Tổng thống Mỹ Barack Obama cổ xúy cho Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một ngày sau khi 12 quốc gia Vành đai Thái Bình Dương đạt thỏa thuận tự do thương mại này ở Atlanta. Hiệp định gây tranh cãi liên quan đến khoảng 40% thương mại toàn cầu còn phải chờ được giới lập pháp của các nước tương ứng chấp thuận. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke, Tổng thống Obama đang đối diện với sự phản đối mạnh mẽ đối với TPP, kể cả từ các thành viên trong đảng của ông.
Sau hơn 5 năm đàm phán triệt để, Hoa Kỳ và 11 quốc gia khác hôm thứ hai đã đạt được thỏa thuận để dỡ bỏ hoặc giảm bớt các rào cản đối với giao thương qua lại giữa các nước. Những người ủng hộ TPP, trong đó có Tổng thống Obama, tuyên bố thỏa thuận này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp sức cho sự phát triển và thúc đẩy đổi mới trên toàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tổng thống Obama phát biểu:
“Thỏa thuận này thúc đẩy cạnh tranh thương mại qua việc dỡ bỏ 18 ngàn loại thuế và thuế quan đánh vào hàng hóa của Mỹ tại các nước này.”
Tuy nhiên, lập luận này không thuyết phục nhiều nhà lập pháp ở hai đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ. Thượng nghị sĩ bang Vermont, ông Bernie Sanders, người đang tham gia cuộc đua để được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống, nói với các ủng hộ viên tại Washington rằng các thỏa thuận tự do mậu dịch trước đây từng không đáp ứng mong đợi. Ông Bernie Sanders nói:
“Lịch sử các hiệp định thương mại của quốc gia này là thảm họa đối với người lao động Mỹ. Chúng ta đã mất hàng triệu công ăn việc làm có lương khá. Các thỏa thuận đó đã đưa chúng ta vào cuộc đua tới đáy. Tôi thật sự chán ngán khi nhìn thấy công nhân Mỹ phải cạnh tranh với người dân các nước có lương thấp trên thế giới với mức lương hàng xu cho một giờ làm việc. Thực trạng này phải thay đổi."
Theo các chuyên gia, thỏa thuận thương mại TPP chắc chắn sẽ làm tổn thương một số ngành công nghiệp, ít nhất là trong bước ban đầu, nhưng sẽ tốt cho nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Ông Edward Alden thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại phát biểu:
"Một số ngành công nghiệp được lợi rõ ràng là các ngành công nghệ cao như ngành sản xuất chất bán dẫn, máy vi tính. Thật sự có một số điều khoản đột phá liên quan tới luồng chảy tự do của dữ liệu và ngăn không cho các nước đòi hỏi lưu trữ dữ liệu cục bộ, vốn đang là một vấn đề lớn đối với Google trên thế giới."
Thỏa thuận đối tác thương mại bao gồm gần phân nửa dân số thế giới dự kiến sẽ làm suy yếu Trung Quốc, nước không tham gia TPP. Một chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng TPP sẽ không có tác động lớn đối với ngành ngoại thương của Bắc Kinh.
Ông Trương Kiến Bình thuộc Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc nói:
"Trung Quốc đã ký thỏa thuận tự do thương mại song phương với 2/3 các nước thành viên trong TPP. Bắc Kinh có thể cân bằng những tác động tiêu cực của TPP trong một chừng mực nào đó. "
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.