Một tổ chức nhân quyền hàng đầu của Hoa Kỳ hôm thứ Năm nói chính phủ Campuchia vẫn còn thất bại trong việc bảo vệ công nhân thuộc khu vực dệt may cấp thiết của nước này. Trong một phúc trình mới, Human Rights Watch nói lực lượng lao động chủ yếu là phụ nữ ở Campuchia phải đối mặt với nhiều hành vi lạm dụng, trong đó có việc buộc phải làm thêm giờ, sách nhiễu và thiếu sự hỗ trợ tại các nhà máy dành cho phụ nữ mang thai. Từ Phnom Penh, thông tín viên VOA Robert Carmichael gửi về bài tường thuật.
Theo bà Aruna Kashyap, nhà nghiên cứu cấp cao của Human Rights Watch, trong vô số các vấn đề mà công nhân thuộc khu vực dệt may ở Campuchia phải đối mặt, có việc buộc phải làm thêm giờ, phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai, và việc các nhà máy liên tục sử dụng các hợp đồng ngắn hạn để né tránh các điều khoản trong Luật Lao động được lập ra để bảo vệ công nhân.
Bà Kashyap, tác giả bản phúc trình có tựa là “Làm Việc Nhanh hơn không thì bị đuổi,” nói rằng trách nhiệm đối với những thất bại này thuộc về chính phủ Campuchia, nhất là Bộ Lao động.
Human Rights Watch nói các thanh tra bộ lao động thường xuyên nhận hối lộ của các chủ nhà máy để làm lơ những vụ vi phạm luật lệ. Tổ chức này mô tả chế độ thanh tra là “hỏng.”
Bà Kashyap nói: “Đề nghị hàng đầu của chúng tôi đối với chính phủ Campuchia là họ cần phải chứng tỏ ý chí chính trị trong việc thực thi Luật Lao động, và với một cách thức có hệ thống, buộc các nhà máy phải chịu trách nhiệm khi họ không tuân thủ Luật Lao động – bởi vì họ có một bộ Luật Lao động rất mạnh.”
Bà Kashyap nêu bật sự cần thiết phải diệt trừ tham nhũng trong giới thanh tra bộ lao động, và nói rằng đó là điểm chủ chốt để cải thiện điều kiện làm việc trong các công xưởng ở Campuchia.
Sản xuất hàng dệt may là tâm điểm của nền kinh tế Campuchia. Khu vực này không những tuyển dụng lao động nhiều nhất, với khoảng 700.000 công nhân, đa số là phụ nữ, mà còn là nguồn thu nhập ngoại tệ chủ yếu của nước này, với số thu hơn 5 tỷ đôla hàng năm, chủ yếu là xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Liên Hiệp châu Âu.
Hàng chục thương hiệu nổi tiếng Tây phương thuê mướn nhân công Campuchia, trả tiền cho các nhà máy có cơ sở ở nước này để sản xuất quần áo.
Khu vực này dựa trên các nhãn hiệu quen thuộc như H&M, Adidas, Gap và Armani, nhưng tiếng tăm của họ đã bị thiệt hại trong những năm vừa qua với những vụ tranh chấp lao động và những hành vi chèn ép các công đoàn độc lập.
Vụ tranh chấp lên tới cao điểm vào đầu năm 2014, khi chính quyền Campuchia bắn chết ít nhất 5 công nhân trong những vụ đình công để đòi tăng mức lương tối thiểu và cải thiện điều kiện làm việc.
Tổ chức Human Rights Watch nói các công ty với nhãn hiệu nổi tiếng cũng phải có hành động. Bà Kashyap nói một vài công ty đã có biện pháp, và cho biết thêm rằng H&M, Adidas và Gap đã có phản ứng thuận lợi trước các nhận định trong bản phúc trình. Tuy nhiên, các công ty khác, kể cả Armani đã không đáp ứng.
Bà Kashyap nói như thế vẫn chưa đủ, nhất là sau vụ sập nhà máy Rana Plaza ở Bangladesh khiến hơn 1.000 công nhân thiệt mạng.
Bà Kashyap cho biết: “Đề nghị đầu tiên với các thương hiệu là họ cần phải công khai danh sách các nhà cung ứng của họ.”
Đó là một việc quan trọng bởi vì nhiều công xưởng chuyên may quần áo cho các thương hiệu Tây phương đã lén lút sử dụng lao động của các nhà máy khác; là những nơi không được kiểm tra, và điều kiện lao động thường còn tệ hại hơn nhiều.
Bà Kashyap nói: “Chỉ có một vài nhãn hiệu công khai tiết lộ tên các nhà cung ứng. Không thể thoả hiệp về vấn đề này. Tôi nghĩ sau vụ Rana Plaza, chúng ta đã thấy rõ tai hại của việc thiếu minh bạch và tôi không cho rằng các công ty hàng hiệu có thể nói rằng họ không muốn tiết lộ danh sách các nhà cung ứng vì lý do lợi thế cạnh tranh hay bí mật kinh doanh.”
Ngoài ra, Human Rights Watch muốn các công ty hàng hiệu phải đạt thành tích tốt hơn trong việc theo dõi dây chuyền cung cấp.
Trong một thông cáo, đại công ty bán lẻ H&M cho biết họ đồng ý với nhiều kết luận của bản phúc trình, trong đó có hậu quả tiêu cực của việc lạm dụng hợp đồng ngắn hạn, và cho biết thêm rằng công ty đang có biện pháp buộc các nguồn cung cấp phải chấm dứt cách làm việc đó.
H&M cũng nằm trong số các công ty đầu tiên công bố một danh sách các nhà cung ứng ở Campuchia, giúp cho việc báo cáo những hợp đồng phụ trái phép được dễ dàng hơn.
Nhưng nhiều công ty hàng hiệu khác có rất ít biện pháp hoặc thậm chí không có biện pháp nào. Human Rights Watch thừa nhận là những vấn đề mà họ nêu ra không phải là mới, và do đó, tình cảnh của công nhân sẽ tiếp tục bị khốn đốn cho tới khi nào chính phủ Campuchia quyết định chấp hành luật pháp của chính nước họ.