Đường dẫn truy cập

Lượng tiêu thụ than đá ở Trung Quốc sụt giảm


Thợ mỏ chờ để tắm tại một mỏ than ở quận Heshun, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Thợ mỏ chờ để tắm tại một mỏ than ở quận Heshun, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

Sau khi nhiều thành phố ở miền đông bị khói mù bao phủ trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc hứa ra sức giảm thiểu ô nhiễm không khí và những nỗ lực của họ dường như đã mang lại một số kết quả, với sự góp sức của sự tăng trưởng chậm lại. Thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA tường thuật từ Hồng Kông.

Lượng tiêu thụ than đá ở Trung Quốc đã giảm 3,7% trong năm 2015, sau khi đã giảm 3% trong năm trước đó.

Ông Lauri Myllyvirta, một nhà vận động của tổ chức Hoà bình Xanh, nhận định như sau.

"Trung Quốc rất nghiêm túc trong việc ứng phó với nạn ô nhiễm không khí, và điều đó đang dẫn tới những biện pháp nhắm vào những khu vực ô nhiễm quan trọng nhất."

Đốt than đá là nguồn tạo ra khí thải carbon dioxide nhiều nhất, và sự sút giảm của lượng tiêu thụ của loại nhiên liệu này đã góp phần làm giảm bớt lượng khí thải ở Trung Quốc.

Trung Quốc là nước thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiề nhất thế giới và lượng khí thái đã tăng mạnh với sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế trong hai thập niên qua.

Nhưng năm ngoái, lượng khí thải carbon của Trung Quốc đã giảm 2,5%.

Dùng năng lượng sạch

Các tấm pin mặt trời được nhìn thấy trên các mái nhà ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Các tấm pin mặt trời được nhìn thấy trên các mái nhà ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Việc Trung Quốc chuyển sang dùng các nguồn năng lượng sạch như hydro, hạt nhân và năng lượng mặt trời đã làm giảm bớt lượng tiêu thụ than đá, trong lúc nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và giảm bớt sự lệ thuộc vào các ngành công nghiệp nặng như xây dựng, luyện thép và sản xuất xi măng.

Những nỗ lực của chính phủ để chuyển đổi nền kinh tế từ chế tạo sang dịch vụ cũng có nghĩa là các công xưởng bớt dùng than đá vì sản lượng sút giảm.

Các nhân vật tranh đấu bảo vệ môi trường, như ông Mã Tuấn, cho biết còn nhiều việc cần phải làm vì sự chuyển đổi này phải mất nhiều năm mới hoàn tất.

"Nếu chúng ta thật sự muốn giảm lượng tiêu thụ than đá và lượng khí thải carbon, chúng ta cần phải cơ cấu lại khu vực công nghiệp hiện vẫn còn lệ thuộc nhiều vào những công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng."

Khó khăn của sự chuyển đổi nguồn năng lượng

Công nhân Trung Quốc làm việc tại một nhà máy thép ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, tháng 3/2015. Trung Quốc loan báo 1,8 triệu công nhân ngành thép và xi măng sẽ bị mất việc, trong lúc chính phủ đóng cửa những công xưởng hoạt động thiếu hiệu quả.
Công nhân Trung Quốc làm việc tại một nhà máy thép ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, tháng 3/2015. Trung Quốc loan báo 1,8 triệu công nhân ngành thép và xi măng sẽ bị mất việc, trong lúc chính phủ đóng cửa những công xưởng hoạt động thiếu hiệu quả.

Trong lúc Trung Quốc tìm kiếm sự cân bằng giữa nhu cầu tái cơ cấu kinh tế với khả năng xảy ra tình trạng công nhân bị sa thải hàng loạt và tạo ra bất ổn xã hội, việc duy trì đà sút giảm của lượng tiêu than đá và lượng khí thải có thể là một việc khó khăn.

Tuần trước, Trung Quốc loan báo 1,8 triệu công nhân ngành thép và xi măng sẽ bị mất việc, trong lúc chính phủ đóng cửa những công xưởng hoạt động thiếu hiệu quả.

Các chính quyền địa phương lo ngại về những vụ phản kháng của công nhân và họ đã đề nghị xây dựng thêm hơn 200 nhà máy than đá trên khắp nước để tạo thêm công ăn việc làm và nâng cao tỉ lệ tăng trưởng kinh tế.

Ông Peter Marsters là một chuyên gia của Tập đoàn Rhodium, chuyên nghiên cứu về các vấn đề môi trường và năng lượng Trung Quốc. Ông cho biết sức căng giữa nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế với nhu cầu kích thích tăng trưởng sẽ định đoạt vấn đề lượng tiêu than đá có tiếp tục sút giảm hay không.

"Tình hình về năng lượng mà chúng ta đang thật sự xem xét là sự chuyển đổi từ tăng trưởng dùng nhiều năng lượng sang tăng trưởng dùng ít năng lượng, chuyển sang khu vực dịch vụ -- và cách thức mà Trung Quốc hoàn tất cuộc chuyển đổi này sẽ ảnh hưởng rấ nhiều tới tình hình năng lượng và khí hậu trong 10 năm tới đây."

Trung Quốc đã đề ra những chỉ tiêu rất cao cho việc giảm khí thải trong những năm sắp tới. Chính phủ nói 20% của tổng số năng lượng tiêu thụ tại nước họ sẽ đến từ các nguồn năng lượng sạch vào năm 2030. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng loan báo là lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Trung Quốc sẽ lên tới mức cao nhất vào năm đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG