Tranh đua chính trị đang diễn ra ở Hồng Kông trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi các nhà lập pháp đòi dân chủ phủ quyết kế hoạch một chiều không thể thương nghị mà Bắc Kinh đưa ra hồi năm ngoái để chọn ra vị hành chánh trưởng quan kế tiếp.
Trong khi đó cũng diễn ra một chuyển biến thế hệ, gây đảo lộn trong các đảng phái cũ và nổi lên những đảng phái mới còn chưa được đặt tên. Hiện tượng này phản ánh không những một sự đảo lộn gây ra bởi các cuộc biểu tình Chiếm Trung do giới trẻ lãnh đạo vào năm 2014, những còn cả những thay đổi về nhân khẩu học - và các giá trị - bên trong khối cử tri.
Cuộc thăm dò mới nhất của Viện Công luận thuộc trường Đại học Hồng Kông cho thấy sự tin tưởng của công chúng đặt vào các chính quyền ở Hồng Kông và Bắc Kinh sụt giảm mạnh, với mức không tin tưởng cao nhất trong số những người trả lời thăm dò ở độ tuổi từ 18 đến 29.
Hồng Kông trên hết
Joshua Wong, người thiếu niên đeo kính trên bích chương của phong trào Chiếm Trung trước đây đã bác bỏ chính trị truyền thống. Nhưng tranh đấu với hành động kéo dài ngoài đường phố, và không có gì để khoa trương, đã là một kinh nghiệm thức tỉnh cho anh và các đồng chí hoạt động. Cùng lúc đó, họ đã tỏ ra hùng hồn và hấp dẫn đối với công chúng hơn so với các giới chức kỳ cựu trong chính phủ mà họ đối đầu trong cuộc tranh chấp được truyền hình.
Nay anh Joshua nói rằng nhóm Scholarism – Chủ nghĩa Bác học, là tổ chức sinh viên đã nổi bật trong các cuộc biểu tình Chiếm Trung, đã quyết định tạm ngưng hoạt động và chia nhỏ ra thành một nhóm sinh viên và một chính đảng, không có sự liên kết chính thức với nhau.
Anh Wong nói trọng điểm của đảng mới này là 2047, năm mà Bộ luật Cơ bản của Hồng Kông sẽ được Bắc Kinh hoặc gia hạn hoặc đáo hạn. Bộ luật này là cơ sở cho công thức một quốc gia hai hệ thống bảo đảm các quyền chính trị và dân sự cho Hồng Kông. Nhóm của anh Wong muốn dân chúng Hồng Kông chọn lựa tương lai của mình thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, mặc dù không có luật nào cho phép trưng cầu dân ý và chính quyền phản đối.
Anh Wong cũng nói nhóm hậu chủ nghĩa Bác học sẽ tự lánh xa khỏi các đảng truyền thông muốn có dân chủ và được biết chung là “toàn dân chủ.” Anh gọi đảng non trẻ của anh là “ủng hộ dân chủ nhưng không toàn-dân chủ.”
Anh Wong nói với đài VOA: “Chính trị truyền thông không hữu dụng bởi vì hầu hết những người theo chủ trương “toàn dân chủ” vẫn tin rằng đối thoại, hội họp và thảo luận có thể cần thiết và hữu hiệu để đạt được dân chủ ở Hồng Kông, nhưng không có nghĩa là chính trị là vô dụng hay vô nghĩa. Đó là bởi vì chúng tôi tin rằng nếu thế hệ mới có thể đại diện cho một số giá trị mới và tham gia cơ chế, thì chúng tôi có thể thay đổi và cải tổ cơ chế hiện hành.”
Trong khi các chính trị gia lớn tuổi hơn ủng hộ dân chủ thường coi dân chủ ở Trung Quốc là một điều kiện tiên quyết cho dân chủ ở Hồng Kông, lớp mới những người hoạt động bác bỏ sự liên kết đó và thay vì thế tập trung vào cuộc tranh đấu của Hồng Kông.
Anh Wong nói tiếp: “Thực vậy, chúng tôi tin rằng Hồng Kông sẽ là bước đầu để chúng tôi đạt được dân chủ và phổ thông đầu phiếu, và bước kế tiếp sẽ đạt được, hãy để cho Trung Quốc được phổ thông đầu phiếu. Do đó, theo quan điểm của tôi, trước tiên là Hồng Kông đã, rồi mới đến Trung Quốc.”
Hồi chuông cảnh tỉnh
Ở đầu bên kia, vị nữ chủ tịch mới của đảng thân Bắc Kinh lớn nhất đã từ chức khỏi Hội đồng Quản trị của Hành chánh Trưởng Quan Lương, là cơ quan hàng đầu định ra chính sách ở Hồng Kông.
Bà Starry Lee, một nhà lập pháp từ lâu đã được gợi ý sẽ lên nắm quyền lãnh đạo Liên minh Dân chủ vì Sự cải thiện và Tiến bộ của Hồng Kông, còn gọi tắt là DAB, đã đưa ra quyết định vừa kể một phần để đảng của bà tách xa khỏi ông Lương đang ngày càng mất lòng dân.
Bà Lee, một gương mặt trẻ hơn trong giới lãnh đạo già nua của DAB, đã lập tức được thay thế chức vụ cố vấn bởi một người thành viên trung kiên của DAB ở tuổi lục tuần. Nhưng sự ra đi của bà đã giúp bà được thảnh thơi tập trung vào việc xây dựng đảng và bắt đầu tạo dựng một ấn tượng của riêng bà – một điều mà nhà kế toán hòa nhã này cần phải có để nổi lên ra khỏi bóng tối của chính trường.
Gương mặt bà nay xuất hiện trên các bích chương vận động cho mọi ứng viên của DAB có nhiều tiềm năng.
Bà không đáp lại yêu cầu phỏng vấn của đài VOA, nhưng trong một cuộc phỏng vấn với Nhật báo Sing Tao, bà Lee nói rời khỏi Hội đồng Quản trị có nghĩa là bà có thể nói năng một cách tự do hơn và phát biểu rõ ràng hơn về lập trường của đảng bà.
Bà nói với báo này rằng DAB vẫn là “một đối tác của chính phủ, nhưng trong một số chính sách, lập trường của DAB không giống như lập trường của chính phủ.”
Theo bà Lee, được quyền phát biểu có thể giúp đảng của bà “gặt hái được thêm hậu thuẫn của công chúng.”
Sự cần thiết phải dành cho các ứng viên DAB có thêm quyền hành động, và để họ thuận chiều hơn với cảm nghĩ của công chúng, đã trở nên rõ ràng cách đây 2 tháng, khi ông Holden Chow, một trong những nhân vật trẻ nhiều hứa hẹn của đảng, đã thua một thành viên theo chủ trương toàn dân chủ của đảng Dân sự Alvin Yeung 10.000 phiếu, trong một cuộc bầu cử phụ vào Hội đồng Lập pháp.
Sự thất bại đó là một hồi chuông cảnh tỉnh cho đảng DAB.
Lời kêu gọi Độc lập
Nhưng điều nhắc nhở nhiều hơn là thành tích của ông Edward Leung, một thành viên của phong trào bản xứ cực đoan, chiếm 15% tổng số phiếu. Trong cuộc chạy đua mà người thắng được toàn số phiếu, ông về hạng ba, nhưng cuộc bầu cử tháng 9 tới sẽ được điều hành theo một hệ thống tỷ lệ và số phiếu của ông Leung sẽ cao hơn túc số cần thiết để được một ghế.
Thật vậy, nếu ông có thể thu về tổng số phiếu chỉ hơn vài tỷ lệ bách phân thì ông có thể đưa thêm một người theo chủ nghĩa bản xứ vào viện lập pháp theo gót ông. Thành tích của ông là một mũi tên nhắm trúng các chính trị gia truyền thống ở cả hai phía.
Một nhóm mới trong tuần này cho biết sẽ tiến xa hơn và thành lập một chính đảng để vận động cho Hông Kông được hoàn toàn độc lập tách khỏi Trung Quốc.
Tại một cuộc họp báo trong tuần này, người từng hoạt động trong phong trào Chiếm Trung Chan Ho-tin nói đảng Quốc gia mới của ông cảm thấy Hồng Kông mất đi tính cá biệt của mình đối với Hoa Lục dưới áp lực của Bắc Kinh.
Với thành phần chủ yếu khoảng 50 sinh viên đại học và những người hoạt động trẻ, đảng này cho biết sẽ đưa ra các ứng viên lập pháp cho cuộc bầu cử sắp tới.
Các nhóm Chức năng
Ở một mức độ sâu hơn và bớt nổi bật hơn, các quyết định cũng đang được xúc tiến nhắm gây thiệt hại cho cơ chế chính trị hiện hữu của chính quyền bằng cách đưa các ủng hộ viên dân chủ vào các cơ quan xã hội và chuyên nghiệp, là những cơ quan sẽ bầu ra các nhà lập pháp đại diện cho những thành phần gọi là “các đơn vị chức năng.”
Những tập thể chức năng này hợp thành phân nửa viện lập pháp với 70 thành viên. Trong một số các đơn vị bầu cử này, cử tri không phải là các cá nhân mà là các công ty lớn. Phân nửa kia của viện lập pháp được bầu trực tiếp từ 5 đơn vị bầu cử địa dư.
Những đơn vị bầu cử chức năng này cũng lập thành những khối bỏ phiếu trong cơ quan gồm 1.200 thành viên sẽ chọn ra vị hành chánh trưởng quan vào năm 2017.
Một nhóm tìm cách lật đổ cơ chế này là tổ chức HK Monitor 2047, một nhóm gồm 200 chuyên gia trẻ tuổi làm việc trong khu vực tài chính, đã sáp nhập với nhau trong phong trào Chiếm Trung.
Người sáng lập và triệu tập nhóm này là Ed Chin, một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ có gốc là quản lý quỹ bảo hiểm.
Ông Chin nói ưu tiên hàng đầu của họ là kết thúc tình trạng bỏ phiếu của các công ty và đặt lá phiếu vào tay từng người làm việc trong lãnh vực này. Nhưng ông vẫn còn những trở ngại lớn.
Ông Chin nói: “Rất gay go. Trước tiên quý vị phải được sự đề cử của ai đó đã nằm trong số 1.200 thành viên, do đó cực kỳ là khó khăn… Chúng ta cũng biết rằng đối với các nhóm chức năng khác nhau mà chúng ta muốn tranh đua, rằng bởi vì lá phiếu của công ty sẽ ít nhiều mang tính biểu tượng, bởi vì gần như là điều không thể có được đối với các lá phiếu của công ty.”
Nói tóm lại, nhóm của ông sẽ tìm cách lọt vào các đơn vị bầu cử chức năng này để có thể phá bỏ các đơn vị ấy. Các quyết định tương tự đang diễn ra trong những khu vực chuyên nghiệp khác, trong đó có công nghệ thông tin và y tế.