở ra các đường dây liên lạc.
Quan chức này nói rằng ông Austin “rất quả quyết nhưng chuyên nghiệp” và ông cũng đề cập đến sự phát triển hạt nhân, không gian và mạng của Trung Quốc.
Hai bên cũng thảo luận về Biển Đông và các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza.
Cuối ngày 31/5, tâm điểm chuyển sang Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr, người đã tố cáo các hành động bất hợp pháp, cưỡng bức và gây hấn ở Biển Đông, nơi tràn ngập các tàu hải cảnh của Trung Quốc trong những tháng gần đây.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết toàn bộ Biển Đông, bao gồm các khu vực mà Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền, bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực có trụ sở tại The Hague cho rằng các yêu sách chủ quyền rộng lớn của Bắc Kinh là không có cơ sở pháp lý.
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Wellington Koo nói với các phóng viên ở Đài Bắc hôm 31/5 rằng căng thẳng gia tăng xung quanh hòn đảo dân chủ, mà Trung Quốc luôn tuyên bố là lãnh thổ của mình, sẽ giảm bớt nếu các cuộc tập trận quân sự của Bắc Kinh chấm dứt.
“Nếu Trung Quốc ngừng khiêu khích và đe dọa thì hòa bình và ổn định có thể được duy trì,” ông nói.
Theo báo cáo mà Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London công bố hôm 31/5, khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các cuộc tập trận như vậy trong những năm gần đây.
Nghiên cứu cho thấy mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều đã tăng đáng kể số lượng các cuộc tập trận quân sự trên khắp châu Á, nhưng các cuộc tập trận của Bắc Kinh vẫn tụt hậu về quy mô và độ phức tạp.
Đối thoại Shangri-La, lần thứ 21, được IISS tổ chức hàng năm tại Singapore, quy tụ các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị để thảo luận về các vấn đề an ninh. Hội nghị này sẽ kết thúc vào ngày 2/6.
Diễn đàn