Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm qua và Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để tăng cường xuất khẩu mà không lo mất an ninh lương thực trong nước, các quan chức được dẫn lời nói tại một hội nghị ở Cần Thơ.
Theo đó, đến đầu tháng 8 năm nay, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức 590 đô la mỗi tấn, mức cao nhất trong 11 năm, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, được VnExpress dẫn lời nói tại hội nghị bàn về xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm hôm 4/8 tại Cần Thơ.
Còn theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam được Tuổi Trẻ dẫn lại thì đến ngày 3/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt mức 598 đô la một tấn, tức là áp sát mức 600 đô la.
Sở dĩ giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang tăng cao vì các nước nhập khẩu đang tranh mua gạo, cũng theo VnExpress, và có nước đặt mua gấp nhiều lần so với trước trong bối cảnh Ấn Độ, Nga và UAE vừa cấm xuất khẩu gạo còn Thái Lan cân nhắc giảm diện tích trồng lúa do thời tiết không thuận lợi.
Như vậy chỉ hai tuần từ sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo hôm 20/7, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã tăng 65 đô la/tấn, Tuổi Trẻ dẫn số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết.
So với tháng trước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 7 đã tăng thêm 80 đô la mỗi tấn, cũng theo lời ông Đông. Nếu so với quý một, khi giá gạo chỉ có 450 đô la mỗi tấn, thì hiện nay giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 30%.
Cá biệt, Công ty Ngọc Hoa ở Cần Thơ còn ký được hợp đồng với giá 660 đô la một tấn gạo, mức cao kỷ lục trong lịch sử xuất khẩu gạo của Việt Nam, giám đốc công ty này là bà Nguyễn Thị Bích Huyền được dẫn lời cho biết tại hội nghị.
Số liệu của Bộ Công thương cho thấy các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc và Philippines, đã tăng mua gạo của Việt Nam gần 36% so cùng kỳ năm ngoái còn thị trường châu Âu tăng mua 28% .
Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp tăng mua gạo để xuất khẩu dẫn đến giá gạo trên thị trường trong nước cũng tăng theo, gây ra nguy cơ bất ổn xã hội do gạo là mặt hàng thiết yếu trong đời sống của gần 100 triệu dân trong nước.
Dù chỉ mới bước qua tháng 8 nhưng giá gạo bán lẻ trong nước tùy loại đã tăng thêm từ 850 đến 940 đồng mỗi ký so với tháng 7 và tăng từ 2.400 đến 3.400 đồng mỗi ký so với cùng kỳ năm ngoái, VnExpress cho biết.
Phát biểu tại hội nghị ở Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên được trang tin điện tử của bộ này dẫn lời chỉ đạo bên cạnh tận dụng thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu gạo thì ‘vẫn phải bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống’.
Theo đó, ông Diên yêu cầu hai tổng công ty lương thực ở miền Bắc và niềm Nam ‘phải đảm bảo duy trì thu mua và dự trữ lúa gạo theo quy định của Nhà nước’.
Tuy nhiên, ông Diên cho rằng lúc này là ‘thời cơ’ để Việt Nam tăng cường xuất khẩu gạo cũng như giành thêm thị phần của các nước xuất khẩu gạo khác, nhất là ở các thị trường mới.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị Chính phủ ra chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt của bộ này, cho rằng ‘việc đẩy mạnh xuất khẩu tại thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực’, theo Cổng thông tin Điện tử Chính phủ.
Báo cáo của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong năm 2023, cả nước đã và sẽ gieo trồng 7,1 triệu ha với sản lượng trên 43 triệu tấn lúa, tương đương 20 triệu tấn gạo. Sau khi trừ ra số lượng để tiêu thụ trong nước cũng như để dự trữ thì còn lại trên 1/3, tức vào khoảng 7 triệu tấn gạo, sẽ được dành cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, đó là kịch bản lạc quan trong trường hợp không gặp thiên tai dịch bệnh và gặt hái diễn ra suôn sẻ.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 7, Việt Nam đã xuất khẩu được 4,83 triệu tấn gạo với giá trị gần 2,6 tỷ đô la, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn