Đường dẫn truy cập

Thái Lan cảnh báo sẽ xảy ra thêm các vụ đánh bom ở miền Nam


Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra thăm một nạn nhân của các vụ đánh bom hôm thứ Bảy tại một bệnh viện ở Hat Yai, tỉnh Songkhla, miền nam Thái Lan, ngày 2/4/2012
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra thăm một nạn nhân của các vụ đánh bom hôm thứ Bảy tại một bệnh viện ở Hat Yai, tỉnh Songkhla, miền nam Thái Lan, ngày 2/4/2012

Giới hữu trách Thái Lan cảnh báo sẽ xảy ra thêm những vụ tấn công nổi dậy tại miền Nam Thái Lan, sau khi nhận diện các nghi can trong các vụ đánh bom hôm thứ Bảy vừa rồi khiến 14 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương. Thông tín viên VOA Ron Corben tại Bangkok ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Hôm nay, giới hữu trách Thái Lan cho hay họ đã nhận diện các băng đảng nổi dậy bị tố cáo chủ mưu một loạt các vụ đánh bom tại các thương xá ở nam bộ Thái Lan.

Cảnh sát nói các vụ đánh bom là công trình của một nhóm nổi dậy ngoan cố hoạt động tại tỉnh Yala. Hôm nay, thủ tướng Yingluck Shinawatra đã đáp máy bay đi thăm những người bị thương và nói chuyện với các giới chức an ninh địa phương.

Một vụ tấn công vào bãi đậu xe của một khu thương xá đã khiến 3 người thiệt mạng, trong đó có một người đàn ông Malaysia, tại thủ phủ Hay Yai. Tại thị trấn Yala kế đó, một chiếc xe tải bỏ mui đã phát nổ, phá tung một con đường với các tiệm ăn và cửa hàng trong một khu thương mại đầy ắp người mua bán trước ngày Tết sắp tới của Thái Lan.

Ông Sunai Pasuk, một nhà nghiên cứu của tổ chức Aân xá Quốc tế, nói vụ tấn công vào khu khách sạn đánh dấu một bước mới trong các hoạt động của phe nổi dậy.

Theo ông Pasuk, về mặt chiến thuật, rõ ràng là vụ tấn công, nhất là vụ xảy ra ở Hat Yai, cho thấy một mức độ tinh vi cao về kỹ thuật. Sự kiện các phần tử nổi dậy đậu chiếc xe chở đầy thiết bị nổ tự chế gần các thùng khí lỏng để gây nhiệt với ý định đốt cả khu nhà khách sạn, là một điều mới chưa từng thấy bao giờ.

Kể từ năm 2004, cuộc nổi dậy tại các tỉnh với đa số người Hồi giáo Yala, Songkla, Pattani, và Narathiwat, nằm ở biên giới giáp với Malaysia, đã gây thiệt mạng gần 5 ngàn người, bất chấp các chi phí to lớn dành cho các hoạt động an ninh.

Phần lớn các vụ tấn công đều tập trung vào các cá nhân hay viên chức nhà nước như các giáo viên, các giới chức địa phương và các tu sĩ Phật giáo, cũng như những người Hồi giáo ủng hộ chính phủ trung ương.

Các chuyên gia phân tích nói rằng qua việc nhắm mục tiêu vào các khu thương mại trong những vụ tấn công mới nhất, các phần tử nổi dậy dường như muốn tìm cách gây thiệt hại cho nền kinh tế địa phương.

Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra vừa tái khởi động cuộc đối thoại với các thủ lãnh nổi dậy có căn cứ ở bắc Malaysia. Nhưng ông Sunai Pasuk cho rằng cuộc tiếp xúc đó dường như đã thất bại.

Theo ông Pasuk, để đáp lại cuộc đối thoại đó, phe nổi dậy ở hiện trường tại Thái Lan đã có phản ứng bạo động bằng cách chứng tỏ rằng bất chấp cuộc đối thoại, họ vẫn là người làm chủ tình hình hàng ngày. Họ là những người chỉ huy mọi việc và quyết định ai sẽ bị tấn công và vào thời điểm nào.

Ông Panitan Wattanayagorn, một chuyên gia về an ninh tại trường Đại học Chulalongkorn, nói rằng những vụ đánh bom cũng cho thấy có sự phối hợp ngày càng nhiều giữa các nhóm nổi dậy.

Chuyên gia này nói các nhóm chủ chiến đã bắt đầu loan báo hồi đầu năm rằng họ sẽ tăng cường hoạt động để làm áp lực các cấp sĩ quan, nhất là chống lại quân đội ở nhiều khu vực. Khả năng của những người này tuy nhìn qua những quả bom thì không khác mấy, nhưng khả năng phối hợp nhiều quả bom cùng một lúc là điều khá mới lạ.

Tình trạng khẩn trương đã được thiết lập từ năm 2005, dành cho quân đội quyền hành rộng rãi được bắt giữ người. Nhưng luật này cũng đã châm ngòi cho những cáo buộc lực lượng an ninh vi phạm nhân quyền.

Nhiều thanh niên ở các tỉnh miền nam cũng lâm vào tình trạng thất nghiệp cao, góp phần vào tình trạng chia rẽ và lạm dụng ma túy.

Đã có thời là một vương quốc hồi giáo, khu vực này bị sát nhập vào Thài Lan hồi đầu thế kỷ thứ 20 và đã lâm vào nhiều thời kỳ nổi dậy.

Nhiều người ở miền nam than phiền về tình trạng phân biệt đối xử của chính phủ trung ương. Những lời kêu gọi của các tổ chức Hồi giáo ôn hòa và các tổ chức nhân quyền đòi phân tán quyền của chính phủ trung ương đã bị lực lượng an ninh bác bỏ, vì nói rằng các quyết định đó đe dọa đến sự thống nhất quốc gia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG