Đường dẫn truy cập

Chuyên gia VN: Mong dioxin ‘vào’ tuyên bố chung ở APEC


Hình ảnh nạn nhân chất độc màu da cam được trình chiếu tại buổi giới thiệu sách ngày 1/11/2017.
Hình ảnh nạn nhân chất độc màu da cam được trình chiếu tại buổi giới thiệu sách ngày 1/11/2017.

Chỉ ít ngày trước khi diễn ra Hội nghị APEC tại Đà Nẵng, một tác phẩm “biểu tượng hợp tác Mỹ-Việt” về dioxin đã được giới thiệu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington. Một trong hai tác giả sách bày tỏ hy vọng vấn đề dioxin sẽ được đề cập đến trong tuyên bố chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tại APEC 2017.

Cuốn sách có nhan đề “From Enemies to Partners: Vietnam, the U.S. and Agent Orange” (tạm dịch: “Từ thù thành bạn: Việt Nam, Hoa Kỳ và chất độc màu da cam”) do hai tác giả Charles R. Beiley và Lê Kế Sơn thực hiện.

Tham gia buổi hội thảo giới thiệu sách còn có ông Tim Rieser, Trợ lý đối ngoại cấp cao của Thượng nghị sỹ Mỹ Patrick Leahy, và Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh.

Ngoài những thông tin khoa học và số liệu báo cáo về hậu quả mà chất dioxin gây ra tại Việt Nam, một nội dung quan trọng mà cuốn sách đề cập tới là hành trình đưa dioxin từ một chủ đề “cấm kỵ” trong trao đổi giữa hai nước trở thành lĩnh vực hợp tác giữa hai bên.

Chủ đề "cấm kỵ"

Từ năm 1986 đến 1994, “Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ rất khó khăn”, cuốn sách dẫn lời cựu Đại sứ Việt Nam Lê Văn Bàng kể: “Chúng tôi không thể nói về bất cứ điều gì trừ MIAs [Chương trình tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam] và tù binh chiến tranh”.

Cựu Đại sứ Việt Nam cho biết vào thời điểm đó, mỗi khi đại diện Việt Nam muốn đề cập đến vấn đề chất độc màu da cam, thì phía Hoa Kỳ ngay lập tức từ chối lắng nghe. “Không, không, chúng ta không bàn về chuyện đó. Nếu ông nói về chuyện đó, chúng tôi sẽ đi ngay”, sách trích lời cựu Đại sứ Lê Văn Bàng. Theo cựu quan chức Việt Nam, tất cả các đại diện của Hoa Kỳ đều viện dẫn lý do đây là chính sách của chính phủ Hoa Kỳ.

Tác giả sĩ Charles R. Bailey (trái) và tác giả Lê Kế Sơn (thứ 3, từ trái sang).
Tác giả sĩ Charles R. Bailey (trái) và tác giả Lê Kế Sơn (thứ 3, từ trái sang).

Một trong hai tác giả cuốn sách, Tiến sĩ Charles R. Bailey, thừa nhận với VOA về sự “nhạy cảm” của vấn đề, điều mà ông chỉ phát hiện ra khi đến Việt Nam làm việc.

Công việc của tôi lúc đó là một đại diện Quỹ Ford ở Việt Nam, và tôi phát hiện ra một sự thật rằng đây là một chủ đề rất nhạy cảm từ những năm 1970. Và tôi rất may mắn đã có cơ hội đưa hai phía chính phủ lại với nhau để thấy rằng đây là trách nhiệm của cả hai trong việc tẩy độc da cam và giúp đỡ cho các nạn nhân”.

Trên thực tế, Hoa Kỳ chưa bao giờ chấp nhận rằng nước này phải có nghĩa vụ pháp lý trong việc khắc phục hậu quả của chất dioxin đã rải xuống khu vực Đông Dương với mục tiêu khai quang. Nhiều người dân Hoa Kỳ cũng phản đối việc trợ cấp cho Việt Nam về dioxin, nhất là sau khi Việt Nam kiện một số công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất ra chất da cam và thua trong vụ kiện này.

Sách trích dẫn một khảo sát thú vị cho biết những lý do mà người Mỹ không ủng hộ việc giúp đỡ Việt Nam. Theo đó, 50% cho rằng cần phải ưu tiên cho cựu chiến binh Hoa Kỳ trước, 33% nói nước Mỹ còn có những việc ưu tiên khác, 26% không tán thành vì chính quyền Việt Nam tham nhũng, 25% không ủng hộ vì chính quyền Việt Nam là chính quyền Cộng sản, 20% cho rằng Hoa Kỳ không có trách nhiệm gì trong vấn đề này, và12% nói không có căn cứ khoa học cho vấn đề này.

"Biểu tượng hợp tác"

Nhưng từ năm 1991, Hoa Kỳ bắt đầu có những hỗ trợ phúc lợi cho các cựu chiến binh Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam mắc các chứng bệnh liên quan đến dioxin. Các công ty hóa chất sản xuất chất da cam đã đồng ý một thỏa thuận ngoài tòa, cung cấp 330 triệu đôla cho các cựu chiến binh ở Hoa Kỳ, Úc và New Zealand.

Vẫn theo thông tin từ cuốn sách, từ năm 2007 đến nay, Quốc hội Hoa Kỳ đã dành ra 201,2 triệu đôla để trợ giúp cho người khuyết tật ở Việt Nam và tẩy độc ở các khu vực nhiễm dioxin.

“Do đó, mặc dù Chính phủ Hoa Kỳ và các công ty hóa chất chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ bồi thường hoặc đền bù, chưa bao giờ chính thức thừa nhận trách nhiệm, nhưng họ đã thực hiện một số hành động thuộc về trách nhiệm nhân đạo”, cuốn sách nêu.

Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh.
Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh.

“Nếu chúng ta có thể làm việc với nhau và thành công thì đó là một biểu tượng của sự hợp tác, biểu tượng của mối quan hệ giữa hai nước”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định về quá trình hợp tác giữa hai nước trong việc giải quyết hậu quả của dioxin tại Việt Nam.

Tại buổi giới thiệu, các tác giả, cũng là những người trực tiếp làm việc về vấn đề dioxin tại Việt Nam, cho biết có 3 khu vực chính mà Việt Nam yêu cầu Hoa Kỳ giúp đỡ để tẩy độc dioxin là sân bay Phù Cát, sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa.

Dự án tẩy dioxin ở Đà Nẵng đã được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kịp phục vụ cho dịp APEC 2017, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, cho biết hồi trung tuần tháng 9. Công nghệ giải độc dioxin, do phía Mỹ cung cấp, là phương pháp khử hấp thụ nhiệt (nung đất lên đến 335oC để đưa dioxin ra khỏi đất). Tổng kinh phí thực hiện là 84 triệu đôla từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Mỹ, trong đó bao gồm vốn đối ứng của Việt Nam 35 tỷ đồng (khoảng 1,5 triệu đôla).

Dự án tẩy dioxin tiếp theo là sân bay Biên Hòa. Đây là khu vực bị nhiễm dioxin nặng và lớn nhất. Điều nguy hiểm là người dân vẫn tiếp tục nuôi cá và thả vịt ở các ao hồ này.

“Kích cỡ và mức độ nhiễm ở sân bay Biên Hòa lớn hơn và phức tạp hơn ở Đà Nẵng, nên chi phí lên có thể đến gấp đôi và thời gian xử lý có thể mất hơn 10 năm”, TS. Lê Kế Sơn, một trong hai tác giả, cho biết tại buổi giới thiệu sách.

Theo các tác giả, mặc dù có sự đóng góp từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế khác, nhưng để đủ sức thực hiện các dự án tẩy dioxin ở Việt Nam, vẫn rất cần nguồn vốn tài trợ từ chính phủ Hoa Kỳ.

Dioxin 'vào' APEC

Cuốn sách còn đưa ra đề nghị cụ thể về những việc nên làm của mỗi chính phủ và một số điều Việt Nam không nên làm, trong đó có việc gán nhãn “nạn nhân chất độc màu da cam” cho những người khuyết tật không hội đủ điều kiện. Trên thực tế, chỉ có khoảng 10% - 15% trong số người khuyết tật ở Việt Nam có thể xác định được là do nhiễm dioxin.

Ngoài ra, Việt Nam cần từ bỏ chuyện kiện tụng tại tòa án. Vì một mặt, Việt Nam xin Hoa Kỳ giúp đỡ để khắc phục hậu quả của chất dioxin, nhưng mặt khác lại kiện ra tòa các công ty hóa chất của Mỹ. Các tác giả cho rằng việc này không những không giúp tăng áp lực lên Mỹ như suy nghĩ của một số người, mà nó còn có tác dụng ngược, có thể dẫn đến việc cắt những trợ giúp hiện có.

Ngay vào thời điểm Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sắp đặt chân tới sân bay Đà Nẵng, nơi đã được tẩy sạch dioxin, tác giả Lê Kế Sơn nói ông hy vọng dioxin sẽ là một trong những nội dung được đề cập tới trong tuyên bố chung của hai nước ở APEC.

Ông nói: “Trong chuyến thăm sắp tới nhân dịp Hội nghị APEC, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ thăm chính thức Việt Nam. Trong các cuộc làm việc cao cấp với các quan chức Việt Nam, tôi hy vọng hậu quả của chất độc da cam dioxin sẽ là một trong những nội dung cần phải được đề cập đến. Trong tuyên bố chung giữa hai nước, nên có nội dung nói về việc khắc phục hậu quả chất độc da cam dioxin ở Việt Nam”.

Tác giả Charles R. Bailey cho biết “From Enemies to Partners: Vietnam, the U.S. and Agent Orange” đang được dịch sang tiếng Việt và sẽ được xuất bản tại Hà Nội vào năm 2018.

Chuyên gia VN: Mong dioxin ‘vào’ tuyên bố chung ở APEC
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:41 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG