Đường dẫn truy cập

Philippines: Lấn biển lấy đất của TQ ở Biển Đông gây thiệt hại kinh tế


Một thủy thủ Philippines thao dợt sử dụng các khẩu súng trên chiến hạm BRP Gregorio del Pilar
Một thủy thủ Philippines thao dợt sử dụng các khẩu súng trên chiến hạm BRP Gregorio del Pilar

Philippines cho biết những hoạt động lấp biển lấy đất mà Trung Quốc thực hiện tại những bãi đá có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là có hại cho môi trường và gây ra nhiều thiệt hại kinh tế cho các nước láng giềng. Thông tín viên VOA Simone Orendain tường thuật từ Manila.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết những hoạt động lấp biển lấy đất của Trung Quốc tại 7 bãi đá san hô của quần đảo Trường Sa ở Biển Đông gây ra những thiệt hại kinh tế lên tới 100 triệu đô la mỗi năm cho các nước láng giềng.

Hôm nay, bộ này cho biết 121 héc ta san hô đang bị phá huỷ trong lúc các hòn đảo nhân tạo bắt đầu thành hình. Những rạn san hô này là nơi nuôi dưỡng các loại sinh vật biển vô cùng phong phú trong khu vực.

Philippines chỉ đòi hỏi chủ quyền đối với một trong 7 bãi đá đó, trong lúc Trung Quốc có yêu sách đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Trong một thông cáo công bố hôm Thứ năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng các công ty xây dựng của họ áp dụng “những tiêu chuẩn cao về môi trường” và hệ sinh thái biển “sẽ không bị tổn hại.” Bà Hoa nói thêm rằng một khi được xây xong các đảo nhân tạo sẽ đáp ứng các nhu cầu dân sự và thỏa mãn “những nhu cầu quốc phòng.”

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines, ông Peter Galvez, nói rằng những hòn đảo mới này trên cơ bản sẽ mang lại cho Trung Quốc “quyền kiểm soát toàn bộ khu vực.”:

"Những đảo đó trên thực tế sẽ thay đổi hoản cảnh an ninh trong vòng 3 năm tới, trong trung hạn hoặc trong vòng từ 3 đến 4 năm."

Ông Galvez so sánh việc Trung Quốc cải tạo các bãi đá với việc “một cậu học sinh lớp năm giành lấy phần ăn trưa của một em bé lớp mẫu giáo.”

Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau ở Biển Đông.

Philippines đã kiện Trung Quốc ra trước Toà án Trọng tài Thường trực vì Bắc Kinh đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc bác bỏ sự trọng tài và không tham gia vụ tranh tụng này.

Trong cùng ngày bà Hoa Xuân Oánh nói về hoạt động lấp biển lấy đất, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phát biểu tại một cuộc nói chuyện ở Jamaica rằng “Trung Quốc đang ỷ vào kích cỡ và sức mạnh của mình để ép buộc các khác vào những vị trí phải tuân phục.” Ông Obama đã nói như vậy sau khi nhiều giới chức cấp cao của chính phủ Mỹ đưa ra những nhận định tương tự.

Cuối tuần vừa qua, Bộ Ngoại giao Philippines phổ biến một thông cáo nêu rõ các tuyên bố của Mỹ và chỉ ra rằng “đang có sự quan tâm mỗi ngày một nhiều của quốc tế” đối với những hoạt động cải tạo biển đảo của Trung Quốc. Manila nói rằng những hoạt động đó “mâu thuẫn với luật pháp quốc tế.”

Ông Carl Thayer, một nhà phân tích an ninh của Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng cách tiếp cận của Philippines đối với vấn đề này là chống lại những lập luận của Trung Quốc trong lúc cố gắng thuyết phục các nước khác xem xét vụ tranh chấp này từ quan điểm của Manila:

"Để có thể tranh thủ thêm nữa sự ủng hộ ở nước ngoài, đặc biệt là ở Đông Nam Á, là nơi mà những vấn đề môi trường là những vấn đề được nhiều người quan tâm. Đây chỉ là một sợi giây khác nữa trong cây cung của họ. Điều quan trọng ở đây là: ý đồ của Trung Quốc là gì? Nhưng cũng cần phải nêu câu hỏi là khi quí vị bắt đầu mang đất đá và xi măng đổ lên những rạn san hô như vậy thì sẽ có những ảnh hưởng như thế nào?"

Tuy không nêu tên Hoa Kỳ, Trung Quốc nói rằng những nước không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông chớ nên ngả về bên nào trong vụ tranh chấp và “nên làm nhiều hơn để thăng tiến hoà bình và ổn định của khu vực.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG