Vấn đề buôn người ở Thái Lan vẫn tiếp tục bị giám sát

  • Luke Hunt

Thái Lan đã trải qua một sự gia tăng trong tình trạng buôn người, nhất là các em gái, trong những năm gần đây

Giới hữu trách Thái Lan đang cố gắng chống chọi trước việc có thể bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hạ cấp bậc trong danh sách theo dõi các nước có thành tích tệ hại nhất về chống nạn buôn người. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Luke Hunt ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Thoạt đầu, Thái Lan được xếp loại trong Bảng Hai của danh sách các nước bị theo dõi về nạn buôn người trong năm 2010 vì không hội đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để giải quyết nạn buôn người. Nếu không có dấu hiệu cải thiện nào sau 2 năm ở mức đó thì nước đó sẽ tự động bị tụt xuống hạng chót, tức Bảng Ba trong danh sách cùng với Bắc Triều Tiên, Cuba và Miến Điện.

Sự kiện này có khả năng châm ngòi cho các biện pháp chế tài phi nhân đạo.

Các tổ chức như Human Rights Watch và Quỹ Mirror nói rằng Thái Lan đã trải một sự gia tăng trong tình trạng buôn người, nhất là các em gái, trong những năm gần đây, khiến nước này có nguy cơ bị liệt chung vào danh sách các nước có vấn nạn này nghiêm trọng nhất.

Phó giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức Human Rights Watch, ông Phil Robertson nói tại một cuộc thảo luận của ủy ban ở Câu lạc bộ Ký giả Nước ngoài Thái Lan rằng nhà chức trách đã thông qua các luật lệ có hiệu quả đủ để ngăn chặn ngọn triều buôn người, nhưng đã vấp phải sự miễn cưỡng trong việc bênh vực quyền của các nạn nhân.

Ông Robertson nói: “Nạn buôn người phải được hiểu trong bối cảnh có từ 2 đến 3 triệu công nhân dí trú từ Lào, Campuchia, và Miến Điện hiện đang ở Thái Lan, nhiều người không có giấy tờ tùy thân hay không được tiếp cận với bất kỳ hệ thống nào giúp đỡ họ.”

Ông Robertson nói ngay cả những người bị cáo buộc là phá vỡ các đường dây buôn người cũng đồng lõa trong việc ngược đãi các công nhân bất hợp pháp.

Ông Robertson nói: “Chính cảnh sát cũng tham lam một cách trắng trợn. Họ coi công nhân di trú như một cơ hội để tống tiền, hạch sách, và chúng tôi có những câu chuyện về những trường hợp cảnh sát có dính líu đến các vấn đề buôn người.”

Lời chỉ trích đã trở nên đặc biệt gay gắt sau khi một bản phúc trình sơ khởi được công bố năm ngoái bởi Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nạn buôn người. Phúc trình này chỉ trích Thái Lan về mạng lưới pháp lý yếu kém và manh mún về nạn buôn người, tình trạng tham nhũng thâm căn trong giới thi hành công lực, và sự yếu kém trong việc xác định các nạn nhân.

Bản phúc trình được sự hậu thuẫn của ông Ealak Loomchomkhae thuộc Quỹ Mirror.

Ông nói với một ủy ban qua lời người thông dịch rằng đã có sự gia tăng trong số trẻ gái từ 11 đến 15 tuổi bị buôn bán vào ngành mại dâm. Vì còn trong tuổi vị thành niên, các em không buộc phải làm việc từ các nhà chứa hay các quán bar karaoke, mà được chở thẳng tới tư gia của các khách hàng.

Ông Loomchomkhae nói sự kiện này gây khó khăn cho việc phát hiện mức độ thực sự của vấn đề.

Ông Loomchomkhae cho biết: “Các khách hàng của những em này, nhiều người là công chức chính phủ hoặc những người nổi tiếng trong khu vực ở địa phương, vì thế rất khó mà theo dõi họ hay có bất kỳ biện pháp nào đối oví họ.”

Phó Tổng giám đốc đặc trách các Tổ chức Quốc tế của Bộ Ngoai giao Thái, Chutintorn Gongsakdi bênh vực các nỗ lực chống buôn người của chính phủ, trong khi phải đối phó với nhiều thách thức trong những năm vừa qua.

Ông Gongsakdi nói: “Chúng tôi là một nước có thu nhập trên trung bình, theo các thành viên của ủy ban về quyền của trẻ em, và kèm theo tư thế đó là kỳ vọng lớn hơn và chúng tôi không dễ dàng gì mà đáp lại với những kỳ vọng đó. Nhưng chúng tôi có thiện chí, chúng tôi biết chúng tôi có những trách nhiệm đó.”

Ông Gogskadi nói thêm rằng chính phủ của ông cũng đã chấp nhận hơn 130 đề nghị từ bản phúc trình của Báo cáo viên đặc biệt. Nhưng các chuyên gia nói các biện pháp đó có thể không đủ để lay chuyển Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Thái Lan xuống Bảng Ba trong phúc trình năm 2012, dự kiến sẽ được công bố vào tháng 6.