Đường dẫn truy cập

COVID-19 ở Đà Nẵng ‘có thể gây ảnh hưởng đến khôi phục kinh tế’


Xét nghiệm COVID-19 tại Hà Nội cho một du khách vừa trở về từ Đà Nẵng.
Xét nghiệm COVID-19 tại Hà Nội cho một du khách vừa trở về từ Đà Nẵng.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra nhận định như vậy hôm 11/8 trong bản cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Theo tổ chức này, trước khi tình hình dịch bệnh bùng phát lại ở Đà Nẵng cuối tháng trước, “kinh tế trong nước vẫn phục hồi” dù “chưa thực sự phục hồi lại ở mức như trước khi có khủng hoảng”.

Tin cho hay, sau gần 100 ngày không có lây nhiễm cộng đồng, Việt Nam thông báo các ca nhiễm mới đầu tiên ngày 25/7, và tới nay, ít nhất 250 ca nhiễm mới đã được xác nhận, chủ yếu ở khu vực Đà Nẵng và các địa phương lân cận, nhưng cũng có cả ở TP. HCM và Hà Nội.

Chính phủ Việt Nam thông báo thực hiện các biện pháp tăng cường ngăn chặn COVID-19 lây lan, nhất là ở tâm điểm ở miền Trung.

“Trong thời gian tới, COVID-19 trỗi dậy với các ca lây nhiễm cộng đồng cùng với các biện pháp hạn chế mới, nhất là ở Đà Nẵng, chắc chắn sẽ tác động đến quá trình khôi phục kinh tế”, World Bank nhận định.

Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá thêm rằng “tác động tiêu cực của nó phần nào được giảm nhẹ do Chính phủ đã và đang nỗ lực đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công, nhất là ở các địa phương”.

Tuy nhiên, tổ chức tài chính này cũng nói “cần quan tâm hơn nữa đến diễn biến phát triển của dịch bệnh, tác động tài khóa của nó và chính sách xử lý trong trung và dài hạn”.

Theo World Bank, kể từ tháng 4, số thu của chính phủ Việt Nam “đã và đang giảm đáng kể trong khi chi tiêu phải tăng lên nhằm ứng phó khủng hoảng”.

“Trong nửa đầu của năm, Chính phủ chỉ thu được 76% so với con số cùng kỳ năm 2019 do tăng trưởng kinh tế giảm kết hợp với biện pháp giãn nộp thuế cho cá nhân và doanh nghiệp để đối phó với cuộc khủng hoảng”, tổ chức tài chính nói.

Ngân hàng Thế giới đưa ra bản cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ít lâu sau khi đưa ra nhận định rằng kinh tế Việt Nam “vẫn chịu đựng tốt và sẽ phục hồi” dù bị ảnh hưởng “nghiêm trọng” vì COVID-19.

Tổ chức tài chính này đánh giá thêm rằng nền kinh tế “sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021”, nếu tình hình thế giới từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020.

Trong trường hợp xấu, tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, “nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021”.

Trong một nhận định riêng đưa ra hồi tháng Sáu, Ngân hàng Thế giới dự báo rằng năm 2020, lượng kiều hối toàn cầu “sẽ giảm mạnh khoảng 20%”, do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch COVID-19, khiến nhiều hoạt động bị đình trệ.

Lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm ngoái lên tới 17 tỷ đôla, chiếm 6,5% GDP, nhưng năm nay, số tiền người Việt ở hải ngoại chuyển về nước nhiều khả năng cũng sẽ “giảm mạnh” vì virus Corona.

Tổ chức tài chính quốc tế này nói thêm rằng đây là “mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, phần lớn là do giảm thu nhập và việc làm ở nhóm lao động di cư", vốn "dễ bị mất việc làm và thu nhập do khủng hoảng kinh tế ở các nước sở tại”.

Tin từ trong nước cho hay, trong quý II và 6 tháng đầu năm 2020, đã có 30,8 triệu người Việt bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trong đó 2,4 triệu lao động mất việc và tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước tăng 2,73% cũng như khoảng 17,6 triệu người giảm thu nhập do dịch COVID-19.

"Nếu chúng ta không quan tâm những vấn đề lao động xã hội thì tình hình sẽ phức tạp", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được trang VnExpress trích lời nói.

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam được dẫn lời nói trong cuộc họp chính phủ thường kỳ hôm 3/8 rằng “trong bối cảnh dịch bệnh quay trở lại, các bộ ngành và địa phương không được chủ quan, không được để dịch bùng phát trên quy mô lớn”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG