Ít khả năng có ký kết thỏa thuận TPP11 ở Đà Nẵng

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

An Tôn & Vũ Nguyễn (từ Việt Nam)


Hai chuyên gia Việt Nam am hiểu thương mại và kinh tế nhận định trong các cuộc phỏng vấn riêng rẽ mới đây với VOA rằng ít có khả năng 11 nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ ký hiệp định Đối tác Thái Bình Dương – còn gọi là TPP11 – trong tuần này.

Tùy vào sự nhượng bộ của các nước hiện nay như thế nào. Bởi vì nhiều người cho rằng chúng ta có thể giữ nguyên các cam kết của TPP12, bởi vì chúng ta kỳ vọng sự quay trở lại của Mỹ với TPP.
Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia

Điều này trái với thông tin trên báo chí Việt Nam hôm 2/11 trích dẫn Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói ông hy vọng cuộc đàm phán tại Nhật Bản tuần trước sẽ “thu hẹp những khác biệt” để các bộ trưởng và lãnh đạo có thể thông qua một hiệp định sửa đổi tại hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Nhật Bản đã ráo riết vận động trước hội nghị APEC để các thành viên còn lại đồng ý về TPP11, được xem là có thể làm đối trọng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Tokyo nói họ hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận trong nội bộ 11 nước thành viên ở Đà Nẵng.

Nhưng hôm 8/11, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói tại một cuộc họp báo ở Hà Nội rằng nước ông “sẽ không bị hối thúc” để ký vào một thỏa thuận thương mại “không phục vụ các lợi ích tốt nhất” của Canada và nhân dân nước này.


Bên lề hội nghị APEC, hai chuyên gia, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; và ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia, thuộc bộ Kế hoạch và Đầu tư, đưa ra các nhận định với VOA dưới đây.

VOA: Liệu sẽ có ký kết TPP11 trong kỳ họp cấp cao APEC năm nay hay không?

Bà Phạm Thị Thu Hằng: Để đạt được điều đó trong kỳ này thì chắc là khó có thể nói trước được. Nhưng 11 quốc gia còn lại đang hết sức tích cực để có thể nhanh chóng kết thúc đàm phán. Bởi vì chúng tôi cũng cho rằng xu thế toàn cầu hóa và xu thế mở cửa vẫn là một xu thế không thể đảo ngược vì nó mang lại lợi ích cho rất nhiều người, đặc biệt là những đối tượng yếu thế và trong việc thúc đẩy thương mại toàn cầu, và nó mang lại những giá trị gia tăng rất lớn, không chỉ cho mỗi quốc gia, mà còn cho từng gia đình, từng con người.

Ông Trần Toàn Thắng: Về mặt chủ trương, tôi nghĩ là các nước đều muốn tiến hành nhanh. Tuy nhiên khi động vào câu chuyện những cam kết cụ thể, quyền lợi cụ thể, mọi người đều phải cân nhắc.

VOA: Để ký TPP11 mới, các nước còn phải đàm phán thêm nữa?

Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia.


Ông Trần Toàn Thắng: Tùy vào sự nhượng bộ của các nước hiện nay như thế nào. Bởi vì nhiều người cho rằng chúng ta có thể giữ nguyên các cam kết của TPP12, bởi vì chúng ta kỳ vọng sự quay trở lại của Mỹ với TPP.

Nếu chúng ta bỏ các cam kết với Mỹ trước đó đi, thì lợi ích khi quay lại với Mỹ không có nữa chẳng hạn, thì câu chuyện lại khác đi rất nhiều.

Theo thông tin tôi được biết, hiện này còn khá nhiều điểm, kể cả Việt Nam, cũng còn đang băn khoăn. Liệu có giữ nguyên các cam kết trong TPP12 và sử dụng nó trong TPP11 hay không. Nhiều người phản đối điểm này. Bởi vì ở TPP12 chúng ta nhìn vào thị trường Mỹ, vì thế các cam kết của mình xoay quanh chuẩn mực của Mỹ. Cho nên hiện nay nếu Mỹ không còn nữa thì tại sao chúng ta cam kết ở mức độ như thế này như thế kia.

Có hai phương án, cứ sử dụng toàn bộ các cam kết vào TPP11, hay là chúng ta tạm thời hoãn lại một số cam kết. Theo tôi nghĩ, phải có sự đồng thuận giữa các nước về vấn đề này. Có lẽ sau APEC này bức tranh sẽ rõ ràng hơn, kể cả là tiếp tục hay là đàm phán lại ở mức độ như thế nào.

...Việc gì có lợi thì chúng ta làm, chứ không phải là có 11 quốc gia hay 12 quốc gia thì chúng ta quyết định là làm hay không làm.
Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

VOA: Với 11 nước, liệu các cam kết có thấp hơn so với TPP gồm 12 thành viên, liệu quy mô và tốc độ của các cải cách cũng sẽ thấp hơn?

Bà Phạm Thị Thu Hằng: Tôi không nghĩ điều đấy sẽ thấp hơn. Tôi nghĩ dù 11 nước hay 12 nước thì cũng vẫn như thế. Bởi vì cải cách mang lại lợi ích cho quốc gia chứ không phải lợi ích cho một ai khác. Chính vì thế cải cách này là cải cách gần như là từ bên trong, và nó đi vào nhận thức của từng quốc gia, và điều được thấy là việc gì có lợi thì chúng ta làm, chứ không phải là có 11 quốc gia hay 12 quốc gia thì chúng ta quyết định là làm hay không làm.

VOA: TPP11 có thể mang lại những lợi ích gì cho Việt Nam?

Ông Trần Toàn Thắng: Có hai điểm. Một là về thuế quan, nó vẫn mở ra cho chúng ta các thị trường như Mexico, Canada hay Peru. Nếu thuế quan được hạ thấp xuống như TPP12, nó tăng lợi thế của hàng xuất khẩu Việt Nam lên rất nhiều, vì so với mức thuế trung bình 12% với mức chỉ cần về 2-3%, nó cũng đã tạo lợi thế rất lớn cho hàng xuất khẩu.

Trong thời gian vừa rồi, chúng tôi đã nghiên cứu, đánh giá lại TPP11, thì thấy Việt Nam vẫn có lợi. Về mặt định lượng, tăng trưởng chắc [thêm] khoảng 1,3%. Một số nghiên cứu của Canada, Singapore cũng cho thấy vẫn có những tác động dương. Ví dụ như xuất khẩu vẫn đạt 4,5 đến 5% tăng thêm so với không có TPP11. Nói cách khác, lượng hóa ra thì là có nên tham gia TPP11.

Tuy nhiên, các con số đấy mới chỉ là kỳ vọng. Để đạt con số đấy, tốc độ thay đổi thể chế trong nước, thay đổi môi trường kinh doanh hay thay đổi cơ cấu sản xuất không theo kịp, thì con số đấy sẽ trở thành con số ảo, và chúng ta phải đối mặt với làn sóng nhập khẩu hoặc các vấn đề khác.

VOA: Xin cảm ơn đã dành thời gian cho VOA.