Một tòa án Nga đã kết án bà Alsu Kurmasheva, một nhà báo người Mỹ gốc Nga của Đài Châu Âu Tự do/Đài Tự do (RFE/RL) do Hoa Kỳ tài trợ, 6 năm rưỡi tù giam vì phát tán thông tin sai sự thật về quân đội Nga, tòa án cho biết hôm 22/7.
Người phát ngôn của tòa án ở thành phố Kazan, nằm ở phía nam của Nga, nói rằng bà Kurmasheva đã bị kết án hôm 19/7. Cùng ngày đó, một tòa án khác ở Yekaterinburg đã kết án một công dân Hoa Kỳ khác, phóng viên Evan Gershkovich của Wall Street Journal, 16 năm tù vì tội làm gián điệp sau một phiên tòa bị tờ báo của ông và Hoa Kỳ lên án là nguỵ tạo.
Luật sư của bà Kurmasheva đã không ngay lập tức trả lời câu hỏi của Reuters về việc liệu bà có kháng cáo hay không.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành RFE/RL Stephen Capus gọi phiên tòa và bản án là "sự nhạo báng công lý", đồng thời nói thêm rằng "kết quả chính đáng duy nhất là Alsu được những kẻ bắt giữ bà ở Nga ngay lập tức thả ra khỏi tù."
“Đã quá thời hạn để công dân Mỹ này, đồng nghiệp thân yêu của chúng tôi, được đoàn tụ với gia đình yêu thương của cô ấy,” ông Capus nói trong một tuyên bố.
Bà Kurmasheva, 47 tuổi, sống ở Praha và bị giam giữ từ ngày 18/10 khi bà bị bắt trong lúc đang đi thăm gia đình tại quê hương bà ở vùng Tatarstan của Nga. Lần đầu tiên bà bị giam giữ trong một thời gian ngắn vào đầu năm ngoái khi bà đang tìm cách rời khỏi Nga và hộ chiếu của bà đã bị tịch thu.
Một tòa án ban đầu kết tội bà vì không khai báo rằng bà có hộ chiếu Mỹ, một điều bắt buộc theo luật pháp Nga, và đã phạt tiền bà. Một tuần sau, bà bị buộc tội không đăng ký làm "đặc vụ nước ngoài" nhưng bà đã không nhận tội.
Chồng của bà Kurmasheva, Pavel Butorin, người cũng làm việc cho RFE/RL, cho biết vụ bắt giữ bà có liên quan đến cuốn sách mà bà đã biên tập có tựa đề "Nói không với chiến tranh. 40 câu chuyện về những người Nga phản đối cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine."
Hai nhà báo Gershkovich và Kurmasheva nằm trong số ít nhất nửa tá người Mỹ bị kết án và bỏ tù ở Nga trong bối của sự rạn nứt lớn nhất trong quan hệ giữa Moscow và phương Tây kể từ Chiến tranh Lạnh.
RFE/RL, nơi cho rằng việc giam giữ bà Kurmasheva là bất công, được Quốc hội Hoa Kỳ tài trợ. Nga đã chỉ định tổ chức này là "đặc vụ nước ngoài", một cách phân loại mang âm hưởng tiêu cực của Chiến tranh Lạnh.
Ông Butorin đã kiến nghị chính phủ Hoa Kỳ xem bà Kurmasheva là công dân Mỹ bị giam giữ sai trái như Washington định danh trường hợp của ông Gershkovich, và điều này sẽ mở ra các con đường ngoại giao để đàm phán trả tự do cho nữ nhà báo này.