Mỹ, Nhật Bản và 10 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương khác hôm thứ Hai đã đạt được thỏa thuận thương mại tự do sâu rộng mà sẽ hạ thấp những rào cản thương mại và đề ra những quy tắc thương mại cho 40 phần trăm nền kinh tế thế giới.
Thỏa thuận Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương được hoàn tất tại thành phố Atlanta thuộc bang Georgia ở miền nam của Mỹ, là kết quả của bảy năm đàm phán thường gây nhiều tranh cãi về những rào cản thương mại đối với nông nghiệp và những sản phẩm làm từ sữa, xe hơi mới, những công nghệ mới nhất, các loại thuốc tiên tiến và nhiều các sản phẩm khác, cùng với những quy định về môi trường và lao động.
Để có hiệu lực, hiệp ước này phải được phê chuẩn bởi cơ quan lập pháp của 12 quốc gia, nơi mà những ngành riêng lẻ đã vận động quyết liệt để bảo vệ sản phẩm của mình khỏi hàng nhập khẩu của nước ngoài hoặc để mở ra những khả năng xuất khẩu ở những nước khác.
Hoàn tất thỏa thuận này là một thắng lợi chính sách ngoại giao đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, mặc dù việc quốc hội phê chuẩn thỏa thuận này vẫn còn chưa chắc chắn, và các nhà lập pháp có phần chắc sẽ không cứu xét cho đến năm sau.
Ông Obama nói thỏa thuận này "phản ánh những giá trị của Mỹ và cho người lao động của chúng ta cơ hội công bằng để thành công mà họ xứng đáng có được."
Nhiều nhà phân tích kinh tế xem thỏa thuận này có thể chống lại sự phát triển và ảnh hưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc không phải là nước tham gia hỏa thuận này, nhưng ngay cả khi nền kinh tế của Trung Quốc chậm lại, nó vẫn có tác động thương mại khắp thế giới.
Tổng thống Obama nói rằng "khi hơn 95 phần trăm khách hàng tiềm năng của chúng ta sống ngoài biên giới của chúng ta, chúng ta không thể để những nước như Trung Quốc viết ra những quy định của nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta nên viết ra những quy định đó, mở ra những thị trường mới cho những sản phẩm của Mỹ trong khi đặt ra những tiêu chuẩn cao bảo vệ người lao động và bảo tồn môi trường của chúng ta."
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi thỏa thuận này là "một chính sách nhìn xa trông rộng cho tất cả các nước tham gia cùng chia sẻ giá trị và cố gắng xây dựng một vùng kinh tế tự do và công bằng."
Tổng thống Obama đã vận động cho hiệp ước này vượt qua sự phản đối từ đa số đồng nghiệp trong đảng Dân chủ của ông tại Quốc hội, những người cho rằng thỏa thuận này sẽ làm mất hàng ngàn công ăn việc làm của dân Mỹ vì các nhà sản xuất chuyển hoạt động sang các quốc gia khác nơi có mức lương nhân công rẻ hơn. Ngược lại, các đảng viên Cộng hòa chú trọng doanh thương thường phản đối nhiều chính sách đối ngoại và đối nội của Tổng thống Obama thì phần đông lại ủng hộ việc hoàn tất hiệp định thương mại TPP.
Tuy nhiên, một nhà lập pháp chủ chốt trong đảng Cộng hòa, dân biểu Paul Ryan, ứng viên của đảng này tranh chức Phó Tổng thống hồi năm 2012, tỏ ra thận trọng về việc hoàn tất thỏa thuận TPP.
Ông Paul Ryan nói "Một Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương thành công có nghĩa là ảnh hưởng của Mỹ sẽ lớn hơn trên thế giới và có thêm việc làm tốt ở nội địa, nhưng chỉ có một thỏa thuận tốt, một thỏa thuận đáp ứng những nguyên tắc của Quốc hội trong đạo luận vừa ban hành về quyền xúc tiến thương mại, mới có thể được thông qua tại Hạ viện Mỹ. Tôi chưa vội phán xét cho tới khi nào có thể xem văn bản chung cuộc và tham khảo ý kiến với các đồng nghiệp và các cử tri của tôi."
Tại Hoa Kỳ, chấp thuận chung cuộc cho TPP có thể rắc rối vì cuộc bầu cử Tổng thống 2016 sắp tới. Có thể mãi đến năm 2017 Quốc hội Mỹ mới có hành động về hiệp ước này, khi một tân Tổng thống lên nhậm chức. Theo quy định của Hiến pháp, Tổng thống Obama không được tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ ba.
Nhiều nhà phân tích kinh tế xem TPP như một thỏa thuận có thể đối chọi với sự tăng trưởng và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngay cả khi nền kinh tế của Bắc Kinh đã chậm lại, nó vẫn có tác động giao dịch rộng khắp trên thế giới.
10 quốc gia khác cũng có tên trong thỏa thuận hôm nay bao gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, Việt Nam, New Zealand, Australia, Brunei, Singapore và Malaysia.