Cuộc chiến tránh bị dẫn độ sang Hoa Kỳ của người sáng lập WikiLeaks Julian Assange đã nhận được sự ủng hộ to lớn hôm 20/5 khi Tòa án Cấp cao London ra phán quyết rằng những đảm bảo của Hoa Kỳ đối với trường hợp của ông là không thỏa đáng và ông sẽ có một phiên điều trần kháng cáo đầy đủ.
Vào tháng 3, Tòa án Cấp cao đã tạm thời cho phép ông Assange, 52 tuổi, kháng cáo dựa trên ba lý do. Nhưng điều này cũng đã cho Hoa Kỳ cơ hội để đưa ra những đảm bảo thỏa đáng rằng họ sẽ không tìm kiếm án tử hình và sẽ cho phép ông tìm cách vận dụng quyền tự do ngôn luận trong Tu chính án thứ nhất tại một phiên xét xử.
Trong một phán quyết ngắn, hai thẩm phán cấp cao cho biết đệ trình của Hoa Kỳ là không đủ và cho biết họ sẽ cho phép tiến hành kháng cáo.
Các luật sư của ông Julian Assange hôm 20/5 nói với Tòa án Cấp cao London rằng người sáng lập WikiLeaks không nên bị dẫn độ sang Mỹ do vụ rò rỉ hàng loạt tài liệu bí mật của Hoa Kỳ vì ông có thể không được dùng quyền tự do ngôn luận của mình.
Hàng trăm người biểu tình đã tụ tập bên ngoài tòa án trước điều có thể là đỉnh điểm của 13 năm đấu tranh pháp lý trước khi khi hai thẩm tuyên bố liệu họ có hài lòng với sự đảm bảo của Hoa Kỳ rằng ông Assange có thể được dùng quyền quy định trong Tu chính án thứ nhất hay không nếu ông bị xét xử vì tội làm gián điệp ở Mỹ.
Đội ngũ pháp lý của ông Assange trước đó nói rằng ông có thể bị đưa lên máy bay trong chuyến bay qua Đại Tây Dương trong vòng 24 giờ kể từ khi có quyết định, nhưng ông cũng có thể được ra tù hoặc lại bị sa lầy trong nhiều tháng của cuộc chiến pháp lý.
Luật sư Edward Fitzgerald của ông nói rằng các thẩm phán không nên chấp nhận sự đảm bảo của các công tố viên Hoa Kỳ rằng ông Assange có thể tìm cách vận dụng các quyền và sự bảo vệ được đưa ra theo Tu chính án thứ nhất, vì tòa án Hoa Kỳ sẽ không bị ràng buộc bởi điều này.
“Chúng tôi cho rằng đây là một sự đảm bảo không thỏa đáng một cách trắng trợn,” vị luật sư này nói trước tòa.
Ông Fitzgerald chấp nhận một đảm bảo riêng rẽ rằng ông Assange sẽ không phải đối mặt với án tử hình, và nói rằng Hoa Kỳ đã đưa ra một "lời hứa rõ ràng là không buộc tội bất kỳ hành vi phạm tội nào."
Mỹ cho biết những đảm bảo của Tu chính án thứ nhất là đủ.
Ông James Lewis, đại diện cho chính quyền Mỹ, cho biết trong các tài liệu của tòa án rằng sự đảm bảo này “không thể ràng buộc các tòa án”, nhưng các tòa án Hoa Kỳ sẽ “có thông báo chính thức và có hiệu lực trong chừng mực họ có thể thực hiện được đối với lời hứa do bên hành pháp đưa ra”.
Biểu tình kêu gọi TT Biden
Những người biểu tình tụ tập bên ngoài tòa án vào sáng sớm ngày 20/5 với các dải ruy băng màu vàng buộc vào lan can sắt, và cầm biểu ngữ trong khi hô vang "Trả tự do cho Julian Assange". Các lá cờ viết dòng chữ "#Hãy để ông ấy đi Joe" trong lời cầu xin Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Một người biểu tình tên Emilia Butlin, 54 tuổi, nói với Reuters rằng cô muốn thể hiện sự đoàn kết: "Ông [Assange], bằng công việc của mình, đã cung cấp dịch vụ to lớn cho công chúng, thông báo cho họ về những gì chính phủ đang làm dưới danh nghĩa của họ."
Luật sư Fitzgerald cho biết, vợ của ông Assange, bà Stella đã xuất hiện tại tòa cùng với anh trai và cha của nhà sáng lập WikiLeaks, nhưng ông Assange vắng mặt vì lý do sức khỏe.
WikiLeaks đã công bố hàng trăm nghìn tài liệu quân sự mật của Hoa Kỳ về các cuộc chiến của Washington ở Afghanistan và Iraq – cho thấy những vi phạm an ninh lớn nhất thuộc loại này trong lịch sử quân sự Hoa Kỳ – cùng với hàng loạt điện tín ngoại giao.
Vào tháng 4 năm 2010, họ đã công bố một đoạn video mật cho thấy một cuộc tấn công bằng trực thăng của Mỹ năm 2007 đã giết chết hàng chục người ở thủ đô Baghdad của Iraq, trong đó có hai nhân viên của hãng tin Reuters.
Chính quyền Mỹ muốn đưa ông Assange, sinh ra ở Úc, ra xét xử với 18 tội danh, gần như tất cả theo Đạo luật gián điệp, và nói rằng hành động của ông với WikiLeaks là liều lĩnh, gây tổn hại đến an ninh quốc gia và gây nguy hiểm đến tính mạng của các đặc vụ.
Nhiều người ủng hộ ông Assange trên toàn cầu gọi việc truy tố là một trò hề, một cuộc tấn công vào báo chí và quyền tự do ngôn luận, đồng thời là hành động trả thù vì đã gây ra sự bối rối. Những lời kêu gọi hủy bỏ vụ án đã được các nhóm nhân quyền, cơ quan truyền thông và Thủ tướng Úc Anthony Albanese, cùng với các nhà lãnh đạo chính trị khác đưa ra.
Ông Assange lần đầu tiên bị bắt ở Anh vào năm 2010 theo lệnh truy nã của Thụy Điển về các cáo buộc tội phạm tình dục nhưng sau đó đã bị bãi bỏ.
Kể từ đó, ông bị quản thúc tại gia, ẩn náu trong đại sứ quán Ecuador ở London trong bảy năm và, kể từ năm 2019, bị giam trong nhà tù an ninh hàng đầu Belmarsh trong khi chờ phán quyết dẫn độ gần đây.
Bà Stella đã nói rằng dù kết quả thế nào, bà cũng sẽ tiếp tục đấu tranh cho tự do của chồng mình. Nếu ông Assange được trả tự do, bà nói bà sẽ theo ông đến Úc hoặc bất cứ nơi nào an toàn cho chồng mình. Nếu ông Assange bị dẫn độ, bà cho biết tất cả các bằng chứng tâm thần được đưa ra tại tòa đều kết luận rằng có nguy cơ nghiêm trọng ông sẽ tự tử.