Quốc hội Campuchia thông qua luật bầu cử gây nhiều tranh cãi

  • Robert Carmichael

Thủ tướng Campuchia Hun Sen trả lời các phóng viên tại trụ sở Quốc hội ở Phnom Penh.

Quốc hội Campuchia đã thông qua 2 bộ luật bầu cử gây nhiều tranh cãi tiếp theo nhiều tháng thương thuyết giữa đảng cầm quyền và phe đối lập. Thông tín viên VOA Robert Carmichael tường trình từ Phnom Penh.

Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền và Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia đối lập ca ngợi hai bộ luật là một kết quả thành công của nhiều tháng thương nghị thường là căng thẳng, tiếp theo cuộc tổng tuyển cử năm 2013, mà phe đối lập suýt thắng và cho là đầy gian lận.

Lãnh tụ đối lập Sam Rainsy nói hai bên không hài lòng 100%, nhưng “đã có những nhượng bộ để đạt được thành quả cho cả hai đảng.”

Những người khác ít lạc quan hơn.

Hồi đầu tuần, tổ chức Human Rights Watch đã cảnh báo rằng những luật lệ này sẽ hạn chế quyền tự do phát biểu và hội họp, và có thể gây phương hại cho nền dân chủ của Campuchia.

Các tổ chức xã hội dân sự cũng đưa ra những lời chỉ trích tương tự.

Chủ tịch nhóm nghiên cứu độc lập Future Forum, ông Ou Virak, nói Luật về việc Bầu cử các Đại biểu Quốc Hội rườm rà, mơ hồ và đầy những điều khoản có thể bị lạm dụng.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (phải) của Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền và Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin.

Trong số các quan ngại chính của ông: bộ luật này cho phép các thành viên quân đội được tranh cử. Quân đội Campuchia có liên hệ chặt chẽ với đảng cầm quyền, và một số ngành của quân đội đã dính líu vào những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Ông Ou Virak nói bộ luật cũng hạn chế xã hội dân sự.

Ông nói: “Và đây là xã hội dân sự nói chung, chứ không phải chỉ là các tổ chức phi chính phủ được tài trợ của nước ngoài. Quý vị không thể tiến hành công cuộc nghiên cứu riêng, và công bố trong thời gian vận động, những cuộc thăm dò công luận, quý vị không thể đưa ra các tuyên bố có thể coi như là xúc phâm bất cứ chính đảng nào.”

Ông nói bộ luật hạn chế vai trò của xã hội dân sự vào thời điểm quan trọng nhất trong một nền dân chủ đất nước.

“Và nếu không có xã hội dân sự tôi không biết làm thế nào có thể có được những cuộc tranh luận sống động, làm thế nào có thể có được những nhận định thực sự và những đóng góp ý kiến và quyền lợi khác nhau. Và tôi cho rằng điều đó sẽ có tác động rất lớn đối với toàn bộ nền dân chủ; tôi nghĩ nền dân chủ nói chung sẽ bị thiệt hại vì bộ luật mới này.”

Một số điều khoản sẽ cho phép một chính đảng bị gạt ra khỏi lá phiếu nếu một trong các thành viên vi phạm một số quy định nào đó.

Ông Ou Virak cho rằng điều khoản đó sẽ làm cho một chín đảng bị gạt ra khỏi lá phiếu nếu một trong các thành viên vi phạm một số quy định nào đó, và điều khoản này rất dễ bị lạm dụng.

“Và ở một quốc gia như Campuchia, chỉ cần Đảng Nhân dân Campuchia nhận thấy một ứng cử viên đã kích động hận thù hay vi phạm điều khoản đó, là họ có thể gạt toàn bộ phe đối lập ra hoặc họ có thể cài người vào làm việc ấy.

Lãnh đạo Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia đối lập, ông Sam Rainsy (phải) trong một cuộc họp báo tại Phnom Penh.

Bộ luật kia chi phối Uỷ ban Bầu cử Toàn Quốc NEC, mà các thành viên lâu này bị cáo buộc là thiên vị đối với đảng cầm quyền.

NEC mới với 9 thành viên sẽ có 4 thành viên tử mỗi đảng cùng với một người thứ 9 độc lập (không thuộc đảng nào) có lá phiếu quyết định.

Ông Ou Virak nói NEC mới sẽ là một sự cải tiến, mặc dầu từ một cơ sở rất thấp.

Thủ lãnh đối lập Sam Rainsy được báo Phnom Penh trích thuật nói rằng, “Chúng tôi muốn mọi thứ đều toàn hảo, nhưng chúng ta không thể tự mình đạt được thành công 100%.”

Ông Ou Virak nói phe đối lập dường như nghĩ rằng họ có thể nhượng bộ, với điều kiện chiếm được 4 ghế trong Uỷ ban Bầu cử Toàn quốc, và họ sẽ thắng vào năm 2018. Theo ông, giả thiết đó là sai lầm.