Cuộc quyên góp do một nhóm bạn trẻ Việt ở Mỹ khởi xướng để giúp Việt Nam đối phó dịch Covid-19 nhận được sự hưởng ứng vượt mong đợi chỉ trong thời gian ngắn và hiện phối hợp với tình nguyện viên trong nước để phân phối hàng cứu trợ đến đúng đối tượng.
Sau 9 ngày đóng góp, cuộc vận động ‘Chung tay vì Việt Nam’ đến 25/8 quyên được trên 13.000 đô la Mỹ, vượt quá mục tiêu ban đầu là 5.000 đô la.
Hiện đợt bùng phát Covid thứ hai ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp với tâm dịch ở Đà Nẵng. Tính đến ngày 26/8, Việt Nam ghi nhận 1.034 ca nhiễm, 29 ca tử vong.
Theo tìm hiểu của VOA thì các bệnh viện trên tuyến đầu chống dịch ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang gần cạn trang thiết bị bảo hộ chuyên dụng trong khi đợt giãn cách xã hội thứ hai khiến đời sống của nhiều người lao động nghèo bị ảnh hưởng nặng nề.
‘Không thể bàng quan’
Nói về ý tưởng ‘Chung tay vì Việt Nam’, cô Đoàn Thị Minh Phượng, thành viên chủ chốt của nhóm, giải thích với VOA: “Bọn mình ở trong tâm dịch nên bọn mình có cảm nhận một cách rõ rệt nhất nó ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào đến bản thân mình cũng như bạn bè, người xung quanh.”
“Chưa kể bọn mình là người Việt Nam, đều từ Việt Nam sang Mỹ học tập sau đó làm việc. Khi dịch bùng phát ở Việt Nam thì là người Việt Nam thì không thể bàng quan trước tình hình đất nước chưa kể ở đấy có người thân và bạn bè của mình,” cô Phượng, vốn là đồng sáng lập Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam và Mạng lưới Chuyên gia Việt Nam tại Mỹ, nói.
Hiện đang sống ở St Louis, bang Missouri, cô Phượng là người kết nối các thành viên khác của nhóm bao gồm 3 người ở Mỹ và 3 người ở Việt Nam. Cô phụ trách mảng đối ngoại và truyền thông cho cuộc vận động.
“Chúng tôi rất là may mắn nhờ vào mối quan hệ cá nhân của mỗi người để tiếp cận được các mạng lưới người Việt khác nhau trên toàn nước Mỹ và trên thế giới,” cô nói thêm.
Từ tiểu bang Massachusetts, cô Bùi Ngọc Thi, một thành viên khác của nhóm, nói sáng kiến của nhóm đánh trúng vào chỗ cần và thiếu.
“Có nhiều người Việt Nam sống trên toàn thế giới muốn giúp đỡ mà không có cách nào hết vì họ đã ra nước ngoài thời gian dài nên không còn tài khoản ở Việt Nam mà việc đóng góp ở Việt Nam phải qua ngân hàng trong nước,” cô Thi trình bày.
Do đó, nhóm ‘Chung tay vì Việt Nam’ đã thông qua trang Gofundme để mở một cuộc gây quỹ qua mạng. “Làm như thế thì dù bất cứ ở đâu người Việt cũng có thể đóng góp được hết,” cô nói.
Trang Gofundme của nhóm khởi động từ ngày 16/8. Ban đầu, nhóm đặt mục tiêu là gây quỹ được 5.000 đô la trong 7 ngày nhưng chỉ sau 2 ngày đã cán mốc này. Và sau thời hạn 7 ngày, tức đến ngày 23/8, số tiền đạt được là 13.000 đô la – tức vượt rất nhiều so với mục tiêu ban đầu, cô Thi nói.
Cô Phượng cho biết sự quyên góp đến từ cả người Việt đang sinh sống, học tập ở Mỹ và Việt kiều nhưng ‘đa số là người Việt ở Mỹ’.
“Ai cũng muốn có sự gắn kết với quê nhà,” cô nói và cho biết khoản đóng góp lớn nhất cho đến nay là 650 đô la của một mạnh thường quân ẩn danh.
Mở rộng chương trình
Với sự hưởng ứng vượt mức mong đợi, cả nhóm quyết định tiếp tục kéo dài đợt quyên góp để mở rộng giúp đỡ sang các đối tượng khác.
“Tụi mình không chỉ muốn giúp đỡ Việt Nam trong giai đoạn bùng phát dịch mà còn tính đến quá trình hậu Covid nữa,” cô Đoàn Thị Minh Phượng nói.
Một thành viên khác của nhóm là cô Trương Phan Ngọc My, vốn đến từ Đà Nẵng và hiện đang sống và làm việc tại Boston, Massachusetts, nói với VOA: “Nhu cầu cực kỳ nhiều luôn, chỉ là mình có tiền để giúp đỡ hay không thôi.”
“Các nghiệp đoàn như chạy xích lô, các trường mầm non, các cơ sở du lịch cũng rất muốn được giúp đỡ,” cô My, người được phân công kết nối với nhóm trong nước và tìm các đối tượng cần giúp đỡ, cho biết.
Theo giải thích của cô, thì nhóm ‘Chung tay vì Việt Nam’ kết nối được với ‘Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng’ để nhóm này đứng ra tổng hợp nhu cầu cần hỗ trợ và chịu trách nhiệm phân phối hàng cứu trợ.
Đối tượng ưu tiên
Theo lời cô, do Đà Nẵng đang là tâm dịch được nhiều doanh nghiệp trong nước hỗ trợ nên ưu tiên hiện giờ của nhóm là những bệnh viện xa xôi ‘như Bệnh viện Núi Thành, Bệnh viện Bắc Trà My’.
Nơi đầu tiên nhận được giúp đỡ của nhóm, cô My nói, là huyện Nông Sơn, một huyện miền núi nghèo của tỉnh Quảng Nam có người đang bị cách ly vì có ca nhiễm Covid.
Sau khi đã giúp đỡ về phương tiện y tế chống dịch, ưu tiên tiếp theo của nhóm sẽ là ‘những nhóm đối tượng mà cuộc sống chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh như mất việc’, nhất là những người làm trong ngành du lịch ở Đà Nẵng, cô Phượng nói
Cô My cho biết thêm nhóm đã có được danh sách những người chạy xích lô thông qua Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng và vài ngày tới có thể sẽ trợ giúp cho họ phiếu ăn hay nhu yếu phẩm với mức dự kiến là 500.000 đồng/người.
Trả lời câu hỏi làm sao đảm bảo số tiền đóng góp của các mạnh thường quân đến được đúng nơi, đúng người cần được giúp đỡ, cô Phượng khẳng định ‘cả nhóm không ai có lợi ích cá nhân trong việc này’.
Cô My cho biết các đại diện trong ‘Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng’ có đội ngũ những người làm thiện nguyện trong cộng đồng giúp điều tra, xác minh các trường hợp khó khăn như phụ hồ, tiểu thương bán hàng ở chợ, cô cấp dưỡng ở trường mẫu giáo hay nhân viên các khách sạn.
“Khi mình chuyển những vật phẩm đến cho mọi người mình đều có con số, sự xác nhận và thông tin cá nhân của từng người. Kiểm tra được hoàn toàn là điều rất khó nhưng bọn mình có sự đối chiếu và kiểm tra một cách ngẫu nhiên,” cô Phượng nói.
‘Cố gắng dù vất vả’
Từ Hà Nội, chị Ngô Ngọc Linh, một trong ba thành viên của nhóm ở trong nước phụ trách thiết kế các ấn phẩm truyền thông cho cuộc vận động, nói với VOA rằng các thành viên dù bận bịu nhưng không ngại ‘cố gắng thêm một chút nữa vì mọi người, vì Việt Nam.’
“Rõ ràng khi mình làm ra như vậy đã có rất nhiều người hưởng ứng. Chính điều đó đã động viện bọn mình tiếp tục cố gắng làm việc quên mệt mỏi để có được nguồn tiền đến cho những người cần giúp đỡ,” cô Bùi Ngọc Thi ở Massachusetts chia sẻ.
Bản thân cô Thi ban đầu chỉ là quyên góp tiền cho nhóm và chia sẻ trang gây quỹ của nhóm trên trang mạng xã hội của cô nhưng sau đó đã được mời tham gia. “Ngay lập tức em tham gia ngay vì muốn góp sức với mọi người,” cô nói.
Cô Phượng cho biết nhóm hoạt động hiệu quả vì ‘thành viên của nhóm đều có nhiều quan hệ và nhiều kinh nghiệm vận động trong các chiến dịch gây quỹ khác nhau trong nhiều năm’.
“Tinh thần hướng về Việt Nam là động cơ bọn mình làm việc ngày đêm, đôi khi bỏ cả việc chính trên cơ quan để tập trung cho việc gây quỹ trong vòng 7 ngày,” cô Phượng nói.