Giới hữu trách Miến Điện hôm nay cho biết tổng cộng 651 tù nhân sẽ được phóng thích theo một lệnh ân xá được Tổng thống Thein Sein chấp thuật để thúc đẩy hòa giải dân tộc.
Các tù nhân được ân xá kỳ này gồm một số nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất trong các phong trào dân chủ bất thành, các cựu giới chức bị thất sủng, và các ký giả.
Trong số này có lãnh tụ sinh viên trong vụ nổi dậy đòi dân chủ năm 1988 là ông Min Ko Naing, lãnh đạo các vụ biểu tình của các nhà sư Phật giáo năm 2007, ông U Gambira, và thủ lãnh người sắc tộc Shan Khun Tun Oo, đang thụ án tù 93 năm về tội nổi loạn.
Chính quyền Miến Điện cũng trả tự do cho cựu thủ tướng kiêm trưởng ban tình báo Khin Nyunt, đã bị thanh trừng vào năm 2004 cùng với hàng chục đồng sự.
Ông Aung Khaing Min, thuộc Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Miến Điện, nói rằng tổ chức của ông hoan nghênh những vụ phóng thích và trông đợi tất cả khoảng 400 tù nhân chính trị sẽ được trả tự do.
Nhưng ông cảnh báo rằng, khác với các vụ ân xá trước đây, các bản án chỉ được đình lại chứ không được giảm:
“Chính phủ có thể bỏ tù họ trở lại bởi vì điều kiện tha chỉ có tính cách tạm thời hay tạm hoãn mà thôi.”
Tổ chức vừa kể nói trong khi nhiều tù nhân chính trị nổi tiếng được thả, vẫn còn hàng trăm người bị giam giữ.
Chính phủ Miến Điện được quân đội hậu thuẫn từ chối không chính thức thừa nhận các tù nhân chính trị, và gán cho họ là các thường phạm.
Ông Aung Khaing Min nói các tù nhân thuộc các tổ chức sắc tộc có vũ trang hay bị bỏ tù theo các luật lệ di trú sẽ không được bao gồm trong cuộc phóng thích này.
Ông nói thêm rằng có nhiều luật lệ cần phải sửa đổi để ngăn việc có thêm các nhân vật bất đồng chính kiến bị bỏ tù:
“Tỷ như bộ luật Giao dịch Điện tử chẳng hạn, được ban hành vào năm 2004, nhằm bỏ tù những người hoạt động chính trị với các án tù dài hạn hơn. Và tỷ như Điều 71 và 72 của Bộ Luật Hội họp bất hợp pháp, là những luật lệ thường được sử dụng để đàn áp đối lập hay bất đồng chính kiến.”
Phóng thích tất cả tù nhân chính trị là một điều kiện mà các quốc gia Tây phương đưa ra để bãi bỏ các biện pháp chế tài kinh tế Miến Điện.
Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu và các nước khác hạn chế giao dịch thương mại với Miến Điện vì những vụ quân đội sách nhiễu và đàn áp dân chủ.
Lệnh ân xá tù nhân được đưa ra vào lúc dân biểu Hoa Kỳ Joe Crowley, một nhân vật chủ chốt ủng hộ chế tài, đang đến Miến Điện để họp với các giới chức và lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi.
Liên minh Toàn quốc Tranh đấu cho Dân chủ của bà là một tổ chức lớn ủng hộ các biện pháp chế tài để duy trì áp lực đòi nhà cầm quyền cải tổ.
Khôi nguyên giải Nobel hòa bình đã được phóng thích khỏi tình trạng quản thúc tại gia vào năm 2010 chỉ vài ngày sau khi các cuộc bầu cử gây tranh cãi đưa Tổng thống Thein Sein lên nắm quyền.
Chính phủ dân sự trên danh nghĩa của ông này nhậm chức vào tháng 3 thay thế nhiều năm công khai quân trị.
Giới chỉ trích nói cuộc bầu cử chỉ củng cố thêm sức mạnh của quân đội dưới chiêu bài dân chủ.
Nhưng Tổng thống Thein Sein đã gây bất ngờ cho các quan sát viên qua một loạt các cải cách, trong đó có việc mở các cuộc đàm phán trực tiếp với bà Aung San Suu Kyi, mưu tìm hòa bình với các nhóm sắc tộc nổi dậy, và phóng thích hàng trăm tù nhân chính trị.
Miến Điện đã phóng thích nhiều tù nhân chính trị nổi tiếng trong một bước đáng kể hướng tới việc chấm dứt các biện pháp chế tài kinh tế Tây phương nhắm vào nước này. Lệnh ân xá của Tổng thống đã nhận được sự hoan nghênh một cách dè dặt của các tổ chức nhân quyền, là giới đưa ra cảnh báo rằng các nhân vật bất đồng chính kiến vẫn không được bảo vệ về mặt pháp lý.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1