Chủ tịch nước Tô Lâm, người mới lên nắm giữ chức tổng bí thư Việt Nam, hôm 8/8 điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và khẳng định đường lối đối ngoại đa phương hóa của Việt Nam cũng như muốn củng cố phát triển quan hệ chiến lược với Moscow, theo truyền thông trong nước.
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Lâm với ông Putin kể từ khi vị chủ tịch nước Việt Nam được bầu làm tổng bí thư Đảng hôm 3/8. Ông Putin hôm 4/8 đã gửi thư chúc mừng tới ông Lâm với chức vụ mới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, thay thế ông Nguyễn Phú Trọng đã qua đời.
Ông Putin đã đề nghị điện đàm để trực tiếp chúc mừng ông Lâm sau khi bày tỏ qua thư, theo Tuổi Trẻ và VietNamNet.
Các bản tin trên hai tờ báo này cho thấy những thông tin tương tự về cuộc điện đàm giữa ông Lâm và ông Putin, trong đó nói rằng tổng thống Nga nhắc lại “những kỷ niệm tốt đẹp” nhân chuyến thăm hồi tháng 6, khi đó ông Putin đã gặp các lãnh đạo tứ trụ của Việt Nam, bao gồm ông Lâm và ông Trọng.
Theo Tuổi Trẻ và VietNamNet, ông Putin bày tỏ tin tưởng “đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục thành công hơn nữa.”
Ông Lâm cũng đã nhận được điện chúc mừng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng chưa có thông tin công khai nào từ Hà Nội và Bắc Kinh cho thấy ông đã nói chuyện với ông Tập sau khi trở thành tổng bí thư Việt Nam.
Trong cuộc điện đàm với ông Putin từ trụ sở Trung ương Đảng ở Hà Nội hôm 8/8, ông Lâm được các báo trích lời nói rằng “Việt Nam kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.”
Việt Nam trong năm ngoái tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Tập trong các chuyến thăm chỉ cách nhau vài tháng, và sau đó vào tháng 6 năm nay tiếp đón ông Putin trong khi thực hiện chính sách ngoại giao “cây tre” nhằm cân bằng trong quan hệ giữa các cường quốc. Việt Nam đã đón tiếp ông Putin bất chấp ông bị lệnh bắt giam của Tòa án Hình sự Quốc tế.
Ông Lâm nói với ông Putin trong cuộc điện đàm rằng Việt Nam “luôn xác định quan hệ với Liên bang Nga có tầm quan trọng chiến lược” và xem Nga “là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình.”
Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Nga sau Trung Quốc nhưng trước Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật và Úc. Quốc gia Đông Nam Á này đã nhiều lần từ chối bỏ phiếu chống lại Nga tại Hội đồng Liên Hợp Quốc vì cuộc chiến tranh ở Ukraine trong khi Moscow vẫn là một đồng minh lâu năm và nhà cung cấp vũ khí chính cho Hà Nội. Việt Nam tiếp tục duy trì quan hệ và hợp tác với Nga trong mọi lĩnh vực dù Moscow bị Mỹ và phương Tây chế tài và cô lập cả về chính trị và kinh tế.
Ông Lâm và ông Putin đã “trao đổi và thống nhất một số định hướng lớn trong thời gian tới trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương,” Tuổi Trẻ và VietNamNet cho biết nhưng không đưa ra chi tiết.
Các tờ báo do Đảng quản lý này còn cho biết rằng “trong không khí trao đổi nồng ấm, Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ vui mừng, mong được đón Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Liên bang Nga.”
Các báo không cho biết ông Lâm có nhận lời thăm Nga hay không.
Your browser doesn’t support HTML5