Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ lần đầu tiên kỷ niệm ngày vinh danh các con tin người Mỹ


(Ảnh tư liệu) - Phóng viên tờ Wall Street Journal Evan Gershkovich được áp giải sau phiên toà tại toà án Lefortovsky ở Moscow, 26/1/2024.
(Ảnh tư liệu) - Phóng viên tờ Wall Street Journal Evan Gershkovich được áp giải sau phiên toà tại toà án Lefortovsky ở Moscow, 26/1/2024.

Hoa Kỳ hôm 9/3 năm nay lần đầu tiên kỷ niệm Ngày dành cho Các con tin và Những người bị bắt giam sai trái, để tưởng nhớ những người Mỹ bị giam cầm ở nước ngoài.

Được chỉ định lần đầu tiên vào năm ngoái bởi văn kiện luật mang tính lưỡng đảng, ngày này đánh dấu vụ bắt cóc cựu đặc vụ FBI Robert Levinson, người được xem là con tin người Mỹ bị giam giữ lâu nhất trong lịch sử.

Luật này cũng cho ra đời một lá cờ chính thức như một biểu tượng để công nhận các nạn nhân.

Theo Sáng hội Foley, hiện có 56 người Mỹ đang bị bắt làm con tin hoặc bị giam giữ phi pháp. Tổ chức phi lợi nhuận này được thành lập để tưởng nhớ nhà báo người Mỹ James Foley, người đã bị những kẻ cực đoan bắt cóc và sau đó giết chết ở Syria.

Chiến dịch ‘Mang Thân nhân Chúng tôi về nhà’, Quỹ Di sản James W. Foley, Trung tâm Gắn kết Toàn cầu Richardson và các thành viên của gia đình Levinson đã vận động Quốc hội thông qua đạo luật vừa kể để mở rộng sự chú ý đến vấn đề này.

“Việc thiết lập ngày kỷ niệm hàng năm là một cột mốc mang tính biểu tượng quan trọng, không chỉ thừa nhận tầm quan trọng của vấn đề mà còn khuyến khích nhận thức và hiểu biết sâu sắc hơn của công chúng về cuộc khủng hoảng quốc gia kéo dài này,” ông Benjamin Gray thuộc Quỹ Foley nói với VOA.

Thượng nghị sĩ Christopher Coons, đảng viên Dân chủ, và Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đảng viên Cộng hòa, đã đưa ra dự luật này vài ngày sau khi cầu thủ bóng rổ người Mỹ Britany Griner được thả khỏi nơi giam giữ của Nga vào tháng 3 năm 2023.

Trong số những người Mỹ bị cầm giữ ở nước ngoài có hai nhà báo Mỹ.

Phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal đã bị giam ở Nga gần một năm. Moscow cáo buộc ông làm gián điệp, điều mà ông và tòa soạn của ông đều phủ nhận.

Nhà báo người Mỹ gốc Nga Alsu Kurmasheva đã bị giam giữ từ tháng 10. Kurmasheva, biên tập viên của đài Tự do Châu Âu, phủ nhận các cáo buộc chống lại bà, bao gồm cả việc không đăng ký làm đặc vụ nước ngoài.

Quỹ Foley nói với VOA: “Chúng tôi tiếp tục ủng hộ việc trả tự do cho cả hai nhà báo bị giam cầm ở Nga. Chúng tôi tin rằng cả hai đều đã bị chính phủ Nga nhắm tới một cách bất công nhằm tạo đòn bẩy chống lại Hoa Kỳ. Trong trường hợp của Alsu, chúng tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố bà ấy bị giam giữ trái pháp luật.”

Tổng thống Joe Biden đã đề cập đến trường hợp của nhà báo Gershkovich trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hôm 7/3, nói rằng Hoa Kỳ ‘sẽ làm việc không ngừng nghỉ’ để đưa ông về nước.

Chiến dịch ‘Mang Thân nhân Chúng tôi về nhà’ đã bày tỏ sự thất vọng với chính quyền Biden và tổ chức một cuộc tọa kháng hôm 8/3 tại Tòa Bạch Ốc nhằm nêu bật điều mà họ gọi là ‘sự thiếu hỗ trợ và hành động thực chất’ từ Tổng thống Biden.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG