Thượng nghị sỹ cao cấp nhất của đảng Cộng hòa đã ra trước Thượng Viện gửi đi một thông điệp đầy hy vọng và lạc quan dè dặt về tình hình Miến Điện, một quốc gia ông mô tả là nằm trong số những nước ”cô lập và bị đàn áp nhất” của thế giới.
Ông nói: ”Nhiều người trong chúng ta đã tự hỏi là liệu sẽ có gì thay đổi tại Miến Điện hay không. Sau chuyến đi của tôi, tôi hài lòng mà nói rằng rõ ràng là đang có thay đổi. Dường như trong 6 tháng qua Miến Điện đã có những tiến bộ, tiến bộ hơn tất cả những gì mà họ đạt được mấy chục năm. Tôi có thể thông báo cho quí đồng viện biết đây là điều đáng hoan nghênh.”
Ông Mitch McConnell là tác giả hàng đầu của những đạo luật trừng phạt Miến Điện hằng năm.
Ông ca ngợi cuộc chuyển đổi sang quyền cai trị dân sự và việc trả tự do cho các tù nhân chính trị, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, một người từng bị quản thúc tại gia trong hầu hết khoảng thời gian 20 năm qua.
Ông đã gặp bà Suu Kyi tại Rangoon trong tuần qua. Ông phát biểu:
”Sự dũng cảm và lòng kiên trì của bà khiến cho sự chậm trễ thực thi công lý không trở thành công lý bị tước đoạt; bà Aung San suu Kyi đã giữ cho ngọn lửa hy vọng về quyền tự do trong quốc gia của bà vẫn thắp sáng. Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ có cơ hội đích thân gặp được khôi nguyên giải Nobel hòa bình. Kính thưa ông Chủ tịch Thượng viện, đây thật là một giây phút đáng ghi nhớ.”
Ông McConnell cho biết chính phủ Miến đã đưa ra “những bước tiến tốt đẹp không thể chối cãi để tiến tới cải tổ,” và đã đồng ý trao đổi đại sứ giữa Washington và Rangoon, nhưng ông nói cần phải làm nhiều hơn nữa. Ông cho biết tiếp:
”Chính phủ Miến vẫn còn một quãng đường rất dài phải đi để tiến tới cải tổ đích thực và bền vững. Tôi không ủng hộ, và tôi không nghĩ là chính quyền của Tổng thống Obama sẽ ủng hộ việc hủy bỏ lệnh chế tài của Hoa Kỳ đối với Miến Điện trừ phi có thêm thật nhiều tiến bộ. “
Thượng nghị sỹ McConnell đề cập đến cuộc bầu cử quốc hội sắp tới như một trắc nghiệm quan trọng cho sự tiến bộ đó, và hối thúc tiến tới hòa giải toàn diện giữa chính phủ với các sắc dân thiểu số trong nước. Ông cũng đòi tiết lộ đầy đủ về những thỏa thuận của Miến Điện với Bắc Triều Tiên.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Washington Post, Tổng thống Miến Điện tranh luận rằng quốc gia ông đã tuân thủ những đòi hỏi của Tây phương, và nói thêm ông muốn thấy các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ giảm bớt và cuối cùng sẽ được hủy bỏ hoàn toàn.
Một nhà làm luật hàng đầu của Hoa Kỳ đang ca ngợi những cải tổ chính trị tại Miến Điện, nhưng nói cần phải có thêm thay đổi. Lãnh đạo đảng Cộng Hòa thiểu số tại Thượng Viện Mitch McConnell vừa trở về sau chuyến thăm Miến Điện, nơi đây ông đã gặp bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ dân chủ từng được trao giải Nobel Hòa bình, và tổng thống Thein Sein.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1