Hồi cuối tháng 12, 2010 vừa rồi tờ Wall Street Journal có đăng bài “Behind Firm's Default: Vietnam's Growth Mania” – tạm dịch là “đằng sau câu chuyện doanh nghiệp vỡ nợ: tình trạng chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá ở Việt Nam”. Bài báo dẫn ra câu chuyện Vinashin và đưa ra cách giải thích đã được nhiều người nhắc tới. Đó là việc liên tục chạy theo mục tiêu tăng trưởng (growth) thay vì tập trung vào cải cách thể chế và các yếu tố kinh tế nền tảng.
Hai tác giả của bài báo, James Hookway và Alison Tudor, cho rằng vì đặt mục tiêu chính là tăng trưởng bằng mọi giá, các điểm yếu về cấu trúc khác đã không được tập trung giải quyết (thí dụ vấn đề lạm phát và sức mạnh của đồng VND). Chính vì thế, các điểm yếu này ngày càng trầm trọng. Hookway và Tudor dẫn lời của Kevin Grice, một kinh tế gia của hãng Capital Economics ở London, cho rằng “nếu họ [chính phủ Việt Nam] càng để lâu không chịu cải tổ thì hậu quả sẽ càng tồi tệ khi thị trường buộc họ phải cải tổ, thế nhưng các thói quen cũ là cái rất khó thay đổi”.
Tuy không nói rõ ra trong bài nhưng có vẻ như Hookway và Tudor đang vận dụng cách giải thích mà nhiều người vẫn làm. Đó là câu chuyện hiệu quả kinh tế thấp trong khu vực nhà nước. Việc mở rộng của khu vực này dưới sự hỗ trợ của nhà nước đã khiến nhu cầu sử dụng vốn của Việt Nam luôn ở mức cao (trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm phần rất lớn). Tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam năm 2010 là 28%, năm 2009 là 38%, năm 2008 là 22%, năm 2007 là 54%. Tăng trưởng tín dụng cao dẫn tới sức ép về lạm phát, khiến CPI của Việt Nam tăng 11,75% năm 2010, 6,9% năm 2009, 22,76% năm 2008, và 8,45% năm 2007 (lưu ý là có một độ trễ nhất định khoảng 6 tháng giữa tăng trưởng tín dụng và tăng CPI).
Việc hút vốn của doanh nghiệp nhà nước đã gây ra tình trạng méo mó trong phân bổ nguồn lực. Vốn được chảy vào khu vực không hiệu quả thay vì vào khu vực tư nhân hiệu quả hơn, dẫn tới hiệu quả tổng thể của nền kinh tế ngày một kém. Nhiều nhà phân tích dẫn tới sự tăng liên tục của ICOR (Incremental Capital - Output Rate hay là Tỷ lệ Vốn trên Sản lượng Tăng thêm) để khẳng định kết quả này. ICOR càng cao có nghĩa nền kinh tế càng cần nhiều đồng vốn hơn để tạo ra một đồng sản phẩm.
Theo con số thống kê qua từng giai đoạn, từ năm 1995, hệ số ICOR của Việt Nam liên tục tăng: từ mức 3,5 giai đoạn 1991 – 1995, tăng đến 5,24 giai đoạn 2001 – 2003. Năm 2008, hệ số ICOR của nền kinh tế là 6,6 – đã gấp hơn 2 lần mức khuyến nghị, và đến 2009, ICOR đã leo lên con số 8.
Hiệu quả sử dụng vốn thấp khiến năng lực cạnh tranh quốc gia kém, dẫn tới câu chuyện về cán cân xuất nhập khẩu luôn bị thâm hụt nặng nề, và vì thế, đồng nội tệ VND của Việt Nam luôn bị sức ép phá giá và đánh mất dần lòng tin của công chúng.
Thế nên lần ngược lại vấn đề, Hookway và Tudor lập luận Việt Nam cần phải tập trung vào các yếu tố nền tảng để sửa chữa các yếu kém của hệ thống thay vì tiếp tục tập trung vào tăng trưởng. Hai ông này cho rằng với Đại hội Đảng CSVN, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội để đổi hướng bằng cách tập trung vào con đường mới cẩn trọng hơn. Tuy nhiên Hookway và Tudor có vẻ không mấy tin tưởng vào một cuộc thay đổi lớn về chính sách. Bài báo này dẫn ra kinh nghiệm tương tự từ các nước Châu Á hồi năm 1997-1998 và cho rằng, qua ngôn ngữ của Grice, là “có vẻ như các nước phải tự học lấy bài học từ sự thất bại của chính mình, chứ không phải những bài học của các nước khác”.
Điều mà Hookway và Tudor không nói tới là ngay cả khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng không thực sự hiệu quả. Và tình trạng không hiệu quả này là hệ lụy của nhiều vấn đề rộng lớn hơn mà tôi không tiện bàn đến trong bài này.