Đường dẫn truy cập

Giới trẻ thúc đẩy thay đổi về tiêu chuẩn giới ở Campuchia


Học sinh, sinh viên Campuchia vẫy cờ trong lễ kỷ niệm ngày Độc lập. (Ảnh tư liệu)
Học sinh, sinh viên Campuchia vẫy cờ trong lễ kỷ niệm ngày Độc lập. (Ảnh tư liệu)

Jennifer Smith, Soksreinith Ten, Robert Carmichael

Các nhà lãnh đạo chính trị nữ giới vẫn chưa tạo được ảnh hưởng chính trị đáng kể ở Campuchia. Nhưng một báo cáo mới của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID cho biết sự đại diện tiêu biểu của những nhà lãnh đạo nữ đang dần thay đổi thái độ của các bạn trẻ Campuchia, là lực lượng nòng cốt thúc đẩy sự bình đẳng lớn hơn. Nhưng mặt khác, có một vấn nạn mà phụ nữ Campuchia vẫn phải đối mặt giống như phụ nữ ở nhiều nơi khác trên thế giới đó là bạo lực gia đình.

Mặc dù các yêu cầu chính sách của chính phủ Campuchia “đòi hỏi có sự đại diện của nữ giới trong các ủy ban lãnh đạo,” nhưng các nhà lãnh đạo nam giới vẫn chiếm phần lớn trong số tất cả các lĩnh vực của chính phủ, theo bản báo cáo của USAID có tựa đề “Sự Lãnh đạo của Phụ nữ là một con đường hướng tới Quyền năng lớn hơn.”

Bản báo cáo nhận thấy một trong những nhân tố lớn nhất kìm hãm khả năng của phụ nữ đó là sự thiếu tự tin và sự ủng hộ của gia đình và cộng đồng. Mặc dù sự ủng hộ từ cánh nam giới và chính phủ Campuchia ngày một gia tăng, nhưng những điều được gọi là “tiêu chuẩn văn hóa” vẫn thường ngăn cản phụ nữ theo đuổi những vai trò lãnh đạo chính trị và tham gia vào những hoạt động tương tác với công chúng.

Người đánh giá chương trình cho bản báo cáo của USAID, bà Darcy Ashman, giải thích rằng những quy tắc hành xử truyền thống dành cho phụ nữ Campuchia tiếp tục mang chức năng của một rào cản cho sự khai phóng:

“Bởi vì nền văn hóa ở đây nói với những người phụ nữ rằng ‘Chỗ của cô là ở nhà. Đàn ông mới là người cần xuất hiện trước công chúng.’ Thói thường, vẫn không có đủ tự tin để đảm nhận những vai trò đó.”

Bà Mu Sochua, thành viên đảng đối lập của ông Sam Rainsy. (Ảnh tư liệu)
Bà Mu Sochua, thành viên đảng đối lập của ông Sam Rainsy. (Ảnh tư liệu)

Các chính trị gia, như nữ đại biểu quốc hội, bà Mu Sochua, đồng ý rằng thiếu tự tin là thách thức chính:

“Tại Campuchia, phụ nữ thường quyết định không đảm nhận các chức vụ bởi vì họ không chắc chắn về khả năng của bản thân, và điều đó không liên quan gì tới đảng chính trị cả.”

Các cơ hội dành cho phụ nữ để đạt được các vai trò công cử cũng thường bị giới hạn bởi vì những ràng buộc về trách nhiệm truyền thống chăm lo nhà cửa và phụ giúp thu nhập cho gia đình.

Giám đốc Trung tâm Campuchia về Nhân quyền, bà Sopheap Chak, đồng ý với bản báo cáo của tổ chức Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ rằng các cấu trúc xã hội ở Campuchia đã đẩy phụ nữ vào thế bất lợi. Nhưng bà nói rằng sự ủng hộ từ gia đình là động lực lớn nhất của bà trở thành một nhà lãnh đạo. Bà nói:

“Tôi cảm thấy rằng xã hội ở bên ngoài gia đình có xu hướng phân biệt đối xử phụ nữ, nhưng tôi may mắn vì có gia đình ủng hộ, khuyến khích tôi đi học, và đối xử với con trai và con gái bình đẳng như nhau.”

Nhà hoạt động về nhân quyền nổi tiếng kiêm giám đốc Hiệp hội Campuchia Cổ súy và Bảo vệ Nhân quyền, tiến sĩ Chhiv Kek Pung, cũng nói rằng sự ủng hộ từ gia đình đã giúp bà vừa làm vợ vừa hoạt động nhân quyền dễ dàng hơn:

“Tôi cảm thấy may mắn vì chồng tôi hiểu và ủng hộ tôi tham gia vào xã hội.”

Các chuyên gia về năng lực của phụ nữ và lãnh đạo chính trị thường nhắc tới sự thiếu hụt về cơ hội cho phụ nữ tiếp cận với giáo dục chất lượng cao, nói rằng điều này đã giới hạn phụ nữ trở nên năng động cả về mặt xã hội lẫn chính trị, đặc biệt là ở các cộng đồng nông thôn.

Và không những không thể tham gia chính trị một phần vì những ràng buộc trách nhiệm mang tính truyền thống, phụ nữ ở Campuchia còn phải đứng trước một cuộc chiến khác, cuộc chiến chống lại bạo lực gia đình.

Ba phụ nữ nhận giải thưởng VWX, cô Sum Dany, Phat Sreytouch và Bunn Rachana.
Ba phụ nữ nhận giải thưởng VWX, cô Sum Dany, Phat Sreytouch và Bunn Rachana.

Mới đây, ba phụ nữ Campuchia đã giành giải thưởng VXW vì những cống hiến trong việc sử dụng công nghệ cùng với những nỗ lực khác nhằm chiến đấu chống nạn bạo lực gia đình mà phụ nữ ở đây phải gánh chịu, một vấn nạn lớn tại quốc gia Đông Nam Á này.

Cô Bunn Rachana, một trong những người nhận giải, đã tham gia chống bạo lực nhắm vào phụ nữ được tám năm. Dự án mới nhất của cô hợp tác với ActionAid, một tổ chức phi lợi nhuận của Anh, là sáng kiến để cổ vũ sự an toàn cho phụ nữ ở các khu vực thành thị. Cô nói rằng, sách nhiễu phụ nữ ở Campuchia là chuyện thông thường:

“Đặc biệt là khi đi trên đường một mình, chúng ta gần như lúc nào cũng bị sách nhiễu, phải không. Có rất nhiều những cái hôn gió, nháy mắt, lời bình luận khiếm nhã về ngoại hình. Tôi nghĩ đó là một trong những vấn đề mà chúng ta, những phụ nữ, phải đối mặt nhưng nó lại bị bình thường hóa và không được đưa ra thảo luận thường xuyên.”

Còn cô Phat Sreytouch, một người thắng giải khác, thì giúp đỡ những phụ nữ làm việc trong ngành công nghiệp giải trí, bao gồm những cô gái quảng cáo bia, ca sĩ phòng karaoke, bồi bàn, tất cả những đối tượng thường xuyên bị quấy rối hoặc tồi tệ hơn.

Và người thắng giải cuối cùng, cô Sum Dany, tác giả của những bài blog chuyên về vấn đề phụ nữ với nỗ lực nâng cao nhận thức và giảm bớt sự xấu hổ mà những phụ nữ bị bạo lực hành hạ thường cảm thấy.

Cô Bunn Rachana nghĩ rằng tình hình bạo lực đối với phụ nữ ở Campuchia đã được cải thiện trong những năm gần đây nhưng cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp những phụ nữ này, đặc biệt là trong phạm trù độc lập về kinh tế. Và mặc dù đàn ông là tâm điểm của mọi lời chỉ trích, cô Bunn mong muốn những giải thưởng tương lai sẽ công nhận những cống hiến mà một số đàn ông Campuchia đang làm để chống lại bạo lực ở phụ nữ. Cô nói:

“Sẽ rất tốt nếu chúng ta có một người đàn ông ngồi xuống và nói về quyền của phụ nữ, những vấn đề của phụ nữ, và những nỗ lực của phụ nữ. Vì thế mà tôi hy vọng lần sau sẽ có thêm nhiều sự tương đương giữa đàn ông và phụ nữ nữa.”

Trong lúc này, vẫn còn nhiều thách thức tồn tại. Những chuyện bạo lực xảy ra cho phụ nữ xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia chẳng hạn vẫn còn phổ biến. Một nỗ lực chống bạo lực thành công, theo lời các chuyên gia, cần sự đóng góp từ tất cả mọi thành phần trong xã hội Campuchia, bao gồm cả giới truyền thông.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG