Việt Nam đặt mục tiêu cải tạo ngành lúa gạo, giúp ngành này có khả năng chống chọi tốt hơn với biến đổi khí hậu đồng thời giảm lượng khí methane, một loại khí nhà kính có tác hại hơn nhiều so với carbon dioxide (CO2), một phóng sự của hãng thông tấn Mỹ AP cho hay hôm 23/4. Lúa gạo tạo ra khoảng 8% lượng phát thải methane trên toàn cầu.
Chính phủ Việt Nam nhắm mục tiêu trồng lúa “phát thải thấp” trên một triệu hectare đất, khuyến khích nông dân sử dụng hệ thống tưới tiêu mới, theo đó, ruộng lúa không cần luôn luôn có nước mà thỉnh thoảng sẽ để cạn nước. Bên cạnh đó, người ta sử dụng các hạt giống mới có khả năng chịu đựng khí hậu khắc nghiệt hơn, phóng sự của AP cho biết.
Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều thứ 3 thế giới và phải thích ứng vì nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, theo bài viết của AP.
Một số nông dân ở tỉnh Long An thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), miền nam Việt Nam, đang áp dụng cách canh tác mới: Ruộng không ngập nước hoàn toàn nên cần ít nước hơn và có máy bay không người lái cỡ lớn bón phân hữu cơ cho lúa.
Việt Nam hy vọng 2 kỹ thuật mới kể trên sẽ giúp giải quyết nghịch lý cốt lõi của nghề lúa: Loại cây trồng khó tính này không chỉ dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu mà còn góp phần gây ra biến đổi khí hậu.
Không thể trồng lúa chung với các loại cây khác và mạ phải được cấy từng cây một trên ruộng ngập nước; kiểu canh tác này tốn công sức và nước, tạo ra nhiều khí methane, một loại khí làm nóng trái đất rất nhiều, có thể giữ nhiệt trong khí quyển gấp hơn 80 lần so với CO2 trong ngắn hạn.
Đây là một vấn đề đặc trưng của việc trồng lúa, vì những cánh đồng ngập nước ngăn oxy ngấm vào đất, tạo điều kiện sống cho các loại vi khuẩn sản sinh ra khí methane. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp năm 2023, các cánh đồng lúa đóng góp 8% tổng lượng khí methane do con người tạo ra trong khí quyển.
Một số nông dân vùng ĐBSCL làm việc với một trong những hãng xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam là Tập đoàn Lộc Trời trong 2 năm qua và áp dụng phương pháp tưới tiêu mới có tên “tưới ngập khô luân phiên”, hoặc “tưới ngập khô xen kẽ”. Cách này cần ít nước hơn so với kiểu canh tác truyền thống vì ruộng lúa không cần phải luôn luôn ngập nước và cũng tạo ra ít khí methane hơn.
Sử dụng máy bay không người lái để bón phân cho lúa giúp tiết kiệm tiền công và cũng đảm bảo chính xác lượng phân bón. Bón quá nhiều phân khiến đất thải ra khí nitơ làm trái đất nóng lên.
Sau khi thu hoạch lúa, người nông dân không còn đốt rơm rạ nữa – vốn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Việt Nam và các nước láng giềng, cũng như ở Thái Lan và Ấn Độ. Thay vào đó, Tập đoàn Lộc Trời thu gom để bán cho các công ty khác sử dụng chúng làm thức ăn chăn nuôi và trồng nấm rơm.
Áp dụng các kỹ thuật mới, người nông dân hưởng lợi về nhiều mặt. Chi phí của họ giảm xuống trong khi sản lượng trên đồng vẫn giữ nguyên. Việc sử dụng phân bón hữu cơ giúp họ có thể bán được gạo sang thị trường châu Âu, nơi khách hàng sẵn sàng trả giá cao cho gạo hữu cơ. Ngoài ra, họ còn tiết kiệm được thời gian.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Giám đốc điều hành Tập đoàn Lộc Trời, nói trong phóng sự của AP rằng những phương pháp này giúp nông dân sử dụng ít hạt giống hơn 40% và ít nước hơn 30%. Chi phí thuốc trừ sâu, phân bón và tiền công cũng thấp hơn. Ông Thuận cho hay hãng của ông đang hợp tác với nông dân để mở rộng diện tích áp dụng phương pháp của hãng từ 100 ha hiện nay lên 300.000 ha. Lộc Trời xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia bao gồm châu Âu, châu Phi, Mỹ và Nhật Bản.
Con số 300.000 ha đó vẫn còn xa mới đạt mục tiêu của Việt Nam là trồng “lúa gạo chất lượng cao, ít phát thải” trên 1 triệu ha đất nông nghiệp vào năm 2030, phóng sự của AP viết. Các quan chức Việt Nam ước tính nếu làm được như vậy sẽ giảm chi phí sản xuất xuống 1/5 và tăng lợi nhuận của nông dân lên hơn 600 triệu đô la, theo tin của Vietnam News, được AP dẫn lại.
Việt Nam đã sớm nhận ra rằng phải tái cơ cấu ngành lúa gạo. Đi trước cả Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn nhất đã ký cam kết năm 2021 về giảm lượng phát thải khí methane tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hàng năm của LHQ ở Glasgow, Scotland, AP ghi nhận.
Rất tốn kém khi thay đổi các phương pháp canh tác lúa gạo đã có hàng thế kỷ, ông Ajay Banga, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ tại Dubai năm ngoái.
Nhưng ông Banga cũng chỉ ra rằng việc chống phát thải methane là một lĩnh vực hiếm hoi có thể thấy rõ là có các giải pháp ít tốn kém, có hiệu quả và có thể nhân rộng. Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam và đã bắt đầu giúp chính phủ Indonesia mở rộng việc canh tác nông nghiệp thích ứng với khí hậu trong khuôn khổ hơn 10 dự án nhằm giảm lượng khí methane trên toàn thế giới.