Phụ nữ Hồi giáo đầu tiên làm thượng nghị sĩ tiểu bang ở Australia

Bà Mehreen Faruqi sắp trở thành phụ nữ Hồi giáo đầu tiên phục vụ tại một nghị viện ở Australia. (http://mehreenfaruqi.com)

Một di dân người Pakistan sắp trở thành phụ nữ Hồi giáo đầu tiên phục vụ tại một nghị viện ở Australia. Bà Mehreen Faruqi, một nhân vật nổi tiếng trong ngành kỹ sư môi trường, đã được Đảng Xanh ở tiểu bang New South Wales chọn làm người điền khuyết cho ghế thượng nghị sĩ của nghị viện tiểu bang. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gởi về bài tường sau đây.

Bà Mehreen Faruqi từ Pakistan di dân tới Úc cùng với gia đình vào năm 1992. Trên trang mạng Twitter, bà tự mô tả là “một kỹ sư môi trường, một người hoạt động tích cực về vấn đề biến đổi khí hậu, cảm thấy hãnh diện là một thành viên công đoàn và tranh đấu cho nữ quyền.”

Bà được chọn để đại diện Đảng Xanh, một đảng trung tả, tại nghị viện tiểu bang New South Wales, nghị viện đầu tiên của nước Úc. Vị giáo sư đại học này đã được chọn thông qua một cuộc bỏ phiếu qua bưu điện của các đảng viên, trong cuộc tranh đua giữa 7 ứng viên mà trong đó chỉ có một người phụ nữ được tranh cử.

Bà Faruqi sẽ nhậm chức vào tháng 7, khi bà trở thành phụ nữ Hồi giáo đầu tiên phục vụ tại các nghị viện liên bang, tiểu bang hay vùng lãnh thổ của nước Úc.

Hiện giờ bà đang dạy học tại Đại học New South Wales.

Bà cho biết tín ngưỡng đối với bà là quan trọng, nhưng các thành tựu về mặt chức nghiệp cũng quan trọng không kém.

Bà Faruqi nói: "Tôi lớn lên ở Pakistan trong một nền văn hóa Hồi giáo và một gia đình Hồi giáo và tôi nghĩ rằng tôi là người có tính cách tiêu biểu cho những người Hồi giáo Australia gốc Pakistan, là những người mà như quí vị đã biết, là những người không uống rượu và kiêng ăn trong tháng chay Ramadan. Nhưng tôi muốn nói rằng đó là một khía cạnh của con người tôi. Tôi thật sự muốn được xác định bởi những gì mà tôi làm trong lãnh vực nghề nghiệp và những gì mà tôi làm cho xã hội nói chung."

Tuy nhiên, các nhóm Hồi giáo nói rằng bà Faruqi sẽ gặp khó khăn trong việc dung hòa những giáo lý của đạo Hồi với những chính sách của Đảng Xanh, đặc biệt là sự ủng hộ của đảng này đối với hôn nhân đồng tính.

Mặc dù vậy, bà Faruqi cho biết bà tin rằng tín ngưỡng không dính dáng gì tới sinh hoạt chính trị ở Australia.

Bà Faruqi nói tiếp: "Tôi không nhận thấy tôn giáo có một vai trò nào trong chính phủ và cũng không nên có vai trò nào. Như quí vị cũng biết, tôi không phải là người phát ngôn của đạo Hồi. Có rất nhiều các nhà lập pháp khác là những người Cơ đốc giáo, và cũng tương tự như vậy, họ không phải là người phát ngôn của giáo hội."

Đó là một điểm rất quan trọng mà chúng ta cần phải nêu ra. Và như tôi đã nói, tôi gia nhập Đảng Xanh vì đảng này có một lập trường thật sự mạnh mẽ về tính chất bền vững, công bằng xã hội, nhân quyền và tinh thần đa văn hóa.

Tuy nhiên, ông Keysar Trad, người sáng lập Hiệp hội Hữu nghị Hồi giáo Australia, cho rằng sự nghiệp chính trị của tân nghị viên này sẽ làm cho bà bị mâu thuẫn với các triết lý cơ bản của tôn giáo của bà.

Ông Trad nói: "Bà ấy sẽ ủng hộ cho những việc như hôn nhân đồng tính và điều đó mâu thuẫn trực tiếp với giáo lý của đạo Hồi. Tôi không biết bà ấy sẽ giữ vững lập trường hay không và bà sẽ làm thế nào để dung hòa giữa hai bên. Điều này không có nghĩa là chúng tôi muốn người ta phải chê trách những người trong cộng đồng đồng tính, nhưng tôn giáo của chúng tôi đã xác định thật rõ ràng rằng hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ."

Australia có khoảng 475.000 người Hồi giáo, chiếm khoảng 2% dân số. Đây là một cộng đồng đa dạng, với những tín đồ đến từ hơn 70 nước khác nhau, trong đó có Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Li Băng. Chỉ có một số rất nhỏ những người đàn ông Hồi giáo được bầu vào các nghị viện ở Australia. Ông Ed Husic đã trở thành người Hồi giáo đầu tiên được bầu vào quốc hội liên bang ở Canberra trong cuộc bầu cử năm 2010. Ông Husic, sinh trưởng trong một gia đình di dân người Bosnia, đại diện cho Đảng Lao động và đã tuyên thệ nhậm chức trong lúc đặt tay lên cuốn kinh Koran của gia đình ông.

Bà Marion Maddox, giáo sư tôn giáo và chính trị học của Đại học Macquaire, nói rằng những người thuộc các cộng đồng thiểu số ở Australia rất ít người thành công trong sinh hoạt chính trị nghị trường.

Bà Maddox nói: "Các nghị viện ở Úc nổi tiếng là không đa dạng, xét theo mọi khía cạnh. Phải mất một thời gian rất lâu để những người thuộc các sắc dân thiểu số tiến vào các nghị viện, ngoại trừ những người Úc gốc Do Thái. Đã có những người gốc Do Thái trong nghị viện Úc ngay từ lúc ban đầu. Cách thức bầu chọn các nghị viên Úc làm cho những người mà bề ngoài không thuộc giòng chính rất khó đắc cử."

Các nhà phân tích cho rằng sẽ có thêm những người thiểu số tạo ra dấu ấn trên chính trường nước Úc trong lúc sự đa dạng sắc tộc của nước này gia tăng. Khoảng 1 phần tư dân số Úc hiện này là người sinh ra ở nước khác. Dân số Úc hồi đầu tuần này vượt mức 23 triệu, và phần lớn sự tăng trưởng dân số là do di dân tạo nên.

Bà Faruqi sẽ tuyên thệ nhậm chức vào tháng 7 và phụ trách các công tác của Đảng Xanh liên quan tới các vấn đề môi trường, giao thông và địa vị của phụ nữ.