Tìm hiểu về các ‘đồn công an chìm’ của Trung Quốc ở nước ngoài

Ông "Harry" Lu Jianwang , một trong hai người Trung Quốc có quốc tịch Mỹ, bị bắt vì bị cáo buộc lập đồn công an chìm tại New York nhân danh chính phủ Trung Quốc.

Cảnh sát ở New York đã bắt giữ hai người đàn ông bị cáo buộc lập đồn công an chìm tại New York cho một cơ quan công an cấp tỉnh của Trung Quốc để thu thập thông tin về những người chống đối Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các văn phòng như vậy đã được báo cáo trên khắp Bắc Mỹ, Châu Âu và ở các quốc gia khác, nơi có cộng đồng người Hoa bao gồm những người chỉ trích Đảng Cộng sản có gia đình hoặc doanh nghiệp ở Trung Quốc. Trung Quốc phủ nhận đó là đồn công an, nói rằng chúng tồn tại chủ yếu để cung cấp các dịch vụ công dân như gia hạn giấy phép lái xe.

Lãnh đạo đảng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng mà chiến dịch này cũng nhắm vào những người chỉ trích chế độ của ông trong và ngoài nước, đồng thời tìm cách truy đuổi những người bị cáo buộc phạm tội tài chính.

Vụ Mỹ bắt giữ hai người ở New York hôm 17/4 diễn ra cùng với các cáo buộc đối với 34 nhân viên thuộc lực lượng công an ở Trung Quốc đã sử dụng mạng xã hội để quấy rối những người ở Mỹ chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhà chức trách Mỹ nói ngày 17/4.

Dưới đây là những cáo buộc rằng Trung Quốc đang điều hành các đồn công an chìm ở nước ngoài và phản ứng dữ dội mà họ gặp phải.

Điều mới nhất trong vụ New York là gì?

Hai người đàn ông bị bắt đang hoạt động dưới sự chỉ đạo và kiểm soát của một quan chức chính phủ Trung Quốc, Bộ Tư pháp Mỹ nói trong một tuyên bố hôm 17/4.

Vụ bắt giữ những người đàn ông, được xác định là “Harry” Lu Jianwang, 61 tuổi, ở Bronx, và Chen Jinping, 59 tuổi, ở Manhattan, cả hai đều là công dân Hoa Kỳ, là vụ bắt giữ đầu tiên thuộc loại này ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.

Các quan chức thực thi pháp luật Hoa Kỳ cho biết cả hai đã không đăng ký với Bộ Tư pháp tư cách là đặc vụ của chính phủ nước ngoài. Và mặc dù văn phòng này đã thực hiện một số dịch vụ như giúp công dân Trung Quốc gia hạn bằng lái xe Trung Quốc, nhưng nó cũng phục vụ một chức năng “nham hiểm” hơn, bao gồm giúp chính phủ Trung Quốc xác định nơi ở của một nhà hoạt động dân chủ gốc Hoa sống ở California và đe dọa một kẻ đào thoát, người mà công an muốn trở về Trung Quốc, các quan chức Mỹ nói.

Mục đích của các văn phòng này

Ngày 18/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói “không có cái gọi là đồn công an ở nước ngoài” và cáo buộc Hoa Kỳ “bôi nhọ và thao túng chính trị”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ điều hành các trung tâm ở nước ngoài để giúp công dân thực hiện các nhiệm vụ giấy tờ, chẳng hạn như gia hạn giấy phép lái xe, thường được thực hiện tại các đồn công an ở Trung Quốc.

Nhưng nhóm phi chính phủ Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha, trong một phúc trình được công bố vào năm ngoái, cáo buộc công an Trung Quốc sử dụng các văn phòng này để theo dõi những người chỉ trích ở nước ngoài và quấy rối hoặc đe dọa cả công dân lẫn người không phải công dân Trung Quốc. Một quan chức Trung Quốc năm ngoái tuyên bố rằng 210.000 nghi phạm lừa đảo đã được “thuyết phục” trở về Trung Quốc vào năm 2021 như một phần của cuộc trấn áp lừa đảo qua điện thoại, mặc dù các nhà nghiên cứu đã viết rằng không phải tất cả đều bị truy tố tội phạm hình sự. Các quốc gia bao gồm Canada và Ireland đã yêu cầu Trung Quốc đóng các đồn này hoặc mở các cuộc điều tra của riêng họ sau phúc trình của Safeguard Defenders.

Theo các công tố viên ở New York, đồn công an chìm ở New York được điều hành bởi chi nhánh Phúc Châu của Bộ Công an Trung Quốc, không có thẩm quyền hoạt động ở đó và vi phạm luật pháp cũng như chủ quyền quốc gia của Mỹ.

Cuộc điều tra sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung như thế nào?

Quan hệ chính trị Trung-Mỹ đang ở mức thấp lịch sử. Vào tháng 2 năm nay, Hoa Kỳ đã hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Anthony Blinken tới Bắc Kinh giữa làn sóng phẫn nộ về việc khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay qua Mỹ. Không tin tưởng Trung Quốc là một trong số ít lĩnh vực mà cả đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ tìm thấy điểm chung và cáo buộc về các đồn công an của Trung Quốc bất hợp pháp có thể sẽ kích động tâm lý cấm các thương hiệu Trung Quốc như Huawei và TikTok. Các quốc gia, theo hiệp ước quốc tế, phải thông báo cho nhau về thời gian và địa điểm họ điều hành các cơ quan đại diện ngoại giao của mình.

Không rõ liệu Trung Quốc có tìm cách để hai người đàn ông bị bắt ở Hoa Kỳ được trả tự do hay không, cả hai đều là công dân Hoa Kỳ. Trung Quốc trước đây đã bị cáo buộc về ngoại giao con tin, bao gồm cả việc bỏ tù hai công dân Canada liên quan đến việc giam giữ một giám đốc điều hành hàng đầu của công ty điện tử khổng lồ Huawei.

Trung Quốc có điều hành các văn phòng tương tự ở đâu không?

Trong một thông cáo báo chí tháng 2/2002, chính quyền tỉnh Phúc Kiến cho biết họ đã thành lập đợt đầu tiên gồm 30 “Trạm Dịch vụ Hải ngoại của Công an Phúc Châu” trên năm châu lục. Tỉnh này có truyền thống gửi làn sóng di dân đến Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Úc và Châu Âu.

Số lượng văn phòng dịch vụ — Safeguard Defenders ước tính hơn 100 — đã được báo cáo trên khắp thế giới, từ Canada đến New Zealand. Một số có trụ sở tại các đại sứ quán, trong khi một số khác hoạt động bên ngoài các trung tâm thương mại mà các thành viên của cộng đồng người Hoa hải ngoại thường xuyên lui tới.

Tại Ý, công an Trung Quốc đã thỏa thuận với chính phủ vào năm 2016 để tiến hành tuần tra chung với cảnh sát địa phương hỗ trợ khách du lịch nói tiếng Trung Quốc. Ý đã chấm dứt chương trình này năm ngoái tiếp sau phúc trình của Safeguard Defender.