Hoa Kỳ và 11 quốc gia ven Thái Bình Dương khác đã đạt được thoả thuận chung cuộc về một hiệp định thương mại sẽ hạ thấp thuế quan và giảm thiểu những rào cản mậu dịch cho gần phân nửa nền kinh tế thế giới. Theo tường thuật của các thông tín viên đài VOA, hiệp định TPP được nhiều người ở Châu Á hoan nghênh, nhưng cũng có những mối lo ngại.
Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, giảm thiểu thuế quan và rào cản mậu dịch cho nhiều loại hàng hoá và dịch vụ, kể cả xe hơi, thuốc men và những sản phẩm làm bằng sữa. Nó cũng đặt ra những luật lệ cho các vấn đề lao động và bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền tài sản trí thức cho các công ty đa quốc.
Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman phát biểu như sau về thoả thuận có được sau 7 năm đàm phán gay go.
"Chúng tôi dự kiến hiệp định lịch sử này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ cho những công ăn việc làm lương cao; tăng cường sáng tạo, năng suất và sức cạnh tranh; nâng cao tiêu chuẩn sinh hoạt, giảm thiểu nghèo túng ở các nước chúng tôi; và thúc đẩy cho sự minh bạch, quản trị tốt đẹp và những sự bảo vệ mạnh mẽ cho người lao động và môi trường."
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng hiệp định này là một cơ hội để thay đổi cho nền kinh tế nước ông.
"Hiệp định này tăng cường một cách cơ bản cho tinh thần pháp trị trong lãnh vực kinh tế. Nó sẽ gia tăng sự tương thuộc với những nước hoạt động dựa trên những luật lệ thích hợp với kỷ nguyên mới. Nếu Trung Quốc tham gia một hệ thống như vậy trong tương lai, điều đó sẽ có ích rất nhiều cho an ninh của Nhật Bản và sự ổn định của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và tôi tin rằng nó sẽ có một tính chất quan trọng hết sức lớn xét theo quan điểm chiến lược."
Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới, đã quyết định không tham gia TPP vì họ muốn theo đuổi những mục tiêu kinh tế của riêng họ. Tuy nhiên, các giới chức Mỹ cho biết Trung Quốc sẽ được đón nhận để trở thành một đối tác bất cứ khi nào họ nghĩ rằng đã tới lúc thích hợp để làm như vậy.
TPP là một thắng lợi quan trọng về chính sách đối ngoại của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, tuy hiệp định này chưa chắc sẽ được quốc hội chấp thuận. Nhiều nhà lập pháp Mỹ cho rằng TPP sẽ làm nước Mỹ mất đi công ăn việc làm, thị trường Mỹ sẽ bị tràn ngập bởi sản phẩm nước ngoài, môi trường sẽ bị tổn hại và sức khoẻ người dân sẽ bị đe dọa bởi các thực phẩm nhập khẩu thiếu an toàn.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm thứ hai cho biết TPP sẽ giảm 18.000 loại thuế khác nhau cho các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, mở thêm thị trường thế giới cho các sản phẩm chế tạo ở Mỹ và có những biện pháp bảo vệ lao động và môi trường mạnh mẽ nhất so với tất cả những hiệp định thương mại toàn cầu từ trước tới nay.
Hiệp định cần phải được các nhà lập pháp của các nước tham gia thông qua, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Những người cổ xúy cho hiệp ước do Hoa Kỳ chủ xướng nhằm tự do hóa thương mại cho 40% nền kinh tế thế giới nói rằng cần phải có thỏa thuận này để cạnh tranh với siêu cường kinh tế Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh.
Nhưng những người ủng hiệp ước không chống đối sự tham gia của Bắc Kinh. Họ nói nếu Trung Quốc tham gia hiệp ước, thì tiêu chuẩn thương mại công bằng hơn sẽ được áp dụng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giáo sư khoa học chính trị Koichi Nakano của Đại học Sophia ở Tokyo nói rằng sẽ không một nước nào tham gia hiệp định này thắng hay thua.
"Tùy thuộc vào quan điểm kinh tế của bạn về quốc gia tham gia hiệp định này để đánh giá thỏa thuận này tốt hay xấu."
Tại Nhật Bản, liên minh Ðảng Tự do Dân chủ của Thủ tướng Abe có đủ số phiếu cần thiết trong quốc hội để thông qua TPP, nhưng có phần chắc sẽ gặp phải sự chống đối từ một ngành sản xuất nông nghiệp sẽ phải cạnh tranh với thịt bò giá rẻ hơn và các mặt hàng nhập khẩu khác vì thuế quan được miễn, giảm.
Nhưng ngành công nghiệp ô-tô của Nhật Bản có thể sẽ hưởng lợi vì họ có thể sử dụng nhiều phụ tùng xe ô-tô được sản xuất ở Châu Á để bán vào thị trường Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb nói rằng qua thời gian nước ông có thể tăng gấp đôi lượng đường xuất khẩu sang thị trường Mỹ, từ mức hiện nay là 107.000 tấn lên thành 207.000 tấn.
Thủ tướng New Zealand John Key nói rằng hạ giảm thuế quan cho 93% các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm từ sữa của nước ông ít hơn mức ông trông đợi nhưng nhìn chung là một thỏa thuận tích cực.
Các nhà sản xuất tại những nước có giá lao động thấp như Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc có thể thâm nhập các thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản nhưng không bị đòi hỏi phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao hơn về lao động và môi trường.
TPP cũng sẽ làm cho giá cả của một số mặt hàng nhập khẩu cao hơn như các loại dược phẩm. Theo TPP, các hãng dược phẩm phát minh các sản phẩm sinh dược mới được hưởng quy chế độc quyền khoảng 8 năm trước khi bị cạnh tranh bởi các sản phẩm cùng loại có giá rẻ hơn.
Nam Triều Tiên, nước tập trung nhiều hơn vào các hiệp định tự do thương mại song phương, gọi hiệp ước này là "một khung sườn kinh tế lớn nhất cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương," và bày tỏ mong muốn tham gia hiệp ước.
Phó Thủ tướng Nam Triều Tiên Choi Kyung-hwan phát biểu:
"Quan điểm của chính phủ chúng tôi là chúng tôi đang có kế hoạch cân nhắc việc tham gia TPP."
Thái Lan và Philippines cũng tính đến việc tham gia hiệp ước thương mại này.
Những người chống đối TPP tranh cãi rằng những thỏa thuận được thương lượng trong vòng bí mật như TPP chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp nhưng gây thiệt hại cho lợi ích của công chúng.
Chẳng hạn như TPP bao gồm một thỏa thuận về hệ thống giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có quyền kiện chính phủ nước sở tại về những quy định làm giảm lợi nhuận của họ. Hệ thống đó được gọi tắt là ISDS.
Các công ty thuốc lá đã dùng hệ thống ISDS trong một thỏa thuận đầu tư Australia-Hồng Kông để kiện chính phủ Australia nhằm bỏ những cảnh cáo về an toàn do nhà nước quy định phải in rõ hình ảnh các bệnh ung thư trên bao bì thuốc lá.
Tuy nhiên Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nói trong một thông báo rằng TPP đặc biệt chú trọng đến "các vấn đề y tế công cộng liên quan đến thuốc lá, bảo lưu quyền của Hoa Kỳ và các nước tham gia TPP khác quy định các luật lệ về thuốc lá."
Những người hoài nghi như Giáo sư Nakano cho rằng quyền của người lao động sẽ không được bảo vệ chặt chẽ như quyền của các doanh nghiệp trong hiệp định này.
"Mặc dù vào giai đoạn này chúng ta được bảo rằng đây là một thắng lợi cho người lao động trên toàn thế giới, kể cả ở những nước đang phát triển như Việt Nam, thì điều đó cho đến nay chưa được thể hiện trong quá trình đàm phán."
Tại Châu Á cũng như tại Hoa Kỳ, Giáo sư Nakano nói, TPP sẽ thúc đấy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng sẽ làm tăng khoảng khác biệt về thu nhập, khiến công chúng phẫn nộ, chống đối toàn cầu hóa và tư bản chủ nghĩa.