Một quan chức hàng đầu của Trung Quốc yêu cầu Hong Kong “bóp chết từ trong trứng nước” bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào có thể đe dọa an ninh quốc gia và cảnh giác với “các thế lực phá hoại ẩn nấp trong xã hội”, theo nhà lãnh đạo của thành phố do Bắc Kinh bổ nhiệm.
Trở về Hong Kong sau các cuộc họp chính trị ở thủ đô Trung Quốc, Trưởng đặc khu Lý Gia Siêu hôm 6/3 nói rằng quan chức hàng đầu của Trung Quốc phụ trách các vấn đề Hong Kong, Hạ Bảo Long, đã yêu cầu ông phải cảnh giác cao độ về các rủi ro an ninh quốc gia.
Trung Quốc đã sử dụng luật an ninh quốc gia khắc nghiệt được thông qua vào năm 2020 để buộc tội các nhà hoạt động nhân quyền và các tổ chức ủng hộ dân chủ với các tội danh nghiêm trọng như ly khai và khủng bố với hình phạt lên đến chung thân.
Ông Hạ, giám đốc Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Ma Cao của Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nói với ông Lý rằng hãy tập trung vào nền kinh tế của Hong Kong, nhưng cũng cảnh báo rằng “rủi ro an ninh quốc gia vẫn tồn tại và một số thế lực phá hoại vẫn đang ẩn nấp trong xã hội”, ông Lý nói.
Ông nói với các phóng viên: “Chúng ta nên ngăn chặn bất kỳ động thái nào gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, hòa bình công cộng hoặc sự an toàn của Hong Kong, tiêu diệt chúng từ trong trứng nước và không để chúng phát triển”.
Ngày 7/3, tân Cao ủy Nhân quyền của Liên hiệp quốc Volker Türk đã bày tỏ quan ngại về luật an ninh quốc gia mà các tổ chức nhân quyền và chính phủ phương Tây lên án vì đã phá vỡ các quyền tự do dân sự mạnh mẽ trước đây của Hong Kong. Trong một bài phát biểu tại Geneva, ông nói văn phòng của ông đã mở các kênh liên lạc với Trung Quốc để theo dõi những lo ngại về các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả người Hồi giáo Uyghur và người Tây Tạng.
Chính quyền Hong Kong cho biết trong một thông cáo báo chí rằng các nhận xét mang tính kết luận của Ủy ban Liên hiệp quốc về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa “được tin tưởng một cách có chọn lọc và đưa ra những tuyên bố sâu rộng dựa trên một số thông tin sai lệch và những câu chuyện bị bóp méo, đồng thời đưa ra những bình luận phiến diện và thiếu sót về vấn đề tình hình nhân quyền ở Hong Kong.”
Bất chấp những lời chỉ trích này, ông Lý nói ông đã cam kết với ông Hạ rằng chính quyền của ông sẽ tăng cường thu thập thông tin tình báo và quản lý rủi ro.
“Chúng tôi sẽ kiên quyết trấn áp mọi nỗ lực phá hoại an ninh quốc gia, hòa bình và lợi ích chung của Hong Kong, đồng thời buộc những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật,” ông Lý nói.
Bình luận của ông Lý được đưa ra ngay sau khi một tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ địa phương hủy bỏ một cuộc biểu tình vào phút cuối và cảnh sát cảnh báo “các nhóm bạo lực” có thể muốn tham gia cuộc biểu tình.
Ban đầu, cảnh sát đã cho phép Hiệp hội Phụ nữ Công nhân Hong Kong tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày 5/3 để kêu gọi quyền lao động, quyền của phụ nữ và bình đẳng giới trước Ngày Quốc tế Phụ nữ. Nhưng Hiệp hội đã hủy bỏ cuộc tuần hành vào đêm hôm trước mà không đưa ra lý do.
Sau khi nhóm phụ nữ hủy bỏ cuộc tuần hành, một trong số ít các tổ chức ủng hộ dân chủ còn lại của Hong Kong, Liên đoàn Dân chủ Xã hội Chủ nghĩa, tiết lộ trong một tuyên bố rằng bốn thành viên của họ đã nhận được cảnh báo bằng lời nói từ các sĩ quan cảnh sát an ninh quốc gia rằng nếu họ xuất hiện tại cuộc biểu tình, họ sẽ bị bắt. Vào thời điểm dự kiến ban đầu của cuộc tuần hành vào ngày 5/3, hơn 30 cảnh sát đứng gác xung quanh Sân chơi Southorn ở trung tâm thành phố Wanchai.
Nếu diễn ra, cuộc biểu tình sẽ là cuộc biểu tình đòi quyền công dân lớn đầu tiên được cảnh sát chấp thuận kể từ khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực vào tháng 6 năm 2020 sau nhiều tháng biểu tình chống chính phủ.
Kể từ đó, hơn 50 tổ chức dân sự bao gồm các công đoàn, tổ chức nhân quyền, cơ quan truyền thông độc lập và các đảng phái chính trị đã đóng cửa. Trung Quốc khẳng định luật này là cần thiết để lập lại trật tự sau các cuộc biểu tình kéo dài vào năm 2019.