VN: Sức mua tính theo lương tối thiểu hầu như không tăng trong vòng 10 năm

VN: Sức mua tính theo lương tối thiểu hầu như không tăng trong vòng 10 năm

Lương tối thiểu ở Việt Nam trong vòng 10 năm qua đã có mức tăng khá ấn tượng. Qua 8 lần tăng theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, mức lương tối thiểu đã tăng từ 180 nghìn đồng/tháng hồi năm 2000 lên đến 730 nghìn đồng/tháng trong năm 2010 (gấp hơn 4 lần). Như vậy, tốc độ tăng trung bình tính theo năm là khoảng 15%.

Đặt trong tương quan với tốc độ tăng trưởng giá hàng tiêu dùng trung bình mỗi năm vào khoảng 8% trong vòng 10 năm qua (tổng cộng 10 năm CPI gấp 2,14 lần), có thể thấy lương tối thiểu ở VN tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng CPI. Điều này cho thấy sau khi đã khấu trừ “lạm phát”, thu nhập thực tế của người lao động nhận mức lương tối thiểu đã tăng lên, phản ánh chất lượng vật chất của cuộc sống đã được cải thiện.

VN: Sức mua tính theo lương tối thiểu hầu như không tăng trong vòng 10 năm


Nếu lấy năm 2000 làm mốc và đặt chỉ số lương tối thiểu đã khấu trừ lạm phát bằng 100 thì đến năm 2010 chỉ số này đã lên tới 189. Điều đó có nghĩa là sau 10 năm thu nhập của người nhận lương tối thiểu đã khấu trừ lạm phát đã tăng khoảng 89%, trung bình mỗi năm tăng gần 9%. Tỷ lệ này cao hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong cùng giai đoạn. Nói cách khác, thu nhập của người nhận lương tối thiểu đã tăng nhanh hơn mức tăng thu nhập trung bình của người Việt.

Điều này có thể thấy khá rõ bằng việc so sánh chỉ số lương tối thiểu đã khấu trừ lạm phát với chỉ số thu nhập bình quân đầu người đã khấu trừ lạm phát. Nếu lấy năm 2000 làm mốc và đặt cả hai chỉ số này ở con số 100, thì chỉ số lương tối thiểu đã khấu trừ lạm phát của các năm sau hầu hết đều cao hơn chỉ số thu nhập bình quân đầu người đã khấu trừ lạm phát trừ các năm 2002 và 2008. Theo một nghĩa nào đó, điều này cho thấy người lao động nhận lương tối thiểu đã không bị nhà nước bỏ rơi.

VN: Sức mua tính theo lương tối thiểu hầu như không tăng trong vòng 10 năm

Sức mua không tăng nhiều trong 10 năm

Tuy nhiên nếu dùng các con số này để kết luận rằng cuộc sống của người làm công nhận lương tối thiểu ở Việt Nam đã được cải thiện nhiều trong 10 năm qua thì chưa hẳn đúng. Khác với thu nhập của nhóm trung lưu và người giàu, thu nhập của những người nhận lương tối thiểu chủ yếu được dùng cho thuê nhà, mua sắm lương thực thực phẩm và các vật dụng tối cần thiết (xăng dầu để đi lại chẳng hạn). Nhóm các mặt hàng này có tốc độ tăng giá cao hơn nhiều so với mặt bằng giá cả chung. Vì ở Việt Nam không có số liệu thống kê công khai của chỉ số giá cả chia theo nhóm mặt hàng, do đó rất khó chứng minh bằng con số các luận điểm này.

Dưới đây tôi chỉ tạm ước tính bằng một cách gián tiếp, số liệu đưa ra chỉ để tham khảo và không được chính xác cho lắm.

Về lương thực thực phẩm, có thể tạm sử dụng số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và tốc độ trượt giá đồng VND so với các đồng tiền quốc tế như USD để tạm tính tốc độ tăng giá của nhóm hàng này. Dựa theo số liệu của FAO và số liệu về tỷ giá hối đoái VND/USD do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp, trong vòng 10 năm qua giá lương thực đã lên bằng 2,22 lần so với hồi năm 2000, giá dầu ăn bằng 3,17 lần năm 2000, giá đường bằng 2,9 lần, giá ngũ cốc bằng 2,33 lần, và giá thịt bằng 1,6 lần, giá sữa bằng 1.73 giá năm 2000.

Giá xăng dầu trong cùng giai đoạn đã tăng lên khoảng 3,3 lần giá năm 2000, với những năm cao điểm như 2008 trong đó giá xăng dầu tăng gấp 5,5 lần giá năm 2000.

Giá thuê nhà ở Việt Nam trong cùng giai đoạn cũng tăng lên nhiều lần, vì không có dữ liệu thống kê về tăng trưởng giá thuê nhà qua các năm ở Việt Nam, rất khó ước tính chi phí thuê nhà của những người nhận lương tối thiểu đã tăng bao nhiêu lần trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, với việc giá bất động sản tăng chóng mặt qua các năm, khả năng rất cao là con số này không dưới 4 lần (tương đương mức tăng khoảng 15% mỗi năm).

Các chỉ số chính

2000

2010

Nguồn

Lương tối thiểu

100

405.6

Quy định của chính phủ

Lương thực thực phẩm

100

250

Ước tính theo FAO và IMF

Xăng dầu

100

330

Theo số liệu về giá dầu thô thế giới

Thuê nhà

100

400

Tạm ước tính

Khác (theo CPI)

100

214.6

GSO

Vì vậy, nếu giả sử một người thu nhập theo lương tối thiểu phải chi tiêu 30% vào tiền thuê nhà, 30% vào lương thực thực phẩm, 10% vào xăng dầu, và 30% vào các sản phẩm khác (có tốc độ trượt giá bằng với CPI) thì thu nhập sau khi đã hiệu chỉnh trượt giá theo phương pháp này trong vòng mười năm qua tăng được 39%, tương đương khoảng 3,3% mỗi năm.

Như thế, theo cách ước tính rất thô sơ này, sức mua thực sự của người có thu nhập bằng lương tối thiểu ở Việt Nam không tốt hơn nhiều lắm trong vòng 10 năm qua. Do tốc độ trượt giá quá nhanh của các mặt hàng chủ yếu mà họ tiêu dùng, sức mua thực tế của họ trong cả giai đoạn này chỉ tăng có 3,3% mỗi năm mà thôi.

Vì không biết rõ số liệu về phân bổ chi tiêu trung bình của các hộ này cũng như mức tăng giá thực tế của tiền thuê nhà, tôi thử điều chỉnh một số điểm nhỏ trong các giả định ở trên, thí dụ tăng mức chi tiêu cho lương thực thực phẩm lên 35%, tăng chi tiêu vào thuê nhà lên 40%, và nâng mức tăng giá thuê nhà lên khoảng lần trong vòng 10 năm thì sức mua của nhóm này trong vòng 10 năm chỉ tăng có 29%, tương đương 2,5% mỗi năm. Thậm chí với các giả định này, nếu mức giá thuê nhà tăng 6 lần trong 10 năm (tương đương khoảng 20% mỗi năm) thì sức mua thực tế của nhóm này coi như không thay đổi gì trong vòng 10 năm qua.

Các điểm khác đáng lưu ý

Điều đáng nói là lương tối thiểu không tăng thường xuyên trong khi giá cả biến động rất mạnh qua các năm khiến cho sức mua của nhóm dân cư này bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Thí dụ trong các năm 2007 và 2008, lương tối thiểu sau khi đã điều chỉnh theo CPI thậm chí đã giảm liên tục từ mức chỉ số là 185 xuống còn 170 (2007) rồi 167 (2008) trước khi tăng trở lại (giả định chỉ số này là 100 năm 2000).

Thứ hai là trong 5 năm gần đây nhất, từ 2006 đến 2010, lương tối thiểu sau khi đã điều chỉnh theo CPI đã hầu như không tăng (chỉ số 185 năm 2006 đến 189 năm 2010). Trong khi đó cùng thời gian này đã chứng kiến cơn bão về giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, xăng dầu, cũng như giá bất động sản. Nếu sử dụng phương pháp như ở trên để tính sức mua cho nhóm dân cư này trong giai đoạn 5 năm từ 2006 đến 2010 thì gần như chắc chắn là sức mua của họ đã có tăng trưởng âm. Tức là chất lượng vật chất của cuộc sống của họ đang ngày càng tồi tệ đi trong 5 năm qua.

Thêm nữa mặc dù đã tăng lên nhiều nhưng thu nhập bình quân đầu người của các hộ loại này cũng còn rất thấp. Giả sử một hộ gia đình có hai vợ chồng và 2 con nhỏ với thu nhập gấp đôi mức lương tối thiểu thì trong năm 2010 thu nhập bình quân đầu người của hộ này cũng chỉ có khoảng 204 USD mỗi năm, tức là dưới mức nghèo khổ tuyệt đối.