Tan băng tại tầng đất đóng băng vĩnh viễn làm tăng nhiệt địa cầu

Nhiệt độ tại vùng bắc cực sẽ tăng gấp đôi so với tỉ lệ tăng nhiệt trên toàn cầu

Theo một phúc trình của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc phổ biến hôm nay tại hội nghị quốc tế về khí hậu ở Doha, bên Qatar, thì hiện tượng tan băng tại tầng đất đóng băng vĩnh viễn, đặc biệt tại Bắc bán cầu, có thể đẩy một lượng khí giữ hơi nóng khổng lồ vào bầu khí quyển trái đất trước cuối thiên niên kỷ này.

Các tác giả của phúc trình nói nhiệt độ tại vùng bắc cực và các vùng núi cao sẽ tăng gấp đôi so với tỉ lệ tăng nhiệt trên toàn cầu.

Khí thải nhà kính tại các vùng vừa kể có thể chiếm tới 39% toàn bộ khí thải trên quả đất.

Tác giả chính của phúc trình, ông Kevin Schaefer, thuộc Trung tâm nghiên cứu Tuyết và Băng của trường đại học Colorado cho biết là “việc thải khí carbon dioxide và khí methane do các tầng đất có băng đóng vĩnh viễn ấm dần là hiện tượng không thể đảo ngược. Một khi các chất hữu cơ tan chảy và thối rữa, không có cách nào đưa chúng trở lại bầu khí quyển.”

Hiện tượng tăng nhiệt địa cầu có thể thay đổi triệt để hệ sinh thái và gây thiệt hại đáng kể, ngay cả hủy hoại các tòa kiến trúc, đường xá, ống dẫn dầu, đường sắt và đường dây dẫn điện.

Phúc trình này đề nghị thành lập một Ủy ban đặc biệt để nghiên cứu khí thải tại tầng đóng băng vĩnh viễn, thành lập một mạng lưới quốc gia theo dõi các tảng băng và phát triển một kế hoạch để các quốc gia gặp nhiều nguy cơ thích nghi với các điều kiện mới.

Các đại biểu tại Doha đang họp để đề ra một dự thảo mới cho một hiệp định quốc tế về khí hậu sau khi nghị định thư Kyoto hết hạn vào tháng tới.

Giữa lúc các đại biểu đang tìm cách đề ra các mục tiêu mới nhằm giảm bớt khí thải để đối phó với hiện tượng tăng nhiệt địa cầu, phúc trình mới của Liên Hiệp Quốc hối thúc họ hãy tính thêm yếu tố về hiện tượng tan băng đang tăng tốc tại các tầng đất bị đóng băng vĩnh viễn.