HLV Hồng Mạnh Cường: Tôi thành lập một công ty riêng tên là Công ty Dù lượn Mekong, trong đó có hoạt động câu lạc bộ thể thao môn dù lượn.
VOA: Thưa anh, động cơ nào đã thúc đẩy anh thành lập một công ty riêng, một câu lạc bộ như thế này – vì theo tôi hiểu thì môn thể thao này còn khá mới mẻ ở Việt Nam?
HLV Cuờng: Cái yếu tố đầu tiên là niềm đam mê của môn bay lượn. Khi mình bay lượn tự do trên bầu trời thì mình thấy rất là thích.
VOA: Nhờ anh mô tả sơ về môn dù lượn.
HLV Cuờng: Dù lượn đã phát triển tại rất nhiều nơi trên thế giới. Tiếng Anh gọi môn này là paragliding.
Cái cánh dù lượn thì nó khác rất nhiều so với loại dù nhảy của quân đội, hay là lọi dù nhảy rơi tự do.
Mục đích của nó để lượn, thành ra tầm lượn của nó rất xa, khoảng sáu đến bảy lần. Ví dụ mình ở độ cao là 100 mét, thì mình có thể lượn xa là 600 mét, ít nhất là sáu lần.
VOA: Thưa anh, nó ứng dụng nguyên tắc nào?
HLV Cuờng: Nguyên tắc bay lượn thì cũng dựa trên nguyên tắc khí động học – giống như cái cánh của một chiếc máy bay. Mục đích để lượn thì nó không có gắn động cơ.
Dù lượn thì đòi hỏi mình cất cánh tại một nơi có độ cao. Nó có thể bay theo đối lưu nhiệt, hoặc là bay cập vách núi. Có là những kỹ thuật sau này gắn động cơ phía sau lưng để có thể cất cánh từ mặt đất bằng, gọi power paragliding.
VOA: Xin anh nói thêm về những điểm tốt, sự hấp dẫn cũng như những rủi ro và khuyết điểm của môn thể thao này.
HLV Cuờng: Môn này được xếp vào loại thể thao mạo hiểm; khi rời khỏi mặt đất rồi thì nó cũng sẽ có những rủi ro. Những rủi ro đó chủ yếu là do yếu tố thời tiết, và yếu tố con người tạo ra.
Nếu mà mình đối mặt với nó mà không xử lý được, thì nó có thể biến thành tai nạn và có thể gây chết người. Chẳng hạn như tự nhiên đang lúc bay lượn mà gặp điều kiện thời tiết biến đổi bất thường, những người ít kinh nghiệm chưa thể dự đoán trước được thì mức rủi ro sẽ cao, có thể gây ra những tai nạn. Còn về yếu tố con người thì khi tham gia sinh hoạt bay lượn thì phải chuẩn bị cho mình những hành trang, kiến thức, hoặc về tâm lý, yếu tố sức khỏe phải bảo đảm cho một cái chuyến bay.
VOA: Nói về sự hấp dẫn, mặt tích cực của môn thể thao này?
HLV Cuờng: Bay lượn thì ai cũng có cảm giác rồi, khi mình bay lên thì mình sẽ nhìn mọi thứ từ một góc nhìn khác đi rất nhiều. Thí dụ như khi mình bay, nhưng ngồi trên một chiếc máy bay thì mình nhìn mọi thứ với một góc nhìn khác, còn khi mình đã bay lượn một cách tự do, mình làm chủ hoàn toàn, thì mình sẽ nhìn mọi thứ với một góc nhìn khác.
Cai môn này còn rèn luyện cho mình tính kiên nhẫn, phán đoán và quyết định chính xác.
VOA: Thế thì phong trào dù lượn hiện nay ở Việt Nam như thế nào?
HLV Cuờng: Hầu hết người Việt Nam vẫn còn xem môn nguy hiểm, chứ không phải là mạo hiểm, có nghĩa là khi ai tham gia chơi môn này thì trước sau gì cũng sẽ gặp một cái tai nạn. Cũng có nhiều người nghĩ ngược lại, người ta tham gia rèn luyện để đối chọi với một cái điều kiện khác hơn.
Hiện giờ số người tham gia sinh hoạt môn này hàng năm phát triển không nhiều, và được tập trung ở hai khu vực, phía nam ở Thành phố Hồ Chí Minh và phía bắc là ở Hà Nội.
VOA: Nhân anh nói về khu vực, những điều kiện nào là cần đủ để chơi môn này – về sân bãi, về cơ sở hạ tầng, về trang thiết bị?
HLV Cuờng: Hiện giờ chủ yếu là hai điều kiện. Thứ nhất là trang thiết bị, thứ hai là sân bãi.
Về trang thiết bị – đối với người Việt Nam mình thì đa số thu nhập không cao, thành ra mua sắm một bộ trang thiết bị này cũng tương đối là nặng.
VOA: Nặng là khoảng bao nhiêu? Trước hết mình phải dành ra một khoản tiền là bao nhiêu để có thể nhập môn. Rồi mình phải có một mức thu nhập thế nào để có thể theo môn này – nếu so với các môn khác như là bóng đá, bóng rổ, tennis?
HLV Cuờng: Theo tôi đánh giá thì chi phí của môn dù lượn không phải là cao, nhưng so với mặt bằng thu nhập của Việt Nam thì lại là cao. Thí dụ một bộ dù lượn mới phải mua từ nước ngoài có giá từ bảy đến tám ngàn đôla. So với mặt bằng của Việt Nam thì là cao.
So với các môn thể thao khác thì cái cái môn này cũng không cao lắm.
VOA: Nói về sân bãi, cơ sở hạ tầng?
HLV Cuờng: Điều kiện để bay được dù lượn đòi hỏi phải có một khu vực đồi núi, không xa khu dân cư lắm để tiện việc đi lại, và có những con đường mở lên núi. Nhu cầu độ cao từ khoảng 300 mét trở lên.
Bên cạnh điều kiện đồi núi đó thì còn phải có thời tiết, khí hậu đi kèm, gọi là điều kiện bay phải phù hợp, ví dụ như gió không mạnh quá, hoặc những nơi không có cây rừng rậm rạp quá.
VOA: Các ban ngành chức năng có ban hành luật lệ, quy định nào đối với môn dù lượn này hay không?
HLV Cuờng: Nói về luật thì Việt Nam có một nghị định chính phủ về quản lý hoạt động bay của những máy bay siêu nhẹ, hoặc là các mô hình bay. Để thực hiện nghị định đó thì Việt Nam thành lập hai câu lạc bộ hàng không do quân đội phụ trách, là Câu lạc bộ Hàng không phía Bắc, và Câu lạc bộ Hàng không phía Nam. Tất cả mọi hoạt động bay đều phải do hai câu lạc bộ này tổ chức. Ngoài ra những câu lạc bộ khác chỉ là những nhóm để có một tổ chức về mặt nhân sự riêng.
VOA: Các cơ quan thể thao, như Tổng cục Thể thao có những chương trình nào khuyến khích cho môn dù lượn ở Việt Nam hay không, và có những hỗ trợ nào cụ thể hay không?
HLV Cuờng: Cho đến hiện nay thì những cơ quan quản lý thể thao cũng chưa có cái hướng để phát triển môn dù lượn. Toàn bộ môn thể thao này đều là do tự phát hết.
VOA: Vừa rồi dù lượn Việt Nam có đi tham gia SEA Games, chúng ta có đạt được thành tích gì không?
HLV Cuờng: Tham gia SEA Games cũng là một bước đầu để cọ xát về cách tổ chức hoạt động ở quy mô gọi là quốc tế, có nghĩa là có nhiều nước tham gia. Còn Việt Nam tham gia thi đấu đợt này với những vận động viên không phải là có nhiều kinh nghiệm, thành ra thành tích không cao bằng các nước bạn. Nhưng sau đợt đi thi SEA Games rồi thì mới thấy cái việc thi không phải là chính, mà phải làm sao nâng cao trình độ, kỹ thuật ngang tầm với khu vực.
VOA: Cám ơn huấn luyện viên Cường đã cho chúng tôi những thông tin tương đối đầy đủ về môn dù lượn còn mới mẻ ở Việt Nam.