Một bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở Việt Nam bày tỏ lo lắng về việc thiếu trang thiết bị bảo hộ chuyên dụng, nhưng bày tỏ ‘yên tâm’ bước vào cuộc chiến vì được sự hỗ trợ của đồng nghiệp và công chúng cả nước.
Kể từ 25/7, Việt Nam chứng kiến đợt tái phát Covid-19 sau hơn ba tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đà Nẵng hiện là tâm dịch với trên 200 ca dương tính được phát hiện trong gần hai tuần qua, tính tới ngày 6/8.
Tỉnh Quảng Nam giáp ranh Đà Nẵng cũng là một điểm nóng lây nhiễm virus corona với hàng chục ca dương tính được báo cáo kể từ khi dịch bùng phát trở lại.
‘Đủ cho một tháng’
Từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam thuộc Bộ Y tế ở xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, một bác sĩ làm việc ở đây cho biết hiện bệnh viện ‘đang thiếu thốn rất nhiều trang thiết bị bảo hộ và vật tư y tế chống dịch’.
Bác sĩ K. nói với VOA với điều kiện ẩn danh vì ông không có thẩm quyền phát ngôn cho bệnh viện. Nơi ông làm việc đã được Bộ Y tế chỉ định là cơ sở chuyên dành để chữa trị bệnh nhân Covid-19 để ‘chia lửa’ với Đà Nẵng.
Ông cho hay những ngày qua, bệnh viện đề xuất với Bộ Y tế cũng như kêu gọi hỗ trợ và ‘số lượng quyên góp khá là nhiều.’
“Tuy nhiên, những đồ vật tư y tế đạt chuẩn để vào vùng tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân dương tính còn rất hạn chế,” bác sĩ K. nói.
Theo lời ông thì hiện bệnh viện còn đủ đồ bảo hộ để dùng ‘trong vòng một tháng’. “Nhưng không biết dịch lúc nào sẽ dừng lại nên nếu về lâu dài thì sẽ hụt hơi,” ông nói.
Về tinh thần làm việc của các bác sĩ chống dịch, ông nói: “Anh em cũng không đến nỗi hoang mang vì các quy trình làm việc, các hướng dẫn an toàn và kiểm soát nhiễm khuẩn đều được đảm bảo.”
Cho đến giờ, tại bệnh viện này ‘chưa có trường hợp nhân viên y tế nào bị lây nhiễm vì đã đảm bảo quy trình phòng hộ’, ông cho biết.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đang nhận được sự chi viện của các bệnh viện hàng đầu trên cả nước như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Thành phố Hồ Chí Minh và sắp tới cũng sẽ có bác sĩ từ Hải Phòng vào, theo lời vị bác sĩ này.
Tử vong là ‘không tránh khỏi’
“Hiện tại số lượng bệnh nhân Covid-19 ở bệnh viện là gần 50 người dương tính và âm tính lần 1. Không có ai nguy kịch,” ông cho biết. “Có một số bệnh nhân phải thở máy nhưng không đến nỗi nguy kịch.”
Bác sĩ K. nói Bộ Y tế dự trù trường hợp số bệnh nhân tăng cao nên đã chỉ đạo ‘giải phóng’ toàn bộ bệnh viện để tập trung điều trị Covid-19 nên tỉnh Quảng Nam không cần xây bệnh viện dã chiến như ở Đà Nẵng.
“Bệnh viện thiết lập khu điều trị và khu cách ly cho các bác sĩ ngay trong bệnh viện. Các bác sĩ tham gia điều trị phải ở lại bệnh viện luôn để trực chiến. Nếu ra tua trực thì phải cách ly 14 ngày và phải được xét nghiệm âm tính thì mới được cho trở về với gia đình,” ông cho biết thêm.
Về sự sẵn sàng của bệnh viện khi được chỉ định chống dịch, ông K. nói ‘từ đầu năm bệnh viện đã tham gia điều trị cho một số ca bệnh, trong đó có một ca người nước ngoài’ và ‘đều chữa trị thành công’ nên bệnh viện ‘có kinh nghiệm’.
“Dịch Covid xảy ra trên toàn thế giới. Việc giao thương, đi lại, làm ăn trong thời điểm này thì lây nhiễm cộng đồng sẽ có,” ông chia sẻ lý do không cảm thấy bất ngờ trước đợt bùng phát trong cộng đồng lần này.
Ông nói sau một thời gian dài không có ca tử vong nào thì việc Việt Nam ghi nhận dồn dập các ca tử vong vì Covid-19 gần đây là ‘không ai mong muốn’.
“Ổ dịch lây nhiễm trong cộng đồng là từ các bệnh viện nên các bệnh nhân đã có sẵn bệnh nền,” ông giải thích. “Những bệnh nhân đó là nặng và không qua khỏi dù anh em bác sỹ cũng đã cố gắng hết sức.”
Bản thân ông ‘không có lo lắng gì nhiều’ vì ‘đã được tập huấn'. Tuy nhiên, làm việc xa gia đình chỉ có vấn đề là 'nhớ vợ, nhớ con thôi,’ ông giãi bày và cho biết ‘sự thông cảm, động viên của gia đình luôn là một phần sức mạnh giúp tôi chống dịch’.