Tin của tờ Tuổi Trẻ và VietnamNet trích nguồn tin từ Bộ Tài Chính Việt Nam nói rằng trong năm 2010, Việt Nam đã mượn thêm 1 tỉ đôla, nâng tổng số nợ nước ngoài lên tới 29 tỉ đôla.
Số liệu đó tương đương với 28% GDP của Việt Nam, là 104 tỉ đôla hồi năm ngoái.
Trong khi Bộ Tài Chính xác nhận tỷ lệ này vẫn an toàn, các chuyên gia khuyến cáo Việt Nam nên có thái độ thận trọng liên quan tới tình trạng này.
Ông Nguyễn Thành Đô, người đặc trách ban quản trị nợ và Tài chính nước ngoài thuộc Bộ Tài Chính Việt Nam, nói tỷ lệ vừa kể là một tỷ lệ thích hợp cho Việt Nam, xét các chiến lược phát triển, và Việt Nam đã trả nợ nần theo đúng kỳ hạn từ năm 1993 tới nay.
Theo nguồn tin này, thì trong quý đầu năm 2010, Việt Nam đã trả hơn 329 triệu đôla tiền nợ của nước ngoài.
Các doanh nghiệp và tổ chức được nhà nước bảo đảm tài chính cũng trả hơn 127 triệu đôla trong cùng kỳ.
Với số nợ hiện nay, Việt Nam sẽ phải trả hơn 1,7 tỉ đôla tiền nợ, và hơn 250 triệu đôla tiền lãi trong năm 2016.
Năm nay, 2011, Việt Nam sẽ phải trả khoảng 1,1 tỉ đôla tiền nợ, cả vốn lẫn lời. Đến năm 2025, Việt Nam sẽ phải trả 855 triệu.
Ông Đoàn Hồng Quang, một nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nói rằng trong tư cách một quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải lưu ý tới khả năng thanh toán nợ nần, và các đơn vị tiền tệ của nước cho mượn tiền.
Nhật Bản là nước chủ nợ lớn nhất của Việt Nam, và vì thế Việt Nam phải thận trọng khi đồng yen lên giá. Ông khuyến cáo rằng trong điều kiện đồng đôla cũng đang lên giá so với tiền đồng, nhu cầu mua đôla để mua đồng yen để trả nợ sẽ là tăng gánh nặng mà Việt Nam phải gánh để trả nợ nước ngoài.
Hiện Hiệp Hội Phát triển quốc tế, một quỹ của Ngân hàng Thế giới và Nhật Bản là hai chủ nợ lớn nhất của Việt Nam, với các khoản cho vay lên tới 6,1 tỉ, và 8,4 tỉ đôla.
Các chủ nợ khác gồm Ngân hàng Phát triển Á Châu, 3,8 tỉ, các chủ nợ tư nhân, 2,4 tỉ, Pháp, 1 tỉ, Nga, 579 triệu, và Trung Quốc, 448 triệu.
Nguồn: VietnamNet, Tuoi Tre
Đọc nhiều nhất
1