Đường dẫn truy cập

Trung Quốc gây lo ngại cho các quốc gia tại biển Đông


Trung Quốc gây lo ngại cho các quốc gia tại biển Đông
Trung Quốc gây lo ngại cho các quốc gia tại biển Đông

Căng thẳng trong vùng biển Đông vì tranh chấp lãnh thổ lại gia tăng với những vụ đụng độ mới đây giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines. Các vụ tranh chấp diễn ra giữa lúc Hoa kỳ và ASEAN tìm cách giúp các quốc gia nhận chủ quyền tại vùng biển nhiều tài nguyên giải quyết những dị biệt bằng đối thoại và tránh sử dụng vũ lực hay đe dọa.

Tại một cuộc biểu tình vô cùng hiếm hoi vào Chủ nhật ở Việt Nam, hàng trăm người tụ tập trước đại sứ quán Trung Quốc để đả đảo những hành vi bị coi là gây hấn mới đây của Bắc Kinh trong vùng biển Đông. Việt Nam nói rằng một tàu của Trung Quốc cố tình cắt một giây cáp chìm của một tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam trong tháng trước trong lúc tàu này đang thực hiện các cuộc khảo sát địa chấn.

Philippines cũng loan tin về các vụ tranh chấp lãnh thổ lại tái diễn, tố cáo Trung Quốc bốc rỡ các vật liệu xây cất và xây dựng các đồn quân sự tại các bãi đá mà Manila nhận chủ quyền. Trung Quốc bênh vực hành động của họ và nói rằng những hành động này hoàn toàn hợp lý.

Vào Chủ nhật, lên tiếng tại diễn đàn quốc phòng ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt nói rằng những vụ đụng độ bột phát mới đây với Việt Nam và Philippines giờ đây đã được đặt trong tầm kiểm soát. Ông nói: "Quyền tự do thông thương trong vùng biển Đông lúc nào cũng có. Quyền này không thuộc riêng nước nào. Tình hình trong vùng nói chung được coi là ổn định."

Ông Dean Cheng, một nhà phân tích quốc phòng của tổ chức Heritage Foundation tại Washington nói rằng trong lúc Trung Quốc có thể không nổ súng vào bất cứ người nào, nhưng hành động của họ có tính cách khiêu khích và khiến cho mạng sống lâm nguy.

Ông nói: "Dường như Trung Quốc đang triệt để can dự vào chuyện thúc đẩy để nhận toàn bộ chủ quyền trên vùng này và họ có vẻ như chẳng thèm để ý xem họ đang dẫm chân lên những ai."

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á tức ASEAN vẫn đang thảo luận với Trung Quốc để đạt tới một thỏa thuận về qui định hành xử tại vùng biển Đông.

Lên tiếng tại cùng một diễn đàn hôm Chủ nhật, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh nói rằng sự hợp tác của Trung Quốc là tối quan yếu và nói thêm là quyết tâm của Việt Nam rất cứng rắn. Ông nói: "Lập trường kiên quyết của đảng và nhà nước chúng tôi là chúng tôi sẽ sử dụng đến tất cả mọi phương tiện để bảo vệ chủ quyền của chúng tôi."

Biển Đông là một hải lộ chính và người ta tin rằng khu vực này có trữ lượng dầu khí vô cùng phong phú. Nhiều quốc gia Brunei, Malaysia, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đều lên tiếng nhận chủ quyền.

Hoa Kỳ đã đề nghị đứng trung gian cho các cuộc thảo luận về tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đông nam Á.

Lên tiếng tại Washington tuần trước, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell nói rằng Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy đối thoại giữa các phe tranh chấp. Ông nói: "Chúng tôi khuyến nghị chớ nên sử dụng đến vũ lực hay de dọa trong những tình huống này và chúng tôi muốn thấy xuất hiện một tiến trình đối thoại. Chúng tôi liên lạc rất thường xuyên và trong vòng riêng tư với một loạt các quốc gia liên hệ đến vùng biển Đông và tôi cho rằng chúng tôi sẽ tiếp tục làm như thế trong lúc chúng tôi xúc tiến công việc."

Trung Quốc chỉ muốn thảo luận về các vụ tranh chấp với từng quốc gia nhận chủ quyền ở biển Đông. Và cho tới hồi gần đây, Bắc Kinh dừơng như đã dịu bớt khẳng định của họ trong việc nhận chủ quyền ở vùng biển này.

Phân tích gia Dean Cheng thuộc Heritage Foundation nói rằng tình hình căng thẳng gia tăng mới đây có thể là một dấu hiệu Bắc Kinh đang trắc nghiệm vùng lãnh hải này với Việt Nam hoặc Hoa Kỳ. Ông nêu lên rằng hành động của Trung Quốc theo sau một loạt các hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, kể cả hội nghị giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Barack Obama vào tháng Giêng năm nay. Ông nói: "Đây có phần chắc là một hành động trắc nghiệm để xem là hai nước đã có những hội nghị thượng đỉnh rồi, xác nhận là hai nước muốn có quan hệ tốt đẹp hơn, thế thì bây giờ quí vị sẽ có gây trở ngại cho lời hứa xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn bằng cách tương tác với những người ở quốc gia đông nam Á hay với những người dân đông nam Á về các vấn đề mà người Trung Quốc cảm thấy là quyền lãnh thổ của họ hay không."

Phân tích gia Dean Cheng nói rằng căng thẳng gia tăng cũng có liên quan đến việc chuyển quyền lãnh đạo sắp diễn ra tại Trung Quốc vào năm 2012. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ giã từ chức vụ vào năm tới và chuyên gia Cheng nói rằng có thể là vì chính phủ sắp lên cầm quyền và chính phủ sắp ra đi cảm thấy họ không có chọn lựa nào khác ngoại trừ giữ lập trường nhận chủ quyền và nêu lên rằng vùng này là lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong tuần qua, các giới chức Mỹ đã nhấn mạnh đến sự cam kết của Washington tại châu Á, nhất là khu vực đông nam Á, và sự sẵn lòng làm việc với Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc nói là họ cũng cam kết giải quyết ôn hòa những tranh chấp trong khu vực.

Tuy nhiên, từ các đường phố ở Hà Nội, dường như giải pháp đó vẫn còn rất xa vời.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG