Đường dẫn truy cập

Mỹ: Quân đội Miến Điện phải chịu trách nhiệm về vấn đề buôn người


Đại sứ Mỹ đặc trách vấn đề chống buôn người Luis CdeBaca
Đại sứ Mỹ đặc trách vấn đề chống buôn người Luis CdeBaca

Ông Luis CdeBaca, đại sứ Mỹ đặc trách vấn đề buôn người, vừa lên tiếng đòi hỏi các sĩ quan Miến Điện phải chịu trách nhiệm về bất kỳ sự tham gia nào vào hoạt động buôn người hoặc tuyển mộ binh sĩ trẻ em. Các nhà bảo vệ nhân quyền nói, chấm dứt tình trạng dung dưỡng quân đội Miến tham gia vào hoạt động buôn người được xem là một trắc nghiệm quan trọng đối với chính phủ dân sự mới.

Sau khi kết thúc chuyến đi chính thức tại Miến Điện, đại sứ Mỹ đặc trách vấn đề buôn người Luis CdeBaca nói ông vẫn lạc quan về việc chính phủ dân sự sẽ có biện pháp hạ giảm lao động cưỡng bách và tuyển mộ binh sĩ trẻ em.

Nhưng ông nói các sĩ quan cao cấp cần phải chịu trách nhiệm về các vụ lạm dụng nhân quyền và lao động cưỡng bách:

“Một trong những điều quan trọng là vấn đề trách nhiệm của các sĩ quan, những người sử dụng thường dân trong lao động cưỡng bách cũng như những người liên can đến tuyển mộ binh sĩ trẻ em. Có một số vụ truy tố về tuyển mộ binh sĩ trẻ em nhưng tất cả chỉ liên quan đến những người cấp dưới.”

Một phúc trình năm 2011 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch cho biết trong nhiều thập niên, quân đội Miến Điện đã buộc thường dân phải liều mạng trong những “điều kiện man rợ” để thực hiện các cuộc hành quân chống lại phiến quân.

Phúc trình trên cho biết các sĩ quan và binh lính Miến Điện thường đối mặt những cáo buộc “vi phạm ghê gớm mà không bị trừng phạt”.

Phúc trình nói thêm, các nhóm phiến quân sắc tộc cũng bị cáo giác sử dụng bừa bãi bom mìn, sử dụng thường dân làm lao động cưỡng bách và tuyển mộ binh sĩ trẻ em.

Bản phúc trình hàng năm của Hoa Kỳ về tình trạng buôn người trên thế giới cho biết Miến Điện đã không tuân thủ những tiêu chuẩn tối thiểu hoặc có những nỗ lực nghiêm túc để ngăn chặn buôn người.

Ông CdeBaca nói rằng các giới chức Miến Điện thừa nhận về các vấn nạn trên, và theo ông đó cũng là điều “đáng khích lệ.”

Ông nói những bước của Miến nhằm đối phó với các với nạn buôn người còn phải bao gồm việc hợp tác với các nước láng giềng, chẳng hạn như Malaysia và Thái Lan.

Bà Debbie Stothard, phát ngôn viên nhóm nhân quyền Alternative ASEAN Network, nói cộng đồng quốc tế sẽ cần phải duy trì áp lực lên chính phủ Miến Điện để họ tiếp tục cải tổ. Bà nói:

“Khi chúng ta cứu xét tình hình buôn người và bóc lột trẻ em, chúng ta thực sự phải đối phó với tình trạng dung dưỡng, chúng ta cũng cần giải quyết vấn đề những khối lượng lớn dân chúng phải sơ tán vì những cuộc tấn công của quân đội và những dự án phát triển có hại.”

Miến Điện đang tìm cách cải thiện bang giao quốc tế để các biện pháp chế tài kinh tế và chính trị được nới lỏng, hầu mở đường cho đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế. Nhưng cộng đồng quốc tế cho biết Miến Điện còn cần phải cải tổ thêm nữa, kể cả việc phóng thích tất cả tù chính trị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG