Những người bất đồng chính kiến Trung Quốc tỵ nạn tại nước ngoài |
|
Ông Vương Đan là một thí dụ. Là một trong những người lãnh đạo được chú ý nhất trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 1989 ở Bắc Kinh, ông đã thụ 2 án tù. Đến tháng 4 năm 1998, ông được tạm tha vì tình trạng sức khỏe, và đã đi sống lưu vong ở Hoa Kỳ, nơi ông vẫn tham gia hoạt động chính trị.
Ông Vương nói sau khi thụ án tù lần đầu vào năm 1993, nhà cầm quyền đã đề nghị cho ông cơ hội rời khỏi Trung Quốc, nhưng ông đã quyết định từ chối.
Ông Vương nói: “Tôi nghĩ tôi vẫn còn có thể làm gì từ ngay trong nước. Lúc đó, nhiều người đã bị bắt, hay không dám nói. Tôi nghĩ điều tốt nhất đối với tôi là ít nhất còn tiếp tục nói.”
Nhưng vào năm 1998, trước án tù 11 năm, ông nhận ra rằng tương lai của mình ở Trung Quốc sẽ chỉ có nghĩa là bị giam giữ.
Ông Vương cho biết: “Tôi đã không làm gì được để quảng bá dân chủ ở Trung Quốc. Tôi nghĩ tốt nhất là đi Hoa Kỳ và tự hoàn thiện.”
Kể từ lúc đó ông Vương Đan đã đậu bằng tiến sĩ lịch sử ở trường Đại học Harvard. Hiện ông làm phó giáo sư tại trường Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan và đã bị đưa vào sổ đen không thể trở về Hoa Lục.
Là một luật sư tự học, ông Trần Quang Thành đã thu thập bằng chứng về những vụ cưỡng bức phá thai và triệt sản ở trong tỉnh Sơn Đông của ông, nơi các giới chức kế hoạch hóa gia đình áp dụng những biện pháp cưỡng bức để đạt chỉ tiêu chính sách một con của Trung Quốc.
Các cố gắng của ông Thành nhằm tiến hành một vụ kiện tập thể nhân danh các phụ nữ nạn nhân đã làm chính quyền tức giận, và phản ứng bằng cách kết án ông 4 năm tù về tội phá hoại tài sản và tổ chức tụ tập. Ngay cả sau khi được phóng thích khỏi nhà tù, các giới chức địa phương đã có hành động phi pháp đặt ông trong tình trạng quản thúc tại gia nghiêm ngặt, cho đến tuần trước, với sự giúp đỡ của những người ủng hộ, ông đã bỏ trốn khỏi thôn xã và đến Bắc Kinh.
Các giới chức Hoa Kỳ cho hay trong suốt 6 ngày ông lánh nạn bên trong sứ quán Hoa Kỳ, ông đã không bày tỏ ý định rời khỏi Trung Quốc.
Ông Joshua Rosenzweig, một nhà khảo cứu độc lâp về nhân quyền làm việc ở Hong Kong, thừa nhận rằng quyết định cách nào cũng kèm theo những bất lợi. Ông Rosenzweig cho rằng hoạt động bên trong bối cảnh Trung Quốc có rất nhiều rủi ro. Những người tranh đấu cần phải thận trọng trong các nỗ lực và phải chấp nhận chỉ có sự thay đổi rất chậm chạp.
Đối với các nhân vật bất đồng chính kiến chọn sự an toàn và bỏ chạy ra khỏi nước, có một vấn đề mới là tiếp tục giao tiếp với dân chúng trong nước.
Trung Quốc có bao nhiêu tù chính trị? Theo cơ sở dữ liệu của Quốc hội Mỹ: |
|
Ông Rosenzweig giải thích: “Nhiều người thường quan niệm là một khi nhà hoạt động, hay bất đồng chính kiến, rời khỏi biên giới Trung Quốc, thì họ không còn liên hệ gì với đất nước nữa.”
Nhưng ông Rosenzweig cho rằng trong những năm gần đây, Internet đã giúp thu ngắn khoảng cách biệt và nối kết những người hoạt động với các đồng chí bên trong Trung Quốc, bất chấp sự kiện nhà cầm quyền có thể cắt đứt hay theo dõi mối liên lạc điện tử.
Trước khi rời sứ quán Hoa Kỳ, tin cho hay ông Trần đã được đề nghị điều mà các nhà hoạt động nói là sẽ là một thỏa thuận rất bất thường, là ông có thể sống tự do ở Trung Quốc, ghi danh học một trường đại học mà không bị chính phủ sách nhiễu. Các giới chức Mỹ nói họ sẽ theo dõi tình hình và bảo đảm phía Trung Quốc không đi ngược lại cam kết là tránh cho ông Trần và gia đình bị ám hại.
Bà Sophie Richardson thuộc tổ chức Human Rights Watch nêu ra rằng Bắc Kinh đang tìm cách bảo đảm các quyền công dân mà ông Trần đã phải có.
Bà Richardson nói: “Các bảo đảm được đề nghị dành cho ông thực là nực cười ở điểm đây là những quyền và tự do đương nhiên ông đã có theo các luật lệ hiện hành của Trung Quốc. Hãy quy trách nhiệm cho chính phủ, là phía tiếp tục bằng cách này hay cách khác thường áp dụng đối với tất cả các nhà hoạt động, là đe dọa họ về việc làm của họ."
Ông Vương Đan là người cùng ký tên vào một bức thư yêu cầu chính phủ Trung Quốc cho phép những người bất đồng chính kiến sống lưu vong được về thăm Trung Quốc, đồng ý rằng các cam kết bảo đảm của Bắc Kinh có thể sẽ không thọ.
Ông Vương nói: “Chính quyền có thể nói họ sẽ không sách nhiễu ông ấy, nhưng tôi nghĩ rằng dù sao cũng sẽ có chuyện theo dõi và can thiệp vào cuộc sống của ông ấy. Ông ấy sẽ không có cơ hội thực hiện những gì ông ấy thực sự mong muốn.”