VOA: Thưa giáo sư, trong bài viết “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” bà Đỗ Ngọc Bích có đặt câu hỏi: “…Họ tin rằng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam trên cơ sở nào, hay chỉ biết thế từ sách giáo khoa lịch sử Việt Nam và từ các thông tin trên đài báo chính thống của Việt Nam lưu hành sau năm 1975?” Xin giáo sư cho thính giả đài VOA được biết câu trả lời của ông đối với “câu hỏi” mà bà ÐNB nêu lên như một sự căn vặn này.
GS Hoàng Việt: Ở câu hỏi này, tôi xin trả lời tác giả Đỗ Ngọc Bích rằng: Tôi cũng như hàng triệu người dân Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới tin rằng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam trên cơ sở luật pháp quốc tế về chiếm hữu lãnh thổ vô chủ được thừa nhận hiện nay. Điều này được ghi nhận trong chính sử Việt Nam từ thời Nguyễn cũng như rất nhiều bằng chứng lịch sử khác, từ các sắc phong, các châu bản của các vua Nguyễn đến các bản đồ của các quốc gia phương Tây, thậm chí ngay trong cả các bản đồ, hoặc một số sử liệu của Trung Quốc, điều này đã được các học giả ở nhiều nơi trên thế giới biết đến chứ không phải chỉ từ “sách giáo khoa lịch sử Việt Nam và từ các thông tin trên đài báo chính thống của Việt Nam lưu hành sau năm 1975” đâu.
VOA: Thưa giáo sư, bà Đỗ Ngọc Bích có căn vặn tiếp rằng: “ Chúng ta coi Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam từ khi nào? Hiệp ước Tự Đức hiến đất Cochichina cho Pháp (1862), Hiệp ước nhà Thanh thỏa hiệp với Pháp về quyền cai trị AnNam và Tonkin (1885), hay các tuyên ngôn độc lập tự chủ sau này có nhắc đến chủ quyền của mấy cái đảo ấy không? Chính quyền Việt Nam Cộng hòa có bao giờ tuyên ngôn chủ quyền của các đảo đó không, hay chỉ mãi đến năm 1974 mới điều hải quân ra trấn giữ và bảo vệ?” Xin giáo sư cho biết câu trả lời đối với loạt câu hỏi này.
GS Hoàng Việt: Chúng ta đã biết vào thế kỷ 18, 19 các nước phương Tây đã xâm chiếm các nước phương Đông. Các nước phương Đông do kỹ nghệ kém cỏi, đã thua trận trở thành thuộc địa của các cường quốc phương Tây. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Khi Việt Nam thất trận, các vua Nguyễn đã phải ký một loạt Hiệp ước nhượng địa cho chính quyền Pháp, chính quyền Pháp đại diện cho chính quyền Việt Nam trong các quan hệ ngoại giao. Đó cũng là lý do cho một số khúc mắc sau này trong tranh chấp liên quan đến biên giới của nhiều nước trong khu vực. Nhưng cũng trong thời gian này, Pháp cũng đã có rất nhiều hành động khẳng định chủ quyền trên các đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa. Ít nhất hai lần vào năm 1932 và năm 1947 Pháp đã đặt vấn đề là đưa tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa ra giải quyết tại Tòa án quốc tế nhưng phía Trung Quốc đã từ chối.
Về phương diện pháp lý quốc tế thì chiếm hữu một lãnh thổ vô chủ có nghĩa là hành vi của một quốc gia đến chiếm cứ một lãnh thổ chưa từng thuộc chủ quyền hay không còn thuộc chủ quyền của một quốc gia nào cả, với ý chí thiết lập chủ quyền thật sự trên lãnh thổ đó. Các điều kiện để chiếm hữu một lãnh thổ vô chủ như sau:
-Lãnh thổ bị chiếm hữu phải là lãnh thổ vô chủ.
-Chỉ có quốc gia với tư cách là chủ thể của luật quốc tế mới có thể chiếm hữu lãnh thổ vô chủ đó.
-Sự chiếm hữu lãnh thổ vô chủ đó phải là chiếm hữu thật sự và liên tục. Tức là quốc gia chiếm hữu phải có sự hiện diện thường trực trên lãnh thổ được chiếm hữu và sự hành xử chủ quyền phải có tính chất liên tục.
-Sự chiếm hữu đó được thông tri cho các quốc gia khác.
Như vậy, qua các bằng chứng lịch sử của chúng ta có, thì ít nhất là từ 1816, các vua Nguyễn đã có các hành động khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa theo các quy định của luật pháp quốc tế về chiếm hữu một lãnh thổ vô chủ.
VOA: Ngoài hành động vừa kể của các vua Nguyễn, các chính quyền Việt Nam sau này đã có những hành động nào để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thưa giáo sư?
GS Hoàng Việt: Xin nhắc thêm một vài sự kiện liên quan đến tuyên bố chủ quyền của các chính quyền Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (chủ quyền phải là của quốc gia trên các đảo ấy, chứ không phải chủ quyền của mấy cái đảo.)
Ông Chaigneau – một người Pháp giúp việc cho vua Gia long đã viết: “mãi đến năm 1816 vua Gia Long mới quyết định chiếm đóng những đảo Hoàng sa hoang vu, thuộc lãnh thổ Việt Nam”.
Năm 1895 -1896 xảy ra hai vụ đắm tàu tại Hoàng Sa. Đó là con tàu của Đức “Bellona” và tàu của Nhật “Imegi Maru”. Hai chiếc tàu này vận chuyển đồng và mua bảo hiểm của công ty Anh quốc. Khi tàu bị đắm, các ngư dân Trung Quốc đã ùa lại hôi của. Sau đó, các công ty bảo hiểm đã lên án chính quyền Trung Quốc không có trách nhiệm, và chính quyền Trung Quốc đã trả lời đây là các đảo không thuộc về Trung Quốc nên họ không có trách nhiệm.
Ngày 6/6/1909, Đô đốc Lý Chuẩn của chính quyền Lưỡng Quảng (Trung Quốc) đã dẫn một nhóm người đổ bộ chớp nhoáng lên vài đảo của Hoàng Sa trong vòng 24 giờ. Sau đó Trung Quốc tuyên bố rằng từ năm 1909 họ đã chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa như thể là chiếm hữu một lãnh thổ vô chủ.
Năm 1920 công ty Mitsui –Busan Kaisha đã khai thác phốt phát trên một số đảo ở Hoàng Sa, sau khi đã liên hệ xin phép nhà cầm quyền Pháp.
Từ năm 1920 Pháp đã thực hiện việc kiểm soát trên biển và kiểm soát hải quan đối với Hoàng Sa.
Ngày 8/5/1925 Toàn quyền Đông Dương tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đất của nước Pháp.
Từ năm 1925, Hải Học viện Nha Trang có tổ chức nhiều cuộc thăm dò trên hai quần đảo này. Năm 1930 Pháp đã cho cắm cờ trên một hòn đảo của Trường Sa.
Ngày 29/4/1932 Chính phủ Pháp ra kháng nghị nêu rõ danh nghĩa lịch sử và các bằng chứng về chiếm hữu của Annam, sau đó là của Pháp.
Năm 1933 Theo nghị định ngày 26/7, chính phủ Pháp công bố việc chiếm hữu của Hải quân Pháp đối với Trường Sa.
Năm 1938 Pháp cho dựng một tấm bia trên đảo Hoàng Sa.
Ngày 5/5/1939 Toàn Quyền Đông Dương đã ra Nghị định, thành lập hai đại lý trên quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1947, nhân dịp Pháp vướng vào cuộc tái chiếm Việt Nam, Trung Quốc cho quân chiếm đảo Phú Lâm. Pháp đã phản đối chính thức hành động đó.
Năm 1949 Chính quyền Bảo Đại đã công khai khẳng định các quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1950, đồn lính Trung Quốc trên đảo Phú lâm rút đi. Quân lính Pháp vẫn đóng ở đảo Hoàng Sa.
Năm 1956 quân đội Pháp sau khi ký kết hiệp định Geneve đã rút khỏi Đông Dương, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho quân đội tiếp quản việc đóng quân ở Hoàng Sa. Nhưng cũng trong năm đó, Cộng hòa nhân dân Trung hoa đã cho quân chiếm đóng một cách bí mật cụm An Vĩnh nằm ở phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Và quân đội Đài Loan đã chiếm đảo Ba Bình (là đảo lớn nhất ở Trường Sa).
Ngày 1/6/1956 Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa là Vũ Văn Mẫu đã khẳng định lại các quyền của Việt Nam Cộng hòa trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngày 22/10/1958 một sắc lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Phước Tuy.
Năm 1973, Nghị định của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ngày 6/9/1973 đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy.
Năm 1974, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dùng cả hải quân, không quân và lính thủy đánh bộ tấn công và chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay của Việt Nam Cộng hòa.
VOA: Những sự kiện mà giáo sư vừa trình bày có bằng chứng rõ ràng không, thưa ông?
GS Hoàng Việt: Những sự kiện này hoàn toàn có bằng chứng ghi nhận đầy đủ. Và những điều này chứng tỏ là từ trước năm 1974 đã có sự hiện diện của quân đội chính phủ Pháp (đại diện cho chính quyền Việt Nam) thời thuộc địa và của quân đội Việt Nam Cộng hòa sau này.
Không phải đến năm 1974 hải quân Việt Nam Cộng hòa mới được điều ra để trấn giữ Hoàng Sa và Trường Sa đâu. Năm 1974 là năm mà Trung Quốc đã thành công trong việc cướp đoạt Hoàng Sa qua biện pháp vũ lực (trái với Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế liên quan) trong khi họ cứ nói Hoàng Sa là của họ nhưng họ hoàn toàn không có sự hiện diện thường xuyên và liên tục tại Hoàng Sa trước đó.
Cho đến trước khi xảy ra sự kiện năm 1988, Trung Quốc vẫn chưa có bất cứ sự hiện diện nào trên toàn bộ các đảo ở Trường Sa. Sau vụ đụng độ với hải quân Việt Nam (với 3 tàu Việt Nam bị chìm, hơn 70 thủy thủ Việt Nam mất tích), Trung Quốc đã chiếm được 3 đảo đá ở Trường Sa. Năm 1995, Trung Quốc chiếm thêm bãi Vành khăn từ tay quân đội Philippines. Còn những sự kiện từ 1995 tới nay, chắc có lẽ có rất nhiều thông tin, tôi không cần phải trình bày thêm.
VOA: Xin cám ơn Giáo sư Hoàng Việt.
Mấy ngày gần đây nhiều người xôn xao với bài báo “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của tác giả Đỗ Ngọc Bích đăng trên trang mạng BBC. Trong bài viết tác giả có đề ra một số câu hỏi để tỏ ý hoài nghi về tính chất chính đáng của những phản ứng từ phía Việt Nam trong vụ tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền ở biển Đông. Ban Việt Ngữ VOA đã tiếp xúc với ông Hoàng Việt, giảng viên Ðại học Luật ở Sài Gòn và là thành viên của Quĩ Nghiên Cứu Biển Đông, để tìm hiểu thêm về vấn đề này. Xin mời quí thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn do Duy Ái thực hiện sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1