Trong tuần cuối cùng của tháng 7, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát trở lại ở Việt Nam với tâm dịch là thành phố du lịch Đà Nẵng. Cho đến nay, dịch có chiều hướng tiếp tục lan rộng ở nhiều địa phương, trong đó có thủ đô Hà Nội và Tp.HCM, hai đầu tàu kinh tế của cả nước. Việt Nam nói sẽ không đóng cửa như đã làm trong dịp đầu tháng 4 để tránh hậu quả nặng nề cho kinh tế. Trên thực tế, dù chưa đóng cửa nhưng hoạt động buôn bán kinh doanh kể từ khi ghi nhận các ca Covid-19 đầu tiên ở Đà Nẵng cho đến nay đã rất chậm. Các tiểu thương ở Hà Nội đang lâm thế bí khi người dân lo sợ dịch bệnh, hạn chế ra đường, hạn chế chi tiêu.
Chị Đỗ Thị Liên, một người kinh doanh nhỏ tại quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết khi mới mở cửa trở lại vào cuối tháng 4, chị cũng túc tắc có khách, gọi là tạm đủ thu nhập để nuôi sống gia đình. Từ tuần cuối của tháng 7, khi có thông tin dịch bệnh bùng phát trở lại, cửa tiệm của chị hầu như không còn ai ghé qua nữa. Tâm lý lo sợ dịch bệnh đã khiến phần lớn mọi người không còn nghĩ đến chuyện mua sắm, trừ những mặt hàng thiết yếu để duy trì cuộc sống hàng ngày. Gia đình 5 miệng ăn của chị giờ không còn biết bấu víu vào đâu.
Mặc dù nằm trong diện được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng 4, 5, 6 nhưng cho đến giờ chị vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về số tiền này.
Trong lúc khó khăn như thế này chỉ biết trông vào tiền hỗ trợ của nhà nước, được đồng nào hay đồng đấy, nhưng cho đến giờ mình đã nhận được đồng gỉ nào đâu...”
“Trong lúc khó khăn như thế này chỉ biết trông vào tiền hỗ trợ của nhà nước, được đồng nào hay đồng đấy, nhưng cho đến giờ mình đã nhận được đồng gỉ nào đâu,” chị chia sẻ với VOA và cho biết đợt dịch lần này gia đình chị tiếp tục được mẹ chị ‘viện trợ’ ít gạo và thịt gia cầm để đối phó với thời gian khó khăn sắp tới.
Đối với những tiểu thương có điều kiện kinh tế khá giả hơn, hiện phần lớn cũng bắt đầu rơi vào cơn túng quẫn. Trong suốt 6 tháng qua, hoạt động kinh doanh hầu như ngừng trệ vì không có khách. Nhiều người dùng tiền tiết kiệm để duy trì cuộc sống gia đình và chi phí hoạt động cầm chừng.
Anh Nguyễn Quang Thắng, chủ một nhà hàng – tiệm cà phê ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết từ sau Tết cơ sở của anh doanh thu chỉ trên dưới 10 triệu đồng/ngày, không đủ trả tiền thuê mặt bằng. Dù thương lượng được với chủ đất, nhưng mức giảm hỗ trợ cũng giới hạn, nên từ 3 tháng nay anh phải bỏ tiền túi để bù vào.
Tuy vậy, anh Thắng nói trường hợp của anh là khá may mắn khi kinh doanh ở địa điểm không có quá nhiều hàng quán và khách hàng chủ yếu là khách quen nên vẫn thường tới ủng hộ. Bạn bè của anh, những chủ nhà hàng và tiệm cà phê trong quận Hoàn Kiếm, phần lớn đã phải trả tiệm, đóng cửa vì không thể trang trải tiền thuê mặt bằng do vắng khách.
Hơn thế, dịch bệnh như thế này, nhiều người thất nghiệp. Chẳng mấy ai có tiền nên người ta cũng phải tiết kiệm chi tiêu...”
“Người dân bây giờ đang có tâm lý sợ dịch. Người ta hạn chế ra đường rất là nhiều, nên chẳng có mấy ai đi ăn nhà hàng hay uống cà phê nữa. Hơn thế, dịch bệnh như thế này, nhiều người thất nghiệp. Chẳng mấy ai có tiền nên người ta cũng phải tiết kiệm chi tiêu,” anh Thắng tâm sự.
Chị Liên cho biết họ hàng nhà chị nhiều người cũng đã trả cửa tiệm, tạm về quê sinh sống chờ qua dịch. Có người đã kinh doanh tại Hà Nội cả chục năm nay, vốn liếng cũng khá, nhưng thấy khả năng năm nay khó khôi phục nên tạm nghỉ để hạn chế chi tiêu.
Dòng người lao động và mua bán nhỏ lẻ trở về quê vì không còn việc làm tại thành phố càng khiến cho hoạt động kinh tế khó khăn hơn.
Anh Nguyễn Minh Trung, chủ doanh nghiệp sản xuất nước uống tinh khiết đóng bình tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chia sẻ: “Bây giờ lao động ngoại tỉnh người ta về quê hết nên những đại lý của công ty, đặc biệt là những đại lý chuyên bán lẻ nước uống cho các khu vực có nhiều gia đình lao động ngoại tỉnh cư trú thì hàng bán rất chậm. Mà tình hình này còn kéo dài thì thực sự là khó khăn không dễ vượt qua đâu.”