Chuyến thăm quan trọng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nam Á trong tuần qua là một cơ hội cho Trung Quốc nỗ lực giảm bớt những căng thẳng với nước láng giềng to lớn Ấn Độ. Đây cũng là dịp để quảng bá điều Bắc Kinh gọi là 'Con đường Tơ lụa trên Biển'.
Cũng như những nỗ lực của Bắc Kinh kết nối với Trung Á, nơi Trung Quốc đang quảng bá một 'Con đường Tơ lụa Mới' và tìm cách mở rộng lưu lượng hàng hoá và dịch vụ Trung Quốc, con đường hàng hải chú trọng đến những mối liên hệ thương mại của Trung Quốc trên biển. Để giúp đẩy mạnh nỗ lực trong nước và tại nước ngoài, nhà cầm quyền Trung Quốc nêu lên tên của một trong những người đi biển nổi tiếng của Trung Quốc, một thái giám thế kỷ 15 có tên là Trịnh Hòa.
Ông Trịnh Hòa trưởng thành bên bờ hồ Điền Trì, cách thủ phủ Côn Minh tỉnh Vân Nam ngày nay khoảng 1 giờ đồng hồ về phía nam.
Ông Trịnh nổi tiếng nhờ những chuyến đi ra nước ngoài. Bảy chuyến đi của ông đưa ông qua vùng Nam Á, Trung Đông và ngay cả đến bờ biển phía đông châu Phi. Những chuyến đi này cũng giúp Trung Quốc có một vị thế đặc biệt trên toàn cầu.
Ông Hứa Khoa Minh, giám đốc viện bảo tàng Trịnh Hoà tại Tấn Ninh, quê nhà của ông Trịnh Hoà nói “Mỗi chuyến đi biển, ông Trịnh Hoà tập họp một đội thuyền gồm 200 chiếc, trải dài 4 kilômét trên biển. Ông Hứa nói thêm là mỗi chiếc thuyền của ông Trịnh Hoà dài 44 mét và lúc bấy giờ khi Trung Quốc làm chủ Ấn Độ Dương, không quốc gia nào dám xâm phạm lãnh thổ nước này.”
Vị thế vượt trội này không kéo dài lâu khi Trung Quốc quay về trong nước sau khi ông Trịnh Hoà qua đời. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo thời nay của Trung Quốc như Đặng Tiểu Bình tìm thấy ý nghĩa trong lịch sử Trịnh Hoà và sứ mạng của ông. Ông Đặng là người tiên phong trong việc mở cửa kinh tế Trung Quốc vào những năm 1980.
Ông Hứa phát biểu: "Ông Đặng nói trong 2.000 năm lịch sử của nước này,Trung Quốc chưa bao giờ mở cửa cho thế giới như thời kỳ có những chuyến đi của ông Trịnh Hoà và sau đó việc này giảm dần dưới triều đại Minh và Thanh."
Ông Hứa nói tiếp: “Vì việc này, ông Đặng nói Trung Quốc không thể đóng cửa đối với phần còn lại của thế giới và ông cho rằng ông là một Trịnh Hoà thứ hai.”
Kể từ tháng 10 năm ngoái, khi đọc diễn văn trước Quốc hội Indonesia , Chủ tịch Tập Cận Bình quảng bá “Con đường Tơ lụa trên Biển.” Trong bài diễn văn này, ông Tập Cận Bình đề cập đến ông Trịnh Hoà nhấn mạnh đến việc ông Trịnh Hoà dừng chân tại Indonesia trong cả 7 chuyến đi của ông.
Chính sách Con đường Tơ lụa nhấn mạnh đến việc phát triển các mối quan hệ thương mại của Trung Quốc, nhưng hầu hết không rõ rệt về mục đích rộng rãi của chính sách này, làm cho một số nước láng giềng lo ngại, đặc biệt khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông.
Một mục tiêu của chiến lược Con đường Tơ lụa trên Biển là xây dựng trên mối quan hệ thương mại lịch sử và đẩy mạnh việc chấp nhận rộng rãi hơn đồng tiền Trung Quốc theo như nhận xét của ông Giả Tiến Nguyên. một kinh tế gia tại Viện Nghiên cứu Tài chánh Triều Dương thuộc trường đại học Nhân Dân.
Ông Giả nói trong khi ông Tập có mặt tại Sri Lanka, ông nói về việc củng cố những sự trao đổi tài chánh.
“Trong khi Sri Lanka không phải là một đối tác quan trọng trong hệ thống tài chánh toàn cầu, vị trí của nước này về mặt thương mại và khuynh hướng lý tưởng cho những trao đổi tài chánh và dịch vụ.”
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nhưng không giống hầu hết những nước khác đồng tiền của nước này không mở rộng giao dịch trên các thị trường trên toàn thế giới. Tuy nhiên dần dần, Trung Quốc mở rộng việc buôn bán đồng tiền nước này. Trước đây trong năm, Pháp, Nam Triều Tiên và Đức được thêm vào danh sách các nước nơi đồng tiền có thể được trao đổi.
Trong chuyến viếng thăm Sri Lanka, ông Tập Cận Bình tham dự buổi lễ động thổ xây một cảng mới trị giá 1,4 tỉ đô la do Trung Quốc tài trợ.
Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa đã cho ông Tập sờ lên một phiến đá ghi những chuyến đi của ông Trịnh Hoà. Phiến đá có tên là Galle Trilingual Inscription, được tìm thấy vào đầu những năm 1900, viết bằng chữ Tamil, Trung Quốc và Ba Tư.