Cũng như tại nhiều nước, môn bida ở Việt Nam không được các cơ quan quản lý thể thao hoặc các nhà tài trợ chú ý cho đến khi môn này mang về cho Việt Nam chiếc huy chương vàng SEA Games trong một tình huống ngoài dự tính vào năm 1997.
Anh Dương Thành Trung, một huấn luyện viên bida ở thành phố Hồ Chí Minh, cho biết môn bida đã có mặt ở Việt Nam từ rất lâu, nhưng phong trào chơi môn này chỉ thực sự được vực dậy từ chiếc huy chương vàng Đông Nam Á Vận hội năm 1997.
HLV Trung: "Bida ngày xưa ở Việt Nam trước năm 1975 đã có rồi, sau năm '75 phong trào bị xuống một thời gian dài. Đến khoảng năm 1992 'mở cửa' thì bida mới trở lại, nhưng cũng chưa được thịnh hành. Ngày xưa Việt Nam không coi trọng môn bida lắm, nên mình không có một giải đấu chính thức nào của môn bida. Người đã khơi dậy phong trào bida trở lại là anh Lý Thế Vinh. Năm 1997 anh Lý Thế Vinh tự bỏ tiền túi đi dự SEA Games (năm đó SEA Games có môn bida 3-băng), và cuối cùng anh Vinh đoạt được huy chương vàng SEA Games. Từ chiếc huy chương vàng SEA Games, Việt Nam mới chú ý lại môn bida, và phong bida mới phát triển lại từ đó."
Nhà huấn luyện môn bida này nói tiếp rằng kể từ thành tích SEA Games đó, các môn bida khác nhau đã phát triển theo sở thích của những khu vực khác nhau trên khắp cả nước, và Việt Nam tiếp tục chứng tỏ ưu thế ở môn bida carom tại Đông Nam Á.
HLV Trung: "Bida carom là bida không lỗ, còn bida pun là bida có lỗ, và thể loại cao nhất là bida snooker. Hầu hết ở các giải thế giới, Việt Nam đều có vận động viên tham dự. Miền nam thì chuộng bida carom, tức bida 3-băng và 1-băng; còn miền bắc thì chuyên về bida pool hơn, 8 bi, 9 bi, 10 bi. Nói về carom ở Đông Nam Á thì Việt Nam hiện là số một, nhưng ở châu Á thì còn Hàn quốc và Nhật Bản rất mạnh. Việt Nam năm nào cũng có giải quốc gia, và giải ở cấp câu lạc bộ thì được thường xuyên tổ chức, gần như hàng tháng ở khắp các tỉnh thành. Bida Việt Nam phát triển cũng nhờ vào các giải đó. Chẳng hạn như khi tổ chức giải carom 3-băng quốc gia thì có hơn 400 vận động viên tham dự. Hiện nay môn carom 3-băng rất phát triển."
Theo huấn luyện viên bida Dương Thành Trung thì chi phí và các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng cho môn bida không cao lắm cũng là một yếu tố thuận lợi nữa để phong trào bida phát triển.
HLV Trung: "Chi phí của bida thì thực sự không cao lắm. Người chuyên nghiệp có thể đánh cây cơ bida từ vài trăm đôla, đến một ngàn, hai ngàn đôla. Thực sự ít người có được cây cơ hai ngàn đôla lắm. Cơ đặt hàng tại Việt Nam chỉ chừng hai, ba trăm đôla thôi. Chi phí thì không cao, nhưng quan trọng là công việc làm [hàng ngày]. Những vận động viên bida đều là những người phải đi làm [những công việc khác] để kiếm sống, đến giờ rãnh thì mới đi đánh bida với các anh em, và đến khi có giải đấu nếu mình có thì giờ tập luyện thì mình mới đánh tốt hơn người khác."
Anh Trung cho biết bida là môn thể thao tự dạy, tự học, và phương tiện Internet hiện nay là một nơi để những người đam mê có thể 'tầm sư học đạo'.
HLV Trung: "Bida thì mình tự học là chính. Mình có thể học trên mạng Internet về cách đánh của các cao thủ thế giới. Tất cả đều coi được trên mạng Internet hết. Một số anh em có dịp thi đấu ở nước ngoài, có quan hệ với các cao thủ thế giới cũng có xin sách vở, tài liệu về phổ biến lại cho anh em. Bida đòi hỏi vừa năng khiếu, vừa trí tuệ rất nhiều. Huấn luyện viên đội tuyển chỉ tập cách đánh, nết đánh cho vận động viên, còn lại phải tự tập, tự học hỏi."
Theo anh Dương Thành Trung, Việt Nam hy vọng sẽ giành được từ một đến hai huy chương vàng ở môn bida carom tại SEA Games năm nay.
HLV Trung: "Riêng về mảng carom thì chỉ tiêu của Việt Nam là hai huy chương vàng, 1-băng và 3-băng. Bida 1-băng có anh Thanh Long ở Đà Nẵng, á quân Việt Nam và Mã Minh Cẩm ở Sàigòn, vô địch Việt Nam. Bida 3-băng thì có Dương Anh Vũ, vô địch Việt Nam, và Nguyễn Quốc Nguyện, á quân Việt Nam. Đó là 4 đại diện của Việt Nam đi thi môn bida carom. Về mức độ tin tưởng thì đến 99%, vì bộ môn carom của Việt Nam là mạnh nhất Đông Nam Á."
Bida carom không phải luôn là một môn tranh tài thường xuyên ở Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Hai kỳ SEA Games gần đây nhất có bida là vào năm 1997 và 2003. Quyết định của nước chủ nhà Indonesia đưa bida vào tranh tài tại SEA Games vào tháng 11 tới đây mở ra cơ hội cho Việt Nam tái khẳng định vị trí hàng đầu Đông Nam Á môn bida carom.
Chưa được công nhận là một môn thể thao Olympic nên môn bida thường không được chú trọng phát triển ở cấp thể thao quốc gia tại hầu hết các nước. Tuy nhiên môn bida sẽ được tranh tài tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á, tức SEA Games, lần thứ 26 tại Indonesia vào tháng 11 tới đây mở ra cho Việt Nam hy vọng có thể giành được từ một cho đến hai chiếc huy chương vàng ở bộ môn này để đóng góp vào bảng thành tích chung của thể thao Việt Nam trên đấu trường khu vực.