Người Canada gốc Việt phấn khởi hưởng ứng Olympic Vancouver

Người Canada gốc Việt cùng với cả nước Canada đang phấn khởi hưởng ứng Thế vận hội mùa Đông Vancouver, và đặc biệt khi Canada đã vượt qua được 'cơn hạn' huy chương vàng trên sân nhà vốn được xem như một 'cơn ác mộng' trong hai lần đăng cai Olympic trước đây. Tuy nhiên các môn thể thao mùa đông dường như vẫn còn mới mẻ đối với người gốc Việt ở xứ lạnh này, cho nên chưa có một vận động viên gốc Việt nào có tên trong đoàn thể thao Olympic của nước chủ nhà tại kỳ Olympic này. Tấn Chương đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Quang Tuấn ở Toronto, người đang theo dõi sát sự kiện thể thao thế giới này để tìm hiểu thêm về không khí Thế vận hội trong cộng đồng người Việt ở đây.

VOA: Thưa ông, Thế vận hội đang diễn ra tại Vancouver và sẽ còn kéo dài thêm khoảng một tuần lễ nữa – người Canada gốc Việt đón nhận sự kiện này như thế nào?

Ông Tuấn: Người Canada gốc Việt cũng như toàn thể người Canada ở đây đang rất thích thú theo dõi Thế vận hội bởi vì nó được tổ chức tại Canada.

Đây là lần thứ ba Canada được vinh hạnh đăng cai Thế vận hội. Lần đầu tiên và Thế vận hội mùa Hè năm 1976 tại Montreal, sau đó, cách đây ít năm Canada được vinh hạnh tổ chức Thế vận hội mùa Đông tại Calgary. Và đây lần thứ ba Canada được vinh dự tổ chức Thế vận hội, thành ra chúng tôi theo dõi Thế vận hội này một cách rất thích thú, bởi vì nó diễn ra ngay tại xứ của chúng tôi.

VOA: Người Canada nói chung và người Canada gốc Việt hưởng ứng như thế nào đối với các huy chương vàng mà các vận động viên Canada đoạt được trên sân nhà trong Thế vận hội này, và là lần đầu tiên, vì hai lần đăng cai trước Canada không đoạt được chiếc huy chương vàng nào, mà mọi người thường nói là 'Canada bị hạn huy chương vàng'?


Ông Tuấn: Đúng như vậy. Đây là lần đầu tiên Canada tổ chức Thế vận hội trên sân nhà mà các vận động viên chủ nhà đoạt được huy chương vàng. Hai lần trước chúng tôi đăng cai Thế vận hội, một lần mùa hè và một lần mùa đông và Canada luôn bị chế nhạo là Canada đã được trao cho vinh dự tổ chức Thế vận hội đến hai lần nhưng vận động viên nước chủ nhà chưa lần nào đoạt được chiếc huy chương vàng nào. Do đó chúng tôi rất vui. Tin vui này được đón nhận một cách rất nồng nhiệt qua báo chí, truyền thông, truyền hình. Đó là một sự kiện rất đáng phấn khởi.

VOA: Thưa ông có vận động viên gốc Việt nào trong đoàn thể thao Olympic Canada hay không?

Ông Tuấn: Dạ không. Chúng tôi không được nghe nói đến một vận động viên Canada gốc Việt nào trong đoàn thể thao Olympic Canada.

VOA: Ở Thế vận hội mùa Hè Bắc Kinh 2008, đoàn thể thao Canada có một nữ võ sĩ gốc Việt đã mang về cho Canada chiếc huy chương vàng.

Ông Tuấn: Vâng, nữ võ sĩ gốc Việt đó đã giành được chiếc huy chương vàng đầu tiên tại Thế vận hội Bắc Kinh cho Canada.

VOA: Như thế thì các con em và thanh niên gốc Việt tại Canada không ưa chuộng các môn thể thao mùa đông hay sao mà không có một vận động viên nào được góp mặt trong đội tuyển Canada?

Ông Tuấn: Tôi không nghĩ là các cháu, các em, hay các thanh niên Việt Nam ở Canada không ham chuộng các môn thể thao mùa đông. Tôi nghĩ là các môn thê thao mùa đông còn tương đối mới mẻ, xa lạ đối với người Việt Nam chúng ta hơn là các môn Thế vận hội mùa hè. Thí dụ như những môn trượt băng, trượt tuyết nói chung cho đến bây giờ chưa được phổ thông lắm, hoặc quen thuộc lắm với người Việt ở đây.

Một yếu tố thực tế khác đó là các môn thể thao mùa đông thường rất tốn kém, rất tốn kém trong tiến trình luyện tập để đạt đến đẳng cấp quốc gia. Cộng đồng người Việt ở Canada, ở Mỹ hay ở các nước khác là một cộng đồng còn tương đối khá mới mẻ. Chúng ta chỉ mới ở đây khoảng 30 năm, cho nên những nỗ lực tạo ra những điều kiện kinh tế cho các sinh hoạt gia đình được giành cho những mục tiêu khác mà các bậc cha mẹ cho là quan trọng hơn, chẳng hạn như đầu tư cho việc học vấn cho các con, thay vì đầu tư vào những môn thể thao tốn kém như vậy. Vì thế số vận động viên Việt Nam tham dự các môn thể thao mùa đông còn rất ít.

VOA: Bên cạnh những màn trình diễn 'hoành tráng' tại lễ khai mạc Olympic ở Vancouver, đã xảy ra những sự cố kỹ thuật đáng tiếc như một trong những cây cột của ngọn đuốc trong vận động trường đã không trồi lên đúng như dự định, và trước đó một vận động viên xe trượt luy (luge) của Gruzia đã thiệt mạng trong lúc tập luyện, liệu người Canada, người Canada gốc Việt, có xem đó là những khởi đầu không thuận lợi không?

Ông Tuấn: Tôi nghĩ tùy theo từng người trong chúng ta. Có nhiều người có thể có những tin tưởng dị đoan mạnh hơn một chút, thì có thể thấy đó là một điềm gỡ, hay là một báo hiệu cho một thất bại trong việc tổ chức hoặc trong các cuộc tranh tài hay chăng. Thế nhưng chúng ta cũng từng nghe ông bà mình ngày xưa nói là 'tiền hung, hậu kiết'. Lẽ dĩ nhiên những chuyện đã làm cho lễ khai mạc không được hoàn hảo thì đó là một điều đáng tiếc, nhưng cái gì xảy ra đã xảy ra rồi và bây giờ thì chúng ta không thể làm gì hơn được.

VOA: Người Canada hy vọng sẽ đoạt được bao nhiêu chiếc huy chương các loại, và bao nhiêu chiếc huy chương vàng?

Ông Tuấn: Tôi không rõ mục tiêu huy chương vàng được đặt ra là bao nhiêu, nhưng chúng tôi hy vọng đoàn Canada sẽ đoạt được từ 30 đến 33 huy chương các loại, tức là cao hơn số huy chương đạt được tại kỳ Thế vận hội [mùa Ðông] trước.

VOA: Cám ơn ông đã dành cho đài VOA cuộc trao đổi này.