Những nạn nhân lũ lụt đang trong tình cảnh khốn khổ khi bị kẹt giữa biển nước, bị cô lập với bên ngoài, bị thiếu thốn đủ thứ trong khi đã mất hết tài sản, hoa màu và gia súc, một số tình nguyyện viên đi cứu trợ nói với VOA.
Nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam đã bị nước lũ nhấn chìm trong những ngày qua do hoàn lưu bão Yagi gây mưa lớn liên tục khiến nước dâng trên các con sông làm hàng trăm ngàn ngôi nhà bị ngập và hàng ngàn hectare hoa màu bị hư hại, theo tìm hiểu của VOA.
Tính đến trưa ngày 12/9, đã có 327 người chết và mất tích do ảnh hưởng của bão và mưa lũ sau bão, theo Theo Thông tấn xã Việt Nam. Nhiều nạn nhân trong số này thiệt mạng do bị lũ quét cuốn trôi hay bị lở đất chôn vùi.
Trong lúc này, các hoạt động cứu trợ nạn nhân vùng lũ đang diễn ra cấp tập ở Việt Nam với rất nhiều đoàn xe cứu trợ tự phát của người dân từ khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam hướng về các tỉnh bị thiệt hại, cũng theo tìm hiểu của VOA.
Tình cảnh người dân
Gia súc, gia cầm đã mất hết, còn hoa màu như ngô hay lúa đều đã bị nước lũ nhấn chìm nên hỏng hết, bà Kim Thanh Thủy, chủ một tiệm spa ở Hà Nội tình nguyện đi cứu trợ, mô tả với VOA hôm 12/9 về tình cảnh của các nạn nhân khi bà đang trên đường đi cứu trợ ở các tỉnh Phú Thọ và Tuyên Quang.
“Nói chung là vào trong nhà họ bây giờ ngập hết rồi. Nhà cũng chẳng còn gì có giá trị,” bà Thủy nói và cho biết các nạn nhân ‘bị cô lập trong biển nước’.
Theo lời bà thì đoàn cứu trợ của bà dùng thuyền nhỏ đi sâu vào những vùng bị nước lũ cô lập để tiếp tế lương khô, nước sạch và phương tiện sinh tồn cho người dân. Đoàn cứu trợ của bà đã giúp đưa một người bị đứt gân tay và bị nhiễm trùng từ vùng lũ ra ngoài để về Hà Nội chữa trị.
Ở những nơi khó tiếp cận mà chưa có đoàn cứu trợ nào đến được, các nạn nhân khi được nhận được hàng cứu trợ đều ‘rất mừng, có người cảm động muốn khóc’, cũng theo lời kể của bà Thủy.
Bà cho biết trước mắt các nạn nhân đang cần thực phẩm như sữa, bánh mì, cơm nắm các thứ để ăn qua bữa. Tuy nhiên bà khuyến cáo các đoàn cứu trợ không nên phân phát mì tôm vì ‘người dân không có bếp để nấu’.
“Trong giai đoạn mày mình chỉ giúp đỡ người ta được cái trước mắt là có thể sinh tồn, có thể ăn uống qua ngày. Còn sau khi bão qua đi rồi những thứ họ cần là thứ khác, có thể là tái đầu tư,” bà nói.
Một tình nguyện viên khác là bà Lê Thị Thành nói với VOA hôm 11/9 khi bà đi cứu trợ các vùng lũ trong tỉnh Thái Nguyên rằng người dân ‘cần nhất là đèn pin và sạc dự phòng cho điện thoại’.
“Mọi người không thể liên lạc bên ngoài được nên có vấn đề gì thì họ rất vất vả,” bà giải thích. Riêng ở những vùng xoáy hay vùng nước chảy xiết, vùng nước dâng cao thì ‘mọi người cần nhất là áo phao’, cũng theo lời bà.
Bà Thành là cư dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Hiện bà đang hỗ trợ cho một đoàn cứu trợ đến từ chùa Hương, Hà Nội, vì họ ‘không biết đường đi ở Thái Nguyên’.
Theo lời bà kể thì bà đã gặp trường hợp em bé mới vài tháng tuổi bị mắc kẹt hay một bà mẹ trở dạ, sinh con ngay trên thuyền.
“Có những cụ già tàn tật bị liệt, bị thương người ta không thể di chuyển được mà trong khi đó nước lũ đã ngập đến tầng 1 rồi. Có những cụ già, đứa trẻ, em bé phải lên tận nóc nhà rồi ngồi trên đó, mà đường truyền mạng, điện không có nên họ mất liên lạc với bên ngoài. Mà họ cứ ngồi trên mái nhà suốt đêm giữa trời mưa rét,” bà kể với VOA.
“Chúng tôi ai nhìn cũng rớt nước mắt,” bà nói thêm.
Bà Thành kể lại cảnh khi đoàn cứu trợ tiếp cận được các nạn nhân ở vùng sâu: “Mọi người đến như kiểu vỡ òa. Mọi người chào đón, mọi người cảm ơn, rồi mọi người ôm, xong rồi có người còn rưng rưng nước mắt.”
Tự tổ chức cứu trợ
Bà Thành sở hữu một cơ sở làm nhôm kính ở Thái Nguyên nên bà huy động xe tải và xe bán tải của gia đình để vận chuyển hàng và người đi cứu trợ, bà cho biết. Đến những chỗ xe không vào được nữa, bà sẽ liên hệ với các đoàn thể tại chỗ như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc để nhờ họ giúp đỡ. Hàng cứu trợ sau đó sẽ được tập kết tại ủy ban xã hay trường học rồi được đưa lên thuyền để đi phân phát.
Ngoài trợ giúp cho các đoàn cứu trợ từ Hà Nội, bản thân bà Thành còn đi vận động bạn bè và những người xung quanh để tự tổ chức cứu trợ.
“Bọn tôi đăng tin lên Facebook là sắp đi hỗ trợ. Mọi người thấy thì sẽ liên hệ. Ví dụ như nhà tôi cũng phân phối bình gas. Các khách hàng là chủ quán phở, chủ quán cơm thấy tin sẽ gọi lên nói ‘Chị ơi bọn em muốn cung ứng cơm cho bà con, bọn em muốn mua mì tôm cho bà con’. Tôi sẽ cho xe đến tận nơi để lấy,” bà mô tả.
“Hoặc chúng tôi đăng là hôm nay đi cứu trợ ở đâu, có anh, chị, em nào muốn đi cùng để phát lương thực cho bà con. Chỉ một lúc sau rất nhiều người gọi cho tôi nói ‘chị ơi, cho em đi với’,” bà nói thêm.
Cũng qua Facebook, bà sẽ rà soát những lời kêu gọi cần giúp đỡ của các hội, đoàn ở địa phương hoặc thông báo những mặt hàng bà đang có, chẳng hạn như ‘100 đèn pin, 200 áo phao’ để nếu ai cần thì liên hệ.
Và khi có người gọi đến, bà Thành sẽ hỏi rõ là tình hình của bà con ở chỗ đấy như thế nào, nếu cấp bách thì bà sẽ đi ngay, còn nếu đã tạm ổn thì bà ‘sẽ tạm gác lại để hỗ trợ những vùng khác nặng hơn’.
“Hôm qua, tôi chỉ để điện thoại đi đánh răng có 5 phút thôi mà đã thấy có cả trăm cuộc gọi nhỡ. Tôi cảm thấy mọi người đang rất cần giúp đỡ,” bà kể. “Có một bạn gọi nhỡ đến 7 cuộc, tôi gọi lại thì bạn ấy bảo ‘Cứu bố em với, cứu mẹ em với. Nhà em bị mắc kẹt mà bố em đang rất yếu.”
Về phần mình, bà Kim Thanh Thủy, là chủ một tiệm spa ở Hà Nội, nói với VOA rằng khi đoàn cứu trợ của bà đến nơi, họ sẽ liên hệ công an, cán bộ xã ở đấy để cung cấp thông tin ‘chứ không thể phân phát bừa bãi’. Cách làm này là để tránh tình trạng có những người được cứu trợ liên tục trong khi có những người không nhận được gì cả, bà cho biết.
“Hàng cứu trợ phải đến đúng nơi cần nhất thì mới quý, mới xứng đáng với công sức, thời gian mình bỏ ra cũng như tình cảm mà mọi người gửi gắm,” bà giãi bày.
Cũng giống như bà Thành, bà Thủy tự tổ chức cứu trợ thông qua một hội nhóm trên mạng của cư dân tại khu căn hộ Vinhomes Ocean Park, nơi bà ở. Trên nhóm sẽ đăng lời kêu gọi, và chỉ sau vài tiếng đã nhận được rất nhiều thực phẩm từ mọi người. “Có người còn làm cơm nắm muối vừng đem tới,” bà kể và cho biết nhóm cứu trợ của bà ‘chỉ nhận hàng, không nhận tiền’.
Đoàn cứu trợ của bà gồm 20 người kể cả các tài xế, bà nói và cho biết bản thân các tài xế đều không lấy tiền công hay tiền xăng mặc dù ‘đổ xăng rất nhiều tiền’.
Khi được hỏi động lực nào khiến bà đi cứu trợ, bà Thủy nói bà ‘xem thông tin thấy rất thương đồng bào’ nên ‘phải làm cái gì đấy cho đồng bào trong lúc này’. “Tôi cũng muốn thấy tận mắt thiệt hại của bão lũ như thế nào,” bà nói thêm.
Mặc dù đoàn cứu trợ xuất phát từ 3-4h sáng và phải đến 3-4h sáng hôm sau mới về đế nhà, nhưng bà Thủy nói bà ‘không hề thấy mệt dù phải bê đồ nặng’ mà ngược lại, bà ‘cảm thấy vui vì giúp được người dân’.
Bà Thành thì nói rằng khi nhận được những lời cảm ơn của người dân, bao nhiêu mệt mỏi của bà ‘tan biến hết’.
“Nói tóm lại nếu tính về ngủ thì tôi chỉ ngủ có 2-3 tiếng mỗi ngày thôi. Sáng dậy là tôi đi. Hôm nay [11/9] về sớm nhất là 8:30 – 9:00h. Còn như hôm qua phải đến 12:30 khuya tôi mới về đến nhà.”
Khi được hỏi tại sao lại đi cứu trợ trong khi phân xưởng của bà ở thành phố Thái Nguyên cũng bị ngập, máy móc bị hư hại, bà Thành nói tư gia của bà không bị ngập còn máy móc sẽ được đền, trong khi gia đình bà hai bên nội, ngoại đều bình an. “Tôi vẫn có thể đứng được để hỗ trợ cho những bà con bị thiệt hại nặng hơn,” bà nói.
Năm nay 38 tuổi, bà Thành nói đây là ‘lần đầu tiên’ bà chứng kiến ‘cảnh lũ kinh khủng như thế này’.