Đường dẫn truy cập

Kế hoạch 'Con đường Tơ lụa' của Trung Quốc gặp nhiều chướng ngại


Một công trường xây dựng trong chương trình đầu tư của Trung Quốc ở Colombo, 20/2/15
Một công trường xây dựng trong chương trình đầu tư của Trung Quốc ở Colombo, 20/2/15

Trung Quốc đang tìm cách nối kết hơn 20 nước dọc theo Con đường Tơ lụa thời xưa dựa trên một kế hoạch qui mô lớn được đặt tên “Một Vành Đai, Một Tuyến Đường.” Tuy nhiên thông tín viên VOA Saibal Dasgupta tường thuật rằng chương trình hơn 140 tỉ đô la này đang đối mặt với những thách thức tại nhiều nơi vì các vấn đề chiến tranh, tranh chấp lãnh thổ và rối loạn trong nước.

Kế hoạch này nhắm tới việc nới rộng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc bằng cách thiết lập hai tuyến ngoại thương lớn. Một tuyến trên bộ trải dài từ Trung Quốc xuyên qua Trung Á để tới Âu châu, xuyên qua nhiều quốc gia đang mong mỏi có thêm nhiều lựa chọn thương mại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một tuyến khác trên biển để nối các hải cảng của Trung Quốc với những trung tâm thương mại ven biển ở Phi châu và Trung Đông.

Đối với nhiều nước dọc theo con đường này, những tham vọng của Trung Quốc có thể mang lại một sức đẩy kinh tế mà những nước này đang trông đợi.

“Những nỗ lực của Trung Quốc để thực hiện sáng kiến này có phần chắc sẽ có ảnh hưởng lớn tới kiến trúc kinh tế của khu vực – những mô thức thương mại, đầu tư, và phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực, và ảnh hưởng đó sẽ mang lại những tác động về mặt chiến lược đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ và các cường quốc khác,” một bài tham luận do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS ở Washington đăng tải đã nhận định như vậy.

Tuy nhiên, dự án có nhiều tham vọng và có thể tạo ra những ảnh hưởng to lớn này cũng sẽ dễ bị vướng mắc vào những vụ tranh chấp ở nước ngoài mà Trung Quốc lâu nay vẫn thường ra sức né tránh.

Những vụ tranh chấp đó bao gồm vụ khủng hoảng Ukraine, tranh chấp biển đảo dính líu tới 6 nước ở Biển Đông, tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc với Ấn Độ, tình cảm bài xích Trung Quốc ở Sri Lanka, tình hình bất ổn tại những khu vực ở Myanmar giáp ranh với Trung Quốc, những hoạt động khủng bố ở Pakistan và những vụ rối loạn trong tỉnh Tân Cương ở miền tây Trung Quốc.

Kế hoạch 'Con đường Tơ lụa' mới
Kế hoạch 'Con đường Tơ lụa' mới

Ông Diêu Bồi Sinh, người từng giữ chức Đại sứ Trung Quốc tại các nước Kyrgyzstan, latvia, Kazakhstan và Ukraine, nói “Nếu tranh chấp lãnh thổ không được giải quyết, nó sẽ gây thiệt hại cho chương trình Một Vành Đai, Một Con Đường. Nếu hai nước láng giềng có xung đột với nhau, sẽ không có tiến bộ.”

Những người chỉ trích mô tả kế hoạch này là một phiên bản Trung Quốc của Kế hoạch Marshall mà Hoa Kỳ từng thực hiện sau thế chiến thứ hai để giúp chấn hưng các nền kinh tế Âu châu và tăng cường các mối quan hệ đồng minh chính trị. Họ nói rằng Một Vành Đai, Một Tuyến Đường có mục đích bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp thế giới.

Các giới chức Trung Quốc không thích cách mô tả như vậy. Thay vào đó, họ gọi sáng kiến này là “vận mạng chung” của Trung Quốc và những nước tham gia.

Ông Hồ Sĩ Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á của Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, nói “Đây không phải là Kế hoạch Marshall. Kế hoạch đó đã chia thế giới thành hai trận doanh. Chúng tôi muốn có sự hiệp thương và muốn giúp đỡ nhau để kiến thiết.”

Ông Hồ nói thêm rằng “Chúng tôi muốn xây một sân khấu, và sau khi xây xong, chúng tôi sẽ mời tất cả những người tham gia đến nhảy múa và ca hát trên sân khấu đó.”

Giáo sư Lý Minh Giang, điều hợp viên các chương trình Trung Quốc của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Singapore, cho biết trong số những nước rất ngần ngại không muốn tham gia có Việt Nam và Philippines. Việt Nam đã trải qua những cuộc rối loạn bài Trung Quốc hồi năm ngoái sau khi Bắc Kinh hạ đặt một giàn khoan dầu khổng lồ tại vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc phạm vi chủ quyền của mình. Philippines kiện Trung Quốc ra toà án trọng tài quốc tế vì những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với những hòn đảo mà Manila cho là của mình.

“Cũng có một cảm nghĩ trong các nước ASEAN là ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ gia tăng nhanh chóng hơn nhiều thông qua chương trình Con đường Tơ lụa,” giáo sư Lý cho biết.

Ngoài ra, còn có những mối lo ngại là Trung Quốc sẽ có thể làm mờ nhạt đi ảnh hưởng của ASEAN khi các nước hội viên nối kết bằng những tuyến đường trên bộ và trên biển do các công ty Trung Quốc xây dựng và được Trung Quốc tài trợ. Tuy là thành viên của nhóm ASEAN+1, Trung Quốc đã hai lần tìm cách loại bỏ vụ tranh chấp biển đảo ra khỏi chương trình thảo luận của các hội nghị ASEAN trong mấy năm gần đây. Mưu toan đó đã thất bại, nhưng sự thể có thể sẽ khác đi vì chương trình Con đường Tơ lụa.

Trong khi vụ tranh chấp ở Biển Đông tiếp tục gây ra nhiều mối căng thẳng, những bản đồ về Con đường Tơ lụa do truyền thông Trung Quốc phổ biến cho thấy đường này chạy qua những khu vực tranh chấp. Điều đó có thể gia tăng sự chống đối của các nước trong khu vực như Việt Nam và Philippines đối với kế hoạch này.

Một số cơ quan truyền thông Nga cũng đề cập tới mối rủi ro là chương trình Một Vành Đai Một Tuyến Đường mâu thuẫn với sáng kiến Á Âu của Moskova và giúp cho Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng của Nga tại các quốc gia vùng Trung Á.

Chương trình của Trung Quốc cũng có thể đối mặt với sự kháng cự tại Sri Lanka, là nước vừa trải qua một cuộc bầu cử trong đó có những cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề thảm hoạ trong các dự án do Trung Quốc hỗ trợ. Tân chính phủ ở Colombo đã đình chỉ một dự án như vậy liên quan tới kế hoạch xây dựng một thành phố cảng.

Các nhà phân tích cho biết vào lúc này Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang dùng Một Vành Đai Một Tuyến Đường như một phép thử nhanh để xác định mức độ hợp tác của nhiều nước khác nhau.

Theo dự liệu, Bắc Kinh cũng sẽ dùng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á châu AAIB mà họ mới thành lập để xây dựng các tuyến giao thông và thực hiện những dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường cho các tuyến giao thương mới. Ngân hàng mới có sự hậu thuẫn của 57 nước, trong đó có Anh, Pháp và Đức.

Các nhà phân tích ở Trung Quốc cho biết Bắc Kinh có lập trường linh động trong việc điều đình với các đối tác thương mại. Họ nêu ra lập trường cởi mở của Trung Quốc đối với “Dự án Mausam” của Ấn Độ nhằm phát triển các tuyến thương mại xung quanh Ấn Độ dương.

“Chúng tôi sẽ dùng nhiều diễn đàn khác nhau – song phương, tam phương, đa phương, AIIB – để khắc phục các vấn đề khó khăn. Trong trường hợp có sự bất đồng về một dự án giữa hai hoặc ba nước, họ phải ngồi lại với nhau để giải quyết,” cựu Đại sứ Diêu Bồi Sinh cho biết.

Trung Quốc cũng thực hiện những sự sửa đổi khác để lôi cuốn các nước tham gia. Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây nói rằng Bắc Kinh không bám chặt vào bản đồ của tuyến đường, và việc lựa chọn địa điểm thực hiện dự án sẽ do các nước liên hệ định đoạt. Họ cũng bác bỏ một bản đồ của cơ quan thông tấn nhà nước và cho biết tuyến đường sẽ được chung quyết thông qua hiệp thương với các nước tham gia.

Dự án nhiều tham vọng này rốt cuộc có thể tạo ra những dự án phí phạm rất nhiều tiền bạc và thời giờ, theo nhận xét của hai ông Scott Kennedy và David Parker trong một bài viết trên trang nhà của CSIS. “Xét theo thành tích tệ hại của các công ty xây dựng Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài (trong đó có việc thường xuyên ngược đãi công nhân địa phương), một sự tăng mạnh trong các hoạt động của họ ở nước ngoài làm gia tăng mối rủi ro xảy ra những phản tác dụng chính trị làm cho hình ảnh của Trung Quốc bị tổn hại hoặc mang lại bất ổn cho nước chủ nhà, nhất là trong trường hợp các nỗ lực đó không mang lại những lợi ích lâu dài cho các nên kinh tế địa phương,” hai nhà nghiên cứu này cho biết.

Giáo sư Lý Minh Giang của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Singapore nói với đài VOA “Trung Quốc cho thấy họ muốn tìm kiếm những cách thức để tài trợ cho những dự án ở nhiều nước khác nhau. Đây là sự hấp dẫn lớn nhất đối với chương trình Một Vành Đai Một Tuyến Đường ở Đông Nam Á vì hầu hết các nước đều cần cải thiện cơ sở hạ tầng.”

Các nước vùng Trung Á cảm thấy phấn khởi trước triển vọng nhận được tài trợ của Trung Quốc vì kinh tế của họ đã bị khốn đốn vì giá dầu mỏ hạ thấp và kiều hối từ Nga bị sút giảm.

Trung Quốc đã dành 40 tỉ đô la cho Quỹ Con đường Tơ lụa mới được thành lập, trong khi Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á châu đang được thành lập với số vốn 100 tỉ đô la. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết khoản tiền thật sự có thể được sử dụng cho chương trình này có thể sẽ cao hơn tới 3 hoặc 4 lần. Những nguồn lực phụ trội có thể có được qua việc phát hành trái phiếu đặc biệt hoặc vay vốn nhẹ lãi từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc có bản doanh ở Bắc Kinh.

Ngay cả những nước có thái độ nghi ngại cũng đang dần dần bị chương trình này lôi cuốn chính vì vấn đề tài trợ. Và mặc dù Hoa Kỳ chỉ trích Ngân hàng AIIB và bày tỏ nghi ngại đối với Dự án Con đường Tơ lụa, nhiều nước nhận thấy sự hứa hẹn về những khoản cho vay nhẹ lãi và những cơ sở hạ tầng mới là một sức hút khá mạnh.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG