‘Tân quan tân chính sách’ với trường hợp Tô Lâm

Ông Tô Lâm tại Dinh Chủ Tịch ở Hà Nội, 27 tháng Bảy, 2024.

Ngày 1/12/2024, Tô Lâm tuyên bố, chúng ta vẫn phải tiến hành cải cách, “vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải ‘uống thuốc đắng’, phải chịu đau để ‘phẫu thuật khối u’ thì mới khỏe được…” (1)

“Đốt lò" – Một di sản khó khăn

“Đốt lò" là một di sản khó khăn nhưng ông Tô Lâm đã không hề né tránh. Khi tiếp quản vai trò Tổng Bí thư, Tô Lâm đứng trước một di sản phức tạp và nặng nề từ người tiền nhiệm. Công cuộc “Đốt lò” của cố TBT Nguyễn Phú Trọng – biểu tượng cho chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng – từng được ca ngợi như một nỗ lực thanh lọc hệ thống chính trị. Tuy nhiên, chiến dịch này cũng để lại một loạt hệ quả khiến việc kế thừa trở nên không đơn giản (2).

Một trong những thách thức lớn nhất đến từ việc “đốt lò” là nó đã làm trống rỗng một phần hệ thống lãnh đạo ở nhiều cấp, từ “Tứ trụ” đến các Bí thư, Chủ tịch nhiều tỉnh, thành phố và dưới các địa phương. Nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hoặc loại bỏ, nhưng vấn đề nằm ở chỗ việc bổ nhiệm những nhân sự mới để lấp đầy khoảng trống này không phải là điều dễ dàng. Các lựa chọn thay thế không chỉ đòi hỏi năng lực mà còn phải đảm bảo sự trung thành tuyệt đối với người đứng đầu. Tô Lâm, trong vai trò mới, buộc phải tìm cách vừa duy trì tính liên tục trong hệ thống, vừa tái thiết một bộ máy lãnh đạo đủ mạnh để đáp ứng những khó khăn đang đặt ra.

Giáo sư Abuza Zachary, chuyên nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Đại học Quốc phòng Mỹ từ thủ đô Washington, nói với VOA: “Ông Tô Lâm đã vũ khí hóa chiến dịch chống tham nhũng để vô hiệu hóa các đối thủ chính trị, và ông ấy sẽ không dừng lại” (3). Trên thực tế đúng là ông ấy đã không thể dừng lại, mặc dầu chiến dịch “đốt lò” đã tạo ra một môi trường chính trị nội bộ đầy ngờ vực và chia rẽ. Nhiều cán bộ, dù chưa bị “điểm danh”, cũng cảm thấy bất an và lo sợ trở thành mục tiêu tiếp theo. Sự ngờ vực này không chỉ làm suy yếu tinh thần đoàn kết mà còn làm giảm thiểu hiệu quả hoạt động của bộ máy chính trị. Đối với Tổng Bí thư Tô Lâm, việc làm thế nào để hàn gắn những rạn nứt này và khôi phục niềm tin nội bộ là một thách thức mang tính sống còn.

Tô Lâm đã tiếp thu di sản “đốt lò” bằng cách mở rộng nó như một nền tảng để củng cố quyền lực của mình. Nhưng thay vì tập trung vào các vụ xử lý tham nhũng cá nhân, gần đây ông hô hào thêm công cuộc chống lãng phí. Nhưng hai nhà trí thức cao tuổi Mạc Văn Trang ở thành phố Hồ Chí Minh và Nguyễn Đình Cống ở thủ đô Hà Nội đã nói trong những cuộc phỏng vấn riêng rẽ với VOA hôm 17/10 rằng, nhà lãnh đạo Tô Lâm hô hào chống lãng phí là điều được nhân dân mong đợi và ủng hộ, song việc này sẽ chỉ là một vòng luẩn quẩn nếu Việt Nam không đổi mới thế chế và cho nhân dân có nhiều quyền tự do, dân chủ hơn (4).

Vòng luẩn quẩn mà Tô Lâm phải đối mặt nằm cả ở việc phải cân bằng giữa nội trị và ngoại giao. Ông nhận thức rõ, 'con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại' (5). Nhưng ông cũng chịu áp lực phải gắn độc lập dân tộc với một thứ chủ nghĩa xã hội đã thất bại về lịch sử. Để tháo gỡ nút thắt này, Tô Lâm đã có những bước đi ngoại giao táo bạo, khẳng định sự chủ động và đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Các đối tác toàn cầu của Việt Nam mong muốn Việt Nam đứng trong hàng ngũ của thế giới văn minh và tiến bộ. Từ góc độ này, việc kế thừa di sản “đốt lò” không chỉ là một trách nhiệm mà còn là cơ hội để Tô Lâm định hình phong cách lãnh đạo riêng. Nếu giải quyết tốt, ông không chỉ củng cố vị thế cá nhân mà còn xây dựng nền tảng chính trị vững chắc, tạo tiền đề cho những cải cách sâu rộng hơn trong tương lai (6).

Cách mạng trên nhiều phương diện khác

Hai khẩu hiệu “tinh giảm bộ máy” và “cải cách thể chế” không chỉ là những mục tiêu riêng rẽ, mà còn là hai mặt của một chiến lược lớn hơn: xây dựng nền tảng quyền lực mang dấu ấn cá nhân để điều hướng một “kỷ nguyên Tô Lâm”. Ngày 1/12/2024, tại một Hội nghị toàn quốc, Tổng bí thư nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Ông kêu gọi các cán bộ lãnh đạo, những người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; “trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”; “trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng” (7).

Cải cách thể chế được xem là mục tiêu chiến lược dài hạn. Thay vì chỉ dừng lại ở các biện pháp hành chính, Tô Lâm đã thể hiện ý định tái cấu trúc sâu rộng hơn, nhắm đến các vấn đề cốt lõi như mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, cơ chế kiểm soát quyền lực, và vai trò của các tổ chức chính trị trong bối cảnh mới. Đây là một bước đi không chỉ nhằm củng cố quyền lực của ông mà còn định hướng lại cách thức vận hành của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, cũng đang có một số dư luận trái chiều cho rằng, sau Hội nghị Trung ương “không số” ngày 25/11/2024 vừa qua, ông Tô Lâm buộc phải “cài số lùi”, sẽ bớt nhấn mạnh đến “điểm nghẽn thể chế”, mà ưu tiên nhiều hơn cho “tinh giảm bộ máy”. Cần quan sát thực tế thời gian tới để thẩm định đánh giá này.

Dẫu sao, hai động lực trên không hoàn toàn tách biệt. Chúng bổ trợ lẫn nhau trong một chiến lược lớn hơn của ông Tô Lâm. Tinh giảm bộ máy giúp ông thiết lập một hệ thống hành chính hiệu quả và trung thành, trong khi cải cách thể chế cung cấp các cơ chế mới để duy trì và củng cố quyền lực. Sự kết hợp này không chỉ giúp ông đạt được các mục tiêu chính trị ngắn hạn mà còn tạo nền tảng cho sự ổn định lâu dài. Dẫu vậy, tham vọng xây dựng một “kỷ nguyên Tô Lâm” không hề dễ dàng. Ông phải đối mặt với sự phản đối từ các nhóm lợi ích trong nước, đặc biệt là những nhóm có liên hệ chặt chẽ với các lợi ích bên ngoài, trước hết là những phe phái chịu ảnh hưởng Trung Quốc. Sự can thiệp từ bên ngoài, cùng với áp lực nội bộ, đặt ra những thách thức lớn cho chiến lược tổng thể của ông.

Một trong những thách thức lớn ấy phải chăng cuộc cải cách TBT kêu gọi, vô hình chung đi ngược lại với nguyên tắc hoạt động của chế độ cộng sản xưa nay. Theo Facebooker Dương Quốc Chính, nguyên tắc của cộng sản là quản lý càng nhiều càng tốt, bộ máy càng “phình ra” càng tốt. Vì bộ máy càng to thì cơ hội ban phát bổng lộc ra xã hội càng nhiều. Mà một khi “thần dân” ăn lộc “triều đình” càng nhiều thì “ăn cây nào rào cây ấy”, chế độ sẽ bền vững dài dài để ai cũng có lộc mà ăn. Bọn họ mà bị “tuột xích”, không còn lộc mà ăn thì dễ quay xe, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Vì cơ bản động cơ để anh em trung thành là bảo vệ nồi cơm mà thôi, giờ chỉ còn mỗi “cái ruột nồi” đi khất thực là rất dễ quay xe… (8)

Cách ông Tô Lâm hóa giải các mâu thuẫn nói trên sẽ quyết định không chỉ thành bại của chính sách cải cách mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế của ông tại Đại hội 14. Điều này đòi hỏi kỹ năng lãnh đạo xuất sắc và sự nhạy bén chính trị, mà không phải nhà lãnh đạo nào cũng có thể làm được. Bên cạnh đó, dư luận xã hội và áp lực cải cách thực sự cũng là những yếu tố không thể xem thường. Nhưng TBT hạ quyết tâm: “Việc triển khai tại nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có cả những lực cản. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải ‘uống thuốc đắng’, phải chịu đau để ‘phẫu thuật khối u’ thì mới khỏe được” (9).

Kỷ nguyên mới – “Kỷ nguyên Tô Lâm”?

Tham vọng của “Kỷ nguyên Tô Lâm” mang lại hai kịch bản chính. Nếu thành công, ông không chỉ củng cố quyền lực mà còn tạo ra một di sản chính trị lâu dài. Một hệ thống chính trị tái cấu trúc hiệu quả có thể giúp ông vượt qua các thách thức trước mắt và đảm bảo sự ổn định nội bộ. Tuy nhiên, từ khi TBT Tô Lâm trực tiếp quảng bá với thế giới về “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” Việt Nam đến nay, chưa thấy dư luận quốc tế có bất cứ phản ứng nào đối với các tuyên bố “lập thuyết” của ông. Cho đến đầu năm 2026, Tô Lâm vẫn khó có thể loại bỏ hoàn toàn các lực cản. Liệu Tô Lâm có thể biến các thách thức thành cơ hội và định hình một kỷ nguyên mới cho chính trị Việt Nam? Câu trả lời sẽ rõ ràng tại Đại hội 14, nhưng những bước đi hiện tại của ông sẽ quyết định rất lớn đến kết quả cuối cùng ấy.

Tham khảo:

(1) https://vtv.vn/chinh-tri/tinh-gon-bo-may-cuoc-cach-mang-chua-tung-co-20241202201721225.htm

(2) https://fulcrum.sg/anti-corruption-politics-and-shifts-in-central-local-relations-in-vietnam/

(3) https://www.voatiengviet.com/a/cong-cuoc-dot-lo-ong-to-lam-la-nguoi-thang-cuoc-/7588901.html

(4) https://www.voatiengviet.com/a/vi-sao-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-vn-to-lam-phat-thong-diep-chong-lang-phi/7828394.html

(5) https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tham-va-phat-bieu-chinh-sach-tai-dai-hoc-columbia-20240924000234834.htm

(6) https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/cay-tre-ngoai-giao-viet-nam-dang-vuon-canh-toa-bong-680588.html

(7) https://vtv.vn/chinh-tri/tinh-gon-bo-may-cuoc-cach-mang-chua-tung-co-20241202201721225.htm

(8)https://www.facebook.com/chinh.duong.quoc.kts/posts/pfbid0FcwVJeBYeVhLjXniuDUTd6QXo1t3Cg5v4PA4SHRSiZxNTogXNrqbvHvr8b6sFVkil

(9) https://vtv.vn/chinh-tri/tinh-gon-bo-may-cuoc-cach-mang-chua-tung-co-20241202201721225.htm