Thương mại của Trung Quốc với các nước dọc theo Con đường Tơ lụa trên biển tăng trung bình 18,2% mỗi năm trong thập kỷ qua, chiếm 20% tổng kim ngạch ngoại thương của quốc gia này, từ mức 14,6% 10 năm về trước.
Trong cùng khoảng thời gian, đầu tư trực tiếp của các công ty Trung Quốc tăng từ 240 triệu đôla lên 9,27 tỉ đôla, đại diện mức tăng trưởng hàng năm 44%, theo số liệu Cục Hải dương Nhà nước (SOA).
Giám đốc SOA Wang Hong cho biết, một kế hoạch hành động sẽ thúc đẩy sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển Thế kỷ 21 trong năm nay, và thiết lập một trung tâm hợp tác hàng hải Trung Quốc – ASEAN cũng như một nền tảng để thúc đẩy hợp tác hàng hải ở Đông Nam Á.
Con đường Tơ lụa trên biển Thế kỷ 21 là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường, được đề xuất bởi Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2013 với mục tiêu phục hồi các tuyến đường thương mại cổ đại và tăng cường liên lạc khu vực.
Con đường Tơ lụa trên biển được thiết kế để đi từ bờ biển của Trung Quốc đến châu Âu qua Biển Đông và Ấn Độ Dương trên một tuyến đường, và từ bờ biển của Trung Quốc qua Biển Đông đến Nam Thái Bình Dương qua một tuyến đường khác.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tháng 11/2014 thông báo nước này chi 40 tỷ USD thành lập quỹ Con đường tơ lụa nhằm tập trung xây dựng tuyến giao thông, đường sắt, bến cảng, sân bay xuyên qua Trung và Nam Á, nhằm liên kết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chiến lược con đường tơ lụa của Bắc Kinh được cho là cách đối phó trực diện với chính sách tái cân bằng hay còn gọi là "xoay trục" về châu Á của Washington.
Theo Xinhua, VnExpress.